Mẹ còn nước mắt…

15/03/2015 - 07:04

PNO - PN - Buổi trưa yên tĩnh, bỗng nghe có tiếng khóc. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bà cụ thân gầy tóc bạc bưng tô cơm ngồi tức tưởi. Hình ảnh làm tôi giật mình xốn xang. Cụ bà 70 tuổi ngồi khóc bên hiên nhà như trẻ nhỏ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bà cụ khóc vì cô con gái lớn tiếng khi thấy cụ cứ làm cơm rơi vãi. Cô con gái ăn năn xin lỗi. Chị bán hàng bông ngoài chợ nên nhiều lúc tất tả nói năng vô ý, lại nóng tính không kiềm chế được. Bà cụ hay tủi thân hờn mát. Nhiều hôm ngồi một mình buồn bà cũng chảy nước mắt. Kể chuyện xưa mà con cháu bận bịu không ngồi nghe bà cũng giận hờn, nói đám con bà còng lưng nuôi đủ lông đủ cánh rồi chẳng còn đứa nào cần bà nữa…

Người già, đi gần hết một cuộc đời có khổ đau nào mà không nếm trải, ngỡ đã cạn khô nước mắt nhưng cuối cùng có thể khóc vì những điều rất giản đơn. Người già, sống bằng những ký ức đời nảo đời nao, kể hoài không hết, mà đám con cháu đứa nào kiên nhẫn lắm ngồi nghe cũng đâu chia sẻ được với một thanh xuân nào đó đã trôi đi rất xa chỉ có người già mới biết và nhớ tiếc.

Đôi mắt người già hằn đầy dấu vết của năm tháng cơ khổ, chịu đựng, chấp nhận mọi bôn ba và đắng cay; nhưng đôi mắt can trường trước mọi bể ải, hy sinh tất cả cho con ấy cũng mong manh vì con mà dễ dàng rơi nước mắt.

Me con nuoc mat…

Nước mắt người già luôn khiến lòng người se thắt. Đó sẽ mãi là nỗi bối rối khôn nguôi cho những đứa con. Một nữ đạo diễn đã từng kể với tôi rằng, cái ngày nhìn thấy mẹ bật khóc vì sự vô tình của mình, chị đã ngồi lặng lẽ kề bên, nắm bàn tay mẹ cho đến khi những giọt nước mắt già nua thấu hiểu được sự cam chịu và sẻ chia. Mãi đến những năm về sau này, khi hoa hồng trắng đã cài trên áo, mỗi lần nhớ về những giọt nước mắt của mẹ là chị thấy nhói lòng, để nỗi đau ấy trở thành lời chị dạy cho tất thảy những em, cháu, con sau này: đừng bao giờ làm mẹ khóc.

Nhiều lúc vui chuyện, tôi hỏi má tôi: bây giờ điều gì có thể làm má khóc? Má cười bảo giờ mà khóc gì. Cuộc đời má là những năm tháng bôn ba lặn lội đau đớn oằn vai. Thi thoảng má nằm kể “chuyện vui”, về cái ngày mang đổi chó lấy thau, xoong nồi của mấy mươi năm trước; về những ngày má đi nhận quần áo cũ “người thành phố” gửi về quê làm từ thiện, mà lựa mãi trong túi quần áo nhàu nhĩ như giẻ rách mới có được cái áo cái quần lành lặn cho con.

Những ngày má gánh sương sáo đi bán dạo hay đi bộ hàng mấy chục cây số ròng rã bán quần áo cũ vẫn tiết kiệm từng 500đ trà đá, còng lưng suốt những mùa mưa nắng trên đồng mà nhà vẫn nghèo tơi tả, mái lá dột trước ướt sau, trên vai gánh cả đàn con tuổi ăn tuổi lớn… Những ngày ấy nước mắt chảy hết vào trong.

Đêm qua tôi ngồi nhìn má ngủ, cái dáng cong hình dấu hỏi và những nếp nhăn trên khuôn mặt sao vẫn cứ hằn đầy âu lo. Chợt nghĩ trong năm tháng xa ngái nào đó má ngồi quạt nan chăm cho tôi những giấc ngủ ngon. Có lẽ khi ấy má đã mong con của má lớn lên sẽ được sống những ngày tháng vui vẻ, an yên. Bây giờ đã là điều ngược lại.

Tôi vẫn thường nghĩ, người già cần được hạnh phúc khi cả cuộc đời đã hy sinh cho con cháu. Hạnh phúc của người già nhiều khi chỉ giản đơn là ngồi nhìn đứa con xa về ăn bữa cơm nhà một cách ngon lành, nghe những câu chuyện vui cùng con và nhìn con rạng rỡ; là sự gói ghém bảo bọc từng miếng ăn giấc ngủ cho dù đứa con ấy có bao nhiêu tuổi, có trở thành ai hay như thế nào ngoài xã hội. Hạnh phúc ấy sẽ ấp iu tròn vẹn hơn khi con cái luôn dành lại sự quan tâm nhỏ nhặt, nhiều khi chỉ là cái nắm tay di di lên những đường vân tay chai sạn hay buổi chiều nào đó ngồi nhổ tóc bạc nghe người già kể chuyện ngày xưa…

Nhưng cũng thật khó, vì có lúc nào người già thôi lo lắng chuyện cháu con, mà càng già lại càng dễ tổn thương. Con hạnh phúc cha mẹ bình an, con mất mát mẹ cha cũng đau thắt lòng. Rồi còn những tủi hờn giữa vô tâm năm tháng. Tôi biết, má tôi cũng như bao người mẹ trên đời, vẫn mãi còn nước mắt như cụ bà 70 ngồi khóc bên hiên nhà.

Mẹ còn nước mắt…

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI