May mắn qua đi, tất cả lại trở về tàn tro

11/03/2017 - 08:35

PNO - Khởi nghiệp là một trải nghiệm hấp dẫn nhưng cũng thật... kinh khủng. Bạn sẽ liên tục phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Và bạn phải chiến thắng, giành lấy những kinh nghiệm khởi nghiệp để thành công.

Bạn đang chuẩn bị khởi nghiệp? Mỗi người sẽ có những câu chuyện khởi nghiệp rất riêng, nhưng dưới đây là những bài học quen thuộc hầu như ai cũng trải qua. Hãy lưu ngay 11 kinh nghiệm khởi nghiệp quý giá này để thành công nhé!

May man qua di, tat ca lai tro ve tan tro
 

1. Sản phẩm, doanh nghiệp của bạn luôn có khả năng bị thay thế

Khách hàng, đối tác chiến lược, nhà cung cấp hay thậm chí những nhân viên cộng sự luôn luôn đánh giá cao sản phẩm, cung cách làm việc của bạn. Tuy nhiên, sẽ luôn luôn có sản phẩm tốt hơn, cách làm việc thông minh hơn và tử tế hơn bạn rất nhiều.

Bạn không có nhiều thời giờ để tự mãn vì kỳ vọng của những người xung quanh dành cho bạn sẽ ngày càng cao. Vì vậy, hãy buộc chính mình luôn cầu tiến, sản phẩm ngày càng tốt hơn và luôn đối xử tử tế với mọi người. Chỉ có như vậy mới giúp sản phẩm của bạn có chỗ đứng, khó bị thay thế.

2. Uy tín vô cùng quan trọng

Hãy cố gắng để trở nên nổi bật trong lĩnh vực bạn lựa chọn theo hướng tích cực nhất có thể. Đừng dễ thỏa hiệp với những điều tổn hại đến uy tín của bạn. Giữ chữ tín và danh dự sẽ làm mọi người yêu thích bạn hơn.

3. Bạn phải có trách nhiệm (ngay cả khi lỗi không phải do bạn gây ra)

Bạn phải dẹp bỏ khái niệm cá nhân khi tham gia vào những dự án khởi nghiệp chung. Thành quả và cả trách nhiệm lúc này thuộc về tất cả thành viên chứ không còn của riêng một cá nhân nào nữa. Nếu có sự cố xảy ra, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm chung tay xử lý hậu quả.

Việc chỉ trích lúc này chẳng thể giúp gì cho công việc chung ngoài việc chứng tỏ rằng bạn là người nhỏ mọn mà thôi. Hãy cùng xử lý, cùng rút kinh nghiệm và tiếp tục làm việc khác, đừng nhai đi nhai lại những gì đã qua.

4. Bạn có trách nhiệm với thật nhiều người 

Đây quả thật là một gánh nặng nhưng nó lại rất thực và bạn không thể chối bỏ được: bạn phải chịu trách nhiệm cho nhiều con người chứ không chỉ mỗi bản thân bạn. Này nhé: các khách hàng tin tưởng bạn sẽ làm hài lòng họ, các nhân viên mong mỏi bạn mang cho họ cuộc sống ấm no, những nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu hồi được khoản đầu tư.

Tất cả mọi hành động và quyết định của bạn đều ảnh hưởng tới họ. Nên hãy nhớ làm điều gì đó tốt cho tất cả mọi người, chứ không chỉ tốt cho mình bạn.

5. Bạn phải làm nhiều người thất vọng

Một số mối quan hệ tưởng là chuyên nghiệp nhưng lại phải kết thúc. Một vài khách hàng của bạn có thể sẽ không đạt được thứ họ mong muốn. Doanh nghiệp của bạn cũng không thể tiến lên được nếu vẫn phải cưu mang những nhân sự vô dụng hoặc kết thúc với những khách hàng lạm dụng. Vậy nên, dẹp bỏ tàn dư và đừng quên cảnh cáo những người như vậy. Bằng không, người nếm trái đắng sẽ là chính bạn.

6. Đằng sau hàng loạt tin tốt luôn là một hiểm họa

Trong giai đoạn khởi nghiệp, bạn phải luôn luôn đặt tư duy mình trong tâm thế đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sai lầm của nhiều người là khi may mắn đột nhiên kéo đến liên tục vào giai đoạn mới khởi nghiệp, họ sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan hoặc đón nhận thành quả một cách thụ động. Vì vậy, khi cơn bão may mắn đi qua, tất cả cũng lại trở về tàn tro.

7. Mọi thứ về bạn rất dễ bị lãng quên

Dù những thành quả, thành tựu về doanh nghiệp của bạn được nhắc nhớ rôm rả trên khắp các mặt báo suốt cả tuần, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở thành chuyện-của-ngày-hôm-qua mà thôi. Điều này sẽ rõ ràng nhất khi có một thông tin mới, một đối thủ mới xuất hiện ngay sau đó. Để giữ được vị thế cạnh tranh và luôn hợp thời, bạn buộc phải luôn luôn đổi mới.

8. Khởi nghiệp tốn kém nhiều thứ hơn là chỉ tiền bạc

Đó là cái giá bạn phải trả từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt từ ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Những mối quan hệ sẽ bị công việc chi phối ít nhiều. Niềm vui, niềm hạnh phúc cũng suy giảm đáng kể. Bạn sẽ dễ dàng cảm thấy như công việc ngốn gần hết thời gian của bạn. Nhưng đừng lo, bạn sẽ dần cân bằng lại mọi thứ sớm thôi.

9. Thất bại sẽ xảy ra

Dù có khó chịu đến đâu đi nữa, thất bại vẫn là một phần của tự nhiên, nhất là với một người thiếu hụt kinh nghiệm ở giai đoạn vừa khởi nghiệp như bạn. Điều thậm chí khiến bạn cảm thấy tệ hơn là gia đình và bạn bè luôn lo lắng dõi theo từng bước tiến, lẫn bước ngã của bạn, mong mỏi bạn sẽ thành công.

Bạn được phép thất bại hoặc dẹp luôn một dự án nào đó nếu bạn không có động lực tiếp tục nữa. Khi đã sẵn sàng cho một hành trình mới, bạn sẽ biết cách chuẩn bị cẩn trọng hơn bao giờ hết.

10. Nguồn vốn bị bòn rỉa

Không phải ai cũng may mắn được làm việc với những người trung thực về tiền bạc. Bạn có thể gặp phải những kẻ cơ hội bòn rút của công. Nên dù bận rộn cách mấy, bạn vẫn phải dành thời giờ để kiểm soát được vấn đề tài chính.

11. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều lời từ chối

Hãy chuẩn bị tinh thần để nghe khoảng 100, mà có lẽ là 300 từ “không” vang lên đều đặn trước khi từ “Đồng ý!” từ ai đó cất lên. Bạn có thể nghĩ nó đơn giản như một trò chơi đếm số. Bạn càng tiếp cận nhiều người, xác suất tìm thấy khách hàng đầu tiên sẽ càng cao.

Bí mật không nằm ở việc tiếp cận với càng nhiều người càng tốt mà bạn phải bán ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ cho đúng đối tượng. Khả năng đấu giá, xây dựng câu chuyện hấp dẫn và kĩ năng bán hàng sẽ được hoàn thiện dần dần sau mỗi lần bán.

Còn rất rất nhiều điều chúng ta vẫn cần phải học trên bước đường khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh xã hội đang thay đổi chóng mặt như hiện nay. Mỗi kinh nghiệm khởi nghiệp đều giúp chúng ta vững vàng hơn trên con đường riêng đầy chông gai. 

Hãy vững tâm khởi nghiệp với những kinh nghiệm khởi nghiệp mà bạn tích lũy mỗi ngày trên con đường bạn đã chọn.

Chuyên gia tài chính Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI