Diễn đàn Có nên ly hôn khi đã xế chiều?

Ly hôn tuổi nào cũng được, miễn cư xử văn minh

08/05/2021 - 11:30

PNO - Có nhiều lý do để người ta ly hôn khi tuổi đã xế chiều. Nhiều khi, không phải là thù hằn, cay đắng, chỉ là một trong hai người, hoặc cả hai, đã chọn sống cuộc sống khác…

“Nguyên nhân của ly hôn là kết hôn”, câu người ta hay dùng để đùa vui nhưng có lý, nghĩa là khi đã kết hôn thì ly hôn là khả năng có thể xảy ra, bất kể tuổi già hay trẻ.

Vậy nên nhu cầu ly hôn cũng tương tự như cầu kết hôn mà thôi, tùy vào từng cặp vợ chồng. Hà cớ gì quy định tuổi về già nên ráng thêm chút nữa để giữ cuộc hôn nhân, ngược lại nên mừng vì họ đã dám bứt phá để thoát khỏi cuộc sống không mong muốn. Có cặp đến già mới tìm thấy nhau thì cũng có cặp đến già lại đánh mất nhau, âu cũng là chuyện thường tình.

Ly hôn tuổi nào cũng cần cư xử văn minh - Ảnh minh họa
Ly hôn tuổi nào cũng cần cư xử văn minh - Ảnh minh họa

Ba mẹ bạn tôi, hơn 60 tuổi, đã làm sui hai lần, vừa dẫn nhau ra tòa sau vài lần tòa hòa giải theo thủ tục. Một ngày đẹp trời, ông thú nhận với vợ rằng đã có người khác để bầu bạn.

Dĩ nhiên, cả nhà bạn tôi đều sốc. Không khí trong nhà căng thẳng suốt một tuần, sau đó ba mẹ bạn ngồi lại nói chuyện với nhau trong bình tĩnh.

Bà nhẹ nhàng hỏi ông: “Chuyện xảy ra khi nào?”. Ông đáp: “Chưa lâu, chừng hai tháng”. “Thế bây giờ ông tính sao? Chúng ta ly hôn nhé”, “Tùy bà tính, miễn bà thấy ổn”, ông nói.

“Tôi cảm ơn ông vì đã không lừa dối tôi. Khi ông nói ra sự thật, tôi chỉ buồn chứ không thấy đau. Nhưng mà, suốt thời gian sống chung, điều gì ở tôi làm ông phiền lòng nhất? Tôi hỏi không phải để sửa chữa mà chỉ là lần cuối cùng muốn nghe ông nói về vợ mình thế nào thôi”, bà tiếp tục.

“Tôi làm bà phiền lòng bà nhiều hơn chứ. Việc không phải từ bà, mà vì tôi gặp lại người yêu đầu tiên của mình và chúng tôi lại thấy hạnh phúc khi trò chuyện với nhau. Tôi xin lỗi bà và cảm ơn vì đã sống cùng tôi suốt hơn ba mươi qua”, ông vẫn thành thật. 

Bà nhớ lại thời gian gần đây, hai người chỉ nói với nhau những chuyện cần thiết về  nhà cửa, con cái chứ không còn cà kê tâm sự chuyện này chuyện kia như hồi trước. Rồi bà quyết định: “Chúng ta ly hôn thôi, để ông không phải cực nhọc. Già rồi đừng cố vì người khác, ông cứ làm điều ông thấy vui. Tôi ổn”.

Bà biết việc níu kéo không ích gì vì có lẽ ông đã cân nhắc kỹ và cũng không trách ông một lời. Bà lặng lẽ thu xếp cho cuộc sống mới của mình, khi không có ông bên cạnh, và rồi tự an ủi: “May mà chia tay ở tuổi này, khỏi phải hai ba dòng con phiền phức”.

Đơn ly hôn và việc thống nhất chia tài sản chỉ diễn ra trong đêm ấy. Những ngày sau khi ra tòa, họ vẫn cư xử chừng mực và tôn trọng nhau. Đám tiệc, giỗ kỵ của gia đình họ vẫn gặp nhau vui vẻ.

Đó là cuộc chia tay nhanh gọn và văn minh nhất tôi từng biết. Họ không quan tâm họ hàng, sui gia nhìn mình như thế nào. Con cái cũng không có quyền quyết định việc ly hôn của họ. Họ quyết định việc của mình và chịu trách nhiệm về điều đó.

Ngạn ngữ có câu: “Hạnh phúc như người uống nước, ấm lạnh tự biết”. Ly hôn cũng vậy thôi, tuổi nào cũng thế tùy tâm tính và hoàn cảnh mỗi người, có người thấy nhẹ nhõm, người sẽ thấy buồn đau, người thì ân hận, người thấy đã sai lầm… “ấm” hay “lạnh” chỉ có người đó tự biết. Có gì muôn vẻ, dễ xáo trộn và nhiều thay đổi như cảm xúc con người.

Có nhiều lý do để người ta quyết định ly hôn khi tuổi đã xế chiều: Họ muốn dành khoảng thời gian còn lại của đời để làm điều mình muốn. Cuộc sống của con cái đã dần dần ổn định và tâm lý đã vững vàng để đối mặt với chuyện ly hôn của ba mẹ nên không khiến họ bận tâm nhiều nữa. Không phải là thù hằn cay đắng, chỉ là một trong hai người hoặc cả hai đã chọn sống cuộc sống khác…

Ly hôn vì lý do gì không quan trọng mà quan trọng là trong suốt mấy chục năm sống chung, có thể là hạnh phúc cũng có thể là nặng nề,  hai người có cư xử với nhau văn minh không?

Nếu có thì tốt, nếu chưa thì hãy đối đãi tốt với nhau trong những ngày sống chung nhà còn lại. Vậy nên, vợ chồng già ly hôn không có lỗi mà chỉ có lỗi khi giải quyết ly hôn trong ồn ào, chà đạp, xúc phạm nhau khiến con cái tổn thương.

An Hiên (Bình Định)

Có nên ly hôn khi đã bước vào tuổi trung niên, hậu trung niên, thậm chí lão niên hay không?

Mời bạn tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ câu chuyện cùng diễn đàn "Có nên ly hôn khi đã xế chiều?".

Bài viết xin gửi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vnCác bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI