Tết này mang gì về cho mẹ?

Mang những cái ôm về cho mẹ

29/01/2022 - 12:04

PNO - Chuyến về sắp tới là tết, tôi hiển nhiên lại “đi mình không”, mang về cho má nhiều cái ôm - những cái ôm không biết lúc nào là cuối cùng sau những đợt COVID-19 đầy biến động.

Tôi theo trường phái về nhà với má nghĩa là “đi mình không”. Tôi nhớ những năm hai ngàn lẻ mấy, các vùng nông thôn bị “cơn bão” lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc quét qua. Từ một vài cô gái, sau khi chấp nhận chồng Đài, Hàn, nhà họ được “thay máu” toàn diện, từ những mái tranh nghèo lên “nhà bốn tấm” nghênh ngang giữa làng quê nghèo khiến nhiều cô gái muốn đổi đời cho mình lẫn ba mẹ, anh chị em.

ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: TRẦN NGỌC CÔNG LÝ
Ảnh mang tính minh họa. Tác giả: Trần Ngọc Công Lý 

Lúc đó, tôi là phóng viên một tờ báo tỉnh lẻ. Những ngày đi lấy tư liệu thực tế để viết bài, tôi chạm vào những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Trên chiếc Cub mượn của người chú, chính tôi đã nhiều lần “được” trở thành ví dụ điển hình để các bà cô chú bác tôi gặp trong quá trình lấy tư liệu so sánh với con cái của họ giữa việc: học mấy năm đại học về nhận lương ba cọc ba đồng, làm gì xây nổi cho ba má cái nhà với chuyện con cái họ lấy chồng Đài Loan, chỉ ít năm sau là quay về đưa cho ba má những món quà giá trị, xây cho ba má căn nhà bự chảng, ít ra cũng to hơn nhà hàng xóm, sắm đầy đủ nội thất tiện nghi.

Tất nhiên cũng có trường hợp không may, nhưng chúng sẽ nhanh chóng trôi đi trong cuồn cuộn những ham muốn và giấc mơ về đời sống xa xỉ bằng đồng tiền của những đứa con gái xa quê hương, chẳng biết số phận lênh đênh cỡ nào.

Nói ra như vậy không phải để trách những ông cha bà má, khi nhận thức của họ chỉ dừng lại ở mức đó, để rồi chính họ “truyền thông” vào tai con mình mỗi ngày mục tiêu rõ rệt: khi lớn lên con phải làm gì để sướng tấm thân, để có hiếu với bậc sinh thành. Mọi giá trị con người của các cuộc đoàn tụ, trở về, gặp gỡ và luôn cả chuyện báo hiếu… được đo đếm bằng cái nhà to, cái xe sang nhất xóm, những bữa tiệc rình rang với dàn âm thanh hi-fi phát từ đầu làng đến cuối xóm cũng nghe được. Những cuộc trở về của con cái hóa ra lại là cuộc so đo. Cái gánh họ mang theo lúc rời đi, dù “tay không”, vẫn cực nặng. 

Quan điểm “đi mình không” của tôi chắc có nguồn gốc từ… bà ngoại. Hồi bà gả con gái là má tôi cho ba tôi, chẳng may chiến tranh liên miên, ba theo bộ đội, một mình má xoay xở, thành ra gia cảnh nghèo hơn so với các dì và cậu. Vậy nhưng, để má khỏi tủi thân, lần nào về nhà, bà cũng “xoa dịu” má, rằng: chỉ cần đi mình không thôi con, dẫn mấy đứa nhỏ về là má vui rồi. Tôi hiểu “đi mình không” tức là không cần má tôi phải ái ngại chuyện tiền bạc, quà bánh hay chăm lo vật chất gì cho bà. Những lần khác, má có chút ít thứ gửi bà, bà quát: “Đi mình không thôi, làm gì mà tay xách nách mang chi cho cực vậy con!”. “Đi mình không”, với bà là chỉ cần chuyện má về là đủ. Bà đã giúp má tự tin hơn vào bản thân mình, bớt khổ sở vì mình yếu kém, chỉ với ba chữ đơn giản mà đầy trìu mến như vậy. 

Chuyện “đi mình không” về nhà cũng được má thực hiện với mấy đứa con của mình. Má khiến các anh em tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong những lần sum họp. Phải nói, âm điệu cằn nhằn cử nhử lúc mấy đứa xách cái này, đem cái nọ tặng má cũng là những âm điệu đẹp đẽ mà tôi muốn nghe mãi. Tôi vô cùng biết ơn bà ngoại và má. Luôn có những thứ đạo lý thuộc về nếp nhà, niềm tin, tình yêu thương… Chúng là điều không thể đo đếm mà phải được cảm nhận và chia sẻ, trao truyền với tất cả sự thiện lương. 

Chuyến về sắp tới là tết, tôi hiển nhiên lại “đi mình không”, mang về cho má nhiều cái ôm - những cái ôm không biết lúc nào là cuối cùng sau những đợt COVID-19 đầy biến động, là quá vãng với chuyện “nhân sinh thất thập cổ lai hy” phủ bóng lên má.

Thế nhưng trước hết, xin cảm ơn vì mọi thứ vẫn y nguyên, vẫn còn một bà má chờ “mình không” của con vào mỗi lúc như vầy. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI