Mẹ tôi biết điều đó không tốt cho bản thân tôi, nhưng bà vẫn cứ làm

25/05/2022 - 19:00

PNO - Ba nén nhang đó là chiếc cầu nối, để mẹ trò chuyện với ba, cảm nhận sự hiện diện của ba, và những nỗi đau mất mát cũng giảm bớt phần nào...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Mẹ tôi 68 tuổi, người gốc Bắc Trung Bộ, đã nghỉ hưu. Bà có sở thích cúng kiếng bày biện bàn thờ. Mỗi ngày bà thắp nhang hai đến ba lần.

Ngày trước ba tôi mới mất, bàn thờ còn để dưới phòng khách thì bà thắp nhang dưới đó không ai nói gì. Nhưng sau khi giỗ một năm, bàn thờ mang lên phòng thờ chung của gia đình, phòng đó lại trước cửa phòng tôi.

Mỗi lúc mẹ tôi thắp nhang, khói hương bay vào phòng khiến tôi rất ngột ngạt, vì tôi có tiền sử viêm mũi dị ứng từ nhỏ. Tôi toàn phải thở bằng miệng vì những mùi khói độc hại như thế này.

Tôi có nhắc khéo mẹ là thay vì thắp ba cây nhang, thì thắp một cây thôi cho nó đỡ khói, bởi vì ở chùa người ta cũng hạn chế thắp nhang. Lúc trước tôi có đặt mua loại nhang sạch, nhưng dạo gần đây mới hết. Tôi chưa kịp mua nhang mới thì mẹ tôi vẫn tiếp tục thắp rất nhiều nhang. Tôi đã nói rõ cho mẹ biết vấn đề của mình, nhưng bà cứ làm lơ khiến tôi cảm thấy rất khó ở.

Tôi không hiểu là mẹ tôi vẫn biết nhang khói rất độc hại nhưng vẫn làm, mặc dù tôi có nói là ở chùa dạo này người ta còn không thắp nhang nữa, nhưng không hiểu sao mẹ tôi vẫn thắp nhiều nhang theo một thói quen rất mù quáng.

Tôi không thể hiểu nổi thế hệ trước sao đã biết điều không đúng, có hại, mà vẫn làm một cách thật mê muội. Xin chị Hạnh Dung cho ý kiến giùm ạ.

Lynh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Lynh thân mến,

Có những điều thuộc về tín ngưỡng, về lòng tin vào những điều tâm linh, rất khó thuyết phục người ta - nhất là những người lớn tuổi - thay đổi, em ạ. Hạnh Dung cũng nhận thấy rằng càng nhiều tuổi, con người ta càng dựa vào một niềm tin nào đó mang tính tôn giáo.

Đôi khi, Hạnh Dung chỉ biết lý giải rằng trải qua nhiều đắng cay, gian khổ, đau thương, mất mát trong cuộc đời, hầu như ai cũng phải tìm đến một cõi tâm linh như thế. Như một chiếc cầu nối liền hiện thực với một thế giới mà họ không biết được nó ra sao, nhưng những người thân của họ lần lượt bước vào đó. Và chỉ có niềm tin ấy khiến họ bình an, được yên ủi, bớt cô đơn và không sợ hãi mà bước tới.

Hãy hiểu rằng, với mẹ em, ba nén nhang đó là một chiếc cầu nối, để bà có thể trò chuyện với ba em, cảm nhận được sự hiện diện của ba em, và những nỗi đau mất mát giảm bớt được phần nào.

Khi hiểu được nỗi lòng của mẹ, em có thể thông cảm được cho bà không? Có thể bớt tức giận mà dùng những từ nặng nề như "mù quáng" hay "mê muội" hay không? 

Thắng thắn thì, khi còn trẻ, Hạnh Dung cũng giống như em, không tin vào bất cứ điều gì mình không thể nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay. Nhưng dần lớn tuổi lên, Hạnh Dung cũng nhận ra có rất nhiều điều kỳ lạ trong thế giới đa chiều này mà khoa học chưa thể giải thích được.

Và như thế, chúng không hẳn chỉ là mê tín dị đoan hay mù quáng, mà có khi đó vẫn cứ là những điều còn chờ đợi sự giải thích của khoa học.

Vậy, vấn đề của em chỉ là làm sao cho mẹ hiểu, để bớt đốt các loại khói nhang có hại cho sức khỏe của cả gia đình. Hãy giải thích cho mẹ về tác hại của các loại nhang có tẩm ướp hóa chất gây độc. Bên cạnh đó, hãy cố gắng thường xuyên mua nhang sạch, không để mẹ phải sử dụng những loại nhang rẻ tiền. Ngoài ra, em hãy tìm hiểu các cách bịt thật kín cửa phòng mình, đừng để khói nhang lọt vào.

Trong một gia đình có nhiều thế hệ chung sống, chắc chắn không thể nào không có những va chạm, khó chịu, bực bội do sự khác nhau về nhận thức, tư duy, lối sống. Nhưng mọi vấn đề đều có thể giải quyết được khi mọi người yêu thương, hiểu biết, chia sẻ và tôn trọng thế giới riêng của nhau.

Cần nhất vẫn là một điều: vì yêu thương mà hy sinh cho nhau và chấp nhận những khác biệt một cách bao dung, em nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI