Mẹ chồng tương lai muốn tôi phải đưa hết thu nhập hàng tháng cho bà

23/03/2022 - 13:25

PNO - Tài chính là một trong những điều cần được thảo luận rõ ràng và được thống nhất một cách triệt để trước một cuộc hôn nhân.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và anh ấy chuẩn bị cưới. Trước ngày cưới vài tuần, anh đột nhiên nói có chuyện cần trao đổi với em. Em thấy rất căng thẳng với những kiểu rào đón của anh ấy. Lần trước, cũng kiểu rào này mà anh ấy đã buộc em phải chấp nhận về sống với ba mẹ chồng, làm dâu một thời gian. Không biết lần này là gì nữa đây?

Hóa ra, mọi chuyện còn khủng khiếp hơn: Mẹ chồng nói vì tụi em sẽ ở với bà và cả nhà chồng, nên mẹ muốn chúng em hàng tháng nộp hết tiền lương cho bà. Bà nói việc này là truyền thống gia đình bà rồi. Từ xưa tới giờ, cha chồng em đi làm về là nộp tiền cho bà và ông chưa bao giờ ân hận về chuyện đó.

Anh ấy bảo quả có đúng vậy, mẹ là người thu vén khéo, nên suốt nhiều năm bao cấp, nhà khác đói ăn chứ nhà anh thì vẫn đầy đủ.

Ba anh là một ông giáo nên tính tình hơi lơ mơ, thiếu thực tế, ông cứ thế mà ung dung cả đời. Bao năm, chuyển chỗ làm bao nhiêu lần, bà đều tự tới đó lãnh lương giùm ông luôn. Trong túi ông thường chỉ đủ tiền một ly cà phê sáng. Muốn mua gì, ông đều phải về xin bà. Nhưng bà cũng ít khi từ chối, vì ông thường chỉ mua sách.

Đến khi anh đi làm, từ bao năm nay vẫn thế, bà giữ quyền kiểm soát tiền của anh. Thẻ tiền lương anh bà giữ, hàng tháng bà cho anh một, hai triệu để tiêu vặt. Anh kể, tiền mua quà cho em mấy lần lễ lạt, sinh nhật, anh cũng phải bàn bạc, thảo luận với bà. Có điều, theo anh, bà luôn là quân sư tốt, chừng mực, không quá hào phóng mà cũng không quá chặt chẽ.

Nói chung, anh đưa ra rất nhiều lý lẽ thuyết phục em, về chuyện hai đứa nên đưa tiền cho mẹ giữ giùm. Lý lẽ thuyết phục nhất là nhờ mẹ giữ tiền, nên giờ này anh đã có nhà riêng cho thuê. Tiền thuê nhà mẹ cũng quản luôn, nhưng trước sau vẫn là của anh.

Tuy nhiên, anh cũng hiểu tính em, nên bảo: "Em thì không nhất thiết phải đưa hết tiền cho mẹ giữ. Anh đã đoán trước tình hình, nên khi trước mẹ hỏi thu nhập em bao nhiêu, anh nói chỉ có hơn phân nửa số tiền lương em mà anh biết thôi.

Hàng tháng, em cứ đưa mẹ đúng bấy nhiêu, còn lại thì em giữ. Mẹ không biết đâu. Chỉ có điều nên kín kín, cứ gửi bên nhà mẹ em hay làm sao đó, chứ tính mẹ cũng hay lục lọi lắm".

Trời ơi, nghe anh nói mà em choáng. Choáng trước hết là chuyện tiền nong của gia đình anh. Choáng thứ hai, giờ em mới biết chồng tương lai của mình là "con ngoan" thế nào. 

Em phải làm sao đây chị? Tiền em làm ra, em muốn được tự giữ, tự chi tiêu theo ý em. Em có hoang hay tiết kiệm cũng là theo nhu cầu của em. Em không muốn làm gì cũng phài xin tiền mẹ chồng. Em cũng không muốn phải giấu diếm lén lút số tiền do chính mình làm ra. 

Nhưng có vẻ như thay đổi điều này trong gia đình anh là rất khó. Nó là truyền thống, là nếp sống rồi. Nếu hủy đám cưới vì chuyện này thì có kỳ không chị? Chứ tình hình này, em thấy không ổn chút nào. 

Mộc Hoa

Em Mộc Hoa thân mến,

Đúng là mỗi gia đình có một nề nếp, nguyên tắc, cách ứng xử riêng của mình. Và ông bà thì có câu "Nhập gia, tùy tục". Tuy nhiên, cái "nhập gia" đó cũng phài tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, điều kiện, và tới nay thì còn "tùy thời". 

Em đồng ý theo chồng về làm dâu của một gia đình đã có nề nếp riêng và được cả nhả chấp nhận nề nếp đó, nhưng điều đó không có nghĩa là em phải răm rắp tuân theo những nguyên tắc đã được định ra.

Bởi một điều hết sức quan trọng: em rời khỏi nhà cha mẹ, rời khỏi cuộc sống riêng tư của mình để "lập gia đình", nghĩa là em muốn có gia đình riêng của em, chứ không phải là nhập vào một gia đình khác để sống hoàn toàn theo nếp sống đó.

Trước mắt, em sẽ có khoảng thời gian chung sống trong gia đình chồng, nhưng đó chỉ là tạm thời. Và dù có sống chung đi chăng nữa, thì mô hình gia đình ngày nay không còn giống xưa, không thể nhập hết vào nhau, mà chỉ có những phần giao thoa chung, để chia sẻ, chăm sóc, bên cạnh nhau. Còn những gì riêng cho một gia đình nhỏ, vẫn phải được tôn trọng.

Gia đình của em sẽ có những kế hoạch riêng, cách sống riêng, mục tiêu riêng, tiêu chuẩn hạnh phúc riêng..., mẹ chồng em không thể điều khiển, nắm giữ hoàn toàn và mãi mãi được. Mà kinh tế chính là một trong những điều hết sức quan trọng để định ra những tiêu chuẩn riêng đó của đời sống. 

Đề nghị giấu diếm của chồng em cũng không thể chấp nhận được. Vì thứ nhất, chẳng có gì giấu diếm mà an toàn hoài được. Thứ hai, vì sao em phải giấu diếm những điều chính đáng được công khai?

Tài chính là một trong những điều cần được thảo luận rõ ràng, và được thống nhất một cách triệt để trước một cuộc hôn nhân. Đóng góp khi sống chung, có nghĩa vụ với cha mẹ cả khi sống riêng, là điều chắc chắn các em phải thực hiện. Nhưng không có nghĩa là mẹ chồng được quyền kiểm soát mọi mặt tài chính của vợ chồng em.

Tránh né, thỏa hiệp trong sự bức bối, miễn cưỡng, xuê xoa... sẽ là mầm mống của nhiều mâu thuẫn lớn về sau. Em nên rõ ràng điều đó với chồng tương lai của mình, giúp anh hiểu, chấp nhận với việc tách ra, từ một đứa con ngoan, thành một người chồng tốt, một chủ gia đình chững chạc.

Hãy giao cho anh trách nhiệm thuyết phục được mẹ chồng tương lai về quyền tự do, độc lập về kinh tế của gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI