"Midnight in Paris": Thư tình gửi Paris

15/11/2020 - 06:53

PNO - Trong đôi mắt mơ mộng, Paris như một người tình. Thành phố ấy đẹp và gợi cảm hơn bao giờ hết qua góc nhìn của đạo diễn Woody Allen.

Khi thành phố là một tình yêu sâu đậm 

Có thể nói trong Midnight in Paris (ra mắt năm 2011), thành phố Paris không còn là nơi chốn, bối cảnh mà như là một nhân vật chính hẳn hoi. Đúng hơn, Paris là đối tượng được đề cập trực diện, trước tiên và xuyên suốt. 

Mở đầu phim là những hình ảnh về thành phố Paris với đường phố, hàng cây, sinh hoạt của người dân, những biểu tượng nổi tiếng ở nhiều góc nhìn quen mà lạ, đầy cảm xúc. Woody Allen đã dành đến bốn phút dựng không thoại cho “nhân vật” Paris này, trên nền bản nhạc Si tu vois ma mère của nghệ sĩ saxophone Sidney Bechet. Đó là bốn phút đáng giá với cách dựng chậm, đóng đinh từng hình ảnh vào lòng người. 

Ở đó, nhân vật chính Gil Pender của Owen Wilson có một tình yêu vô cùng đặc biệt với thành phố này. Trước đây, anh từng đến Pháp và bây giờ trở lại với vị hôn thê của mình trong một chuyến du lịch. 

Gil Pender vốn là một biên kịch được săn đón ở Hollywood. Tuy nhiên, anh không thích tiếp tục sự nghiệp với những bộ phim được làm theo công thức. Thay vào đó, anh đang viết dở cuốn tiểu thuyết đầu tay về một nhân vật làm việc ở tiệm đồ cổ. Trong khi Gil Pender thuộc mẫu người mơ mộng, hoài cổ, giàu tình yêu văn chương, nghệ thuật thì vị hôn thê của anh - Inez (Rachel McAdamds đóng) - lại là người thực tế. 

Trên bề mặt câu chuyện, mối tình của Gil và Inez tưởng như ván sắp đóng thuyền. Tuy nhiên, ở họ có những độ chênh nhất định. Gil yêu Paris và muốn dọn đến đây. Inez lại hình dung về một mái nhà bên bờ biển ở Malibu. Cô không thể sống được ở đâu bên ngoài nước Mỹ. 

Trong Midnight in Paris, nhân vật chính Gil Pender có một tình yêu vô cùng đặc biệt với Paris, đặc biệt là Paris vào thời đại của kỷ nguyên nhạc jazz
Trong Midnight in Paris, nhân vật chính Gil Pender có một tình yêu vô cùng đặc biệt với Paris, đặc biệt là Paris vào thời đại của kỷ nguyên nhạc jazz

Trên bề mặt, Gil vẫn mặn nồng với Inez. Tuy nhiên, anh có thể “mượn tạm” đôi hoa tai của vợ để trao cho người con gái khác. Trên bề mặt, Inez háo hức về ngày Gil trao cho cô chiếc nhẫn cưới. Tuy nhiên, cô lại luôn có thể ngắt lời anh, nhấc vòng tay anh ra khỏi eo mình và rất vui khi được đi dạo, khiêu vũ với người đàn ông khác. 

Chuyện tình của họ dường như cũng chỉ là câu chuyện trên bề mặt với một tình yêu lớn hơn, ở chiều sâu, dành cho Paris. Ở đó, hằng đêm, sau khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, Gil bước lên chiếc xe cổ Peugeot và trượt vào một thời đại khác, Paris những năm 1920 - thời đại của kỷ nguyên nhạc jazz, cũng là thời đại mà Gil luôn mơ ước được thuộc về. Với anh, đó là thời kỳ hoàng kim và đáng sống nhất. 

Ở đó, anh được gặp gỡ, kết bạn với những nghệ sĩ thiên tài như nhà văn Ernest Hemingway, vợ chồng tiểu thuyết gia Scott Fitzgerald - Zelda Fitzgerald, nhà văn - nhà thơ - nhà viết kịch và sưu tầm nghệ thuật Gertrude Stein, danh họa Picasso, Salvadore Dali, nghệ sĩ thị giác Man Ray, nhạc sĩ Cole Porter và nhiều tên tuổi khác. Ở đó, anh đã phải lòng Adriana (Marion Cotillard) - nàng thơ của Picasso và trước đó là Modigliani, Braque. 

Phim kể về câu chuyện song hành giữa một Paris thực tế ban ngày và một Paris ảo mộng về đêm, trong chuyến du hành ngược về quá khứ của nhân vật Gil. Sự bập bênh giữa hai trạng thái đó không phủ nhận lẫn nhau mà càng bồi đắp thêm cho một tình yêu sâu đậm. 

Cũng giống như nhân vật Gil, đạo diễn Woody Allen từng sống ở Paris suốt tám tháng vào năm 1964 khi kịch bản gốc đầu tay của ông - What’s New Pussycat - được dựng thành phim. Woody Allen cũng vào một vai phụ trong phim này và ông đến Pháp một phần để tiện chỉnh sửa, thêm thắt kịch bản trong khi phim đang bấm máy. Ông yêu Paris nhưng lại không đủ can đảm ở lại. Về sau, ông đã chia sẻ rằng quyết định rời xa đó khiến ông nhiều lần hối tiếc.Bạn có thể thấy hình bóng tình yêu và sự hối tiếc này trong chính nhân vật của Owen Wilson. 

Vì vậy, khi nhà sản xuất người Pháp đặt hàng một bộ phim về kinh đô ánh sáng của thế giới, Woody Allen gật đầu ngay. Tuy nhiên, phải mất đến mấy tháng, đạo diễn kiêm biên kịch Woody Allen mới ra được ý tứ cho kịch bản thông minh này. Midnight in Paris mang về cho Woody Allen giải Oscar thứ tư, giải Oscar về Kịch bản gốc xuất sắc nhất. 

Mãn nhãn với Paris thời hoàng kim của kỷ nguyên nhạc jazz

Ngoài giải Oscar dành cho kịch bản, phim còn được đề cử ba giải Oscar khác dành cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhấtChỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất. Có thể nói vai trò chỉ đạo nghệ thuật của nhà thiết kế bối cảnh Anne Seibel xứng đáng được vinh danh khi tái hiện thật lung linh một Paris hoàng kim vào những năm 20 của thế kỷ trước. 

Phim có tổng ngân sách 17 triệu USD, trong đó, ngân sách dành cho thiết kế bối cảnh và chỉ đạo nghệ thuật không nhiều. Phim được quay trong vòng bảy tuần. Trước đó, Anne Seibel đã phải nghiên cứu, tìm tòi hơn hai tháng. Có những ngày Anne phải chạy vạy khắp nơi tìm kiếm bối cảnh. Trong đó, nan giải nhất là bối cảnh nhà hát Moulin Rouge, địa điểm Gil Pender và Adriana gặp gỡ các nhân vật bậc thầy hội họa như Toulouse Lautrec, Paul Gauguin và Edgar Degas.

Yêu cầu của bối cảnh này là một không gian rộng với sàn gỗ, một ban-công chạy quanh với những chiếc cột đội bóng đèn và một dàn đèn chùm. Moulin Rouge nguyên bản không còn, ở Paris cũng không có địa điểm nào như thế. May mắn là Anne Seibel tìm được nhà hát cũ La Cigale. Đội thiết kế đã xây lan can, xây hệ thống cột, làm sàn gỗ giả và thuê những chiếc đèn lớn đặt lên hệ thống cột. Bên cạnh đó, họ gắn gương và màn, lắp dàn đèn chùm để tái tạo không gian Moulin Rouge huyền thoại. 

Cũng có khi những bối cảnh tìm được thú vị đến nỗi đạo diễn Woody Allen phải sửa kịch bản. Chẳng hạn cảnh quay về buổi tiệc cocktail do Zelda Fitzgerald tổ chức. Ban đầu, kịch bản dự định quay trong một căn hộ nhưng người phụ trách thiết kế lại tìm được một bảo tàng hội chợ với những vòng quay ngựa gỗ và quầy trò chơi. Những chi tiết ấy vô cùng thú vị cho một buổi tiệc náo nhiệt. 

Sự uyển chuyển giữa hai thời đại 

Nếu Paris hiện đại được quay bằng những hình ảnh thực tế thì Paris cổ kính được lược bỏ những chi tiết đương đại, thay vào đó bằng những chiếc đèn cổ, nội thất cổ, poster và xe cộ... Mặt tiền quán xá cũng được thay đổi như thập niên 20 của thế kỷ qua.

Trong đó, ánh sáng và màu sắc được dùng như một thủ pháp đắc lực, chủ đạo. Ban ngày là ánh sáng màu kem với nhiều gam màu nhẹ, màu pastel, không gian rộng mở và khoáng đãng. Ban đêm, không gian tối hơn nhưng vẫn giữ được vẻ ấm áp, mơ màng, quyến rũ với gam màu vàng nâu, màu beige, màu hạt dẻ. Trong không gian lung linh mơ hồ đó, chính Gil cũng không biết sự việc diễn ra là thực hay ảo. 

Những thần tượng của anh, những nghệ sĩ bằng xương bằng thịt sống động hơn bao giờ hết với từng cá tính đặc trưng của mỗi người. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh có sự xuất hiện cùng lúc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến thế trong cùng một tác phẩm nghệ thuật. Như thể Woody Allen không chỉ khiến Gil ngỡ ngàng mà còn trao cho khán giả yêu nghệ thuật một món quà quá lớn và thú vị. 

Trailer phim Midnight in Paris:

 

 

 Nhà thiết kế phục trang Sonia Grande làm tốt phần việc của mình khi tạo phong cách đúng mực cho từng nhân vật. Gil thoải mái, gần gũi với quần kaki, những chiếc sơ mi chất liệu mềm thoáng đi kèm áo vest vải tweed thô mộc. Inez thông minh khi phối “đồ hiệu”. Adriana lại quyến rũ trong những chiếc đầm sequin không cổ, đôi khi là những chiếc đầm vintage lãng mạn. Bên cạnh Adriana, những quý cô lấp lánh, hào nhoáng trong những bữa tiệc đầy màu sắc cũng sẽ khiến bạn khó quên.

Xuyên suốt bộ phim là những giai điệu jazz đầy ngẫu hứng, mơ mộng. Và cách kể chuyện của Woody Allen tài tình đến nỗi, hóa ra nào chỉ Gil bị lạc mà chính người xem cũng đã thuộc về thành phố ấy tự lúc nào. 

Yến Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI