Ly hôn cho biết tay?

28/12/2019 - 05:17

PNO - Em gái em không phải hoàn toàn muốn ly hôn thật. Chẳng qua nó muốn dọa chồng, làm cho chồng biết tay thôi. Nhưng chồng nó không hiểu sao đã mặc kệ, không thèm níu kéo nữa, nói muốn ly hôn thì viết đơn đi ký liền...

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em có một đứa em gái, trước nay có chuyện gì cũng tâm sự, chia sẻ với nhau, chỉ riêng lần này, em nghe nó kể chuyện mà không thể thông cảm được. Em gái em đang định ly hôn. 

Chuyện bắt đầu từ việc quan hệ làm ăn giữa chồng nó với một chị bạn hàng có dấu hiệu khuất tất, chị kia nợ tiền lần khân không trả, còn nói chuyện kiểu đưa đẩy, lả lơi. Em gái em bắt gặp tin nhắn trong điện thoại, nổi cơn ghen um sùm đòi chị kia trả nợ ngay lập tức. 

Ly hon cho biet tay?
Ảnh minh họa

Chồng nó thì bảo đòi nợ cũng phải lựa thế, cho thời gian người ta kiếm tiền trả nợ, đòi căng bây giờ người ta đang khó khăn tiền đâu mà trả, rồi ăn nói bốp chát không nhìn mặt nhau, làm sao đòi cho ra tiền... Em gái em cho rằng chồng bênh chị kia, nghi ngờ họ có tình ý gì đó, làm dữ đòi ly hôn.

Em thấy em gái em cũng không phải hoàn toàn muốn ly hôn thật. Chẳng qua nó muốn dọa chồng, làm cho chồng biết tay thôi. Nhưng chồng nó không hiểu sao đã mặc kệ, không thèm níu kéo nữa, nói muốn ly hôn thì viết đơn đi ký liền. Vậy là giận lên, nó viết đơn thiệt, ký thiệt, chuẩn bị đem đi nộp tòa thì em ngăn lại kịp. 

Vợ chồng nó không muốn ở với nhau, nên em kêu em gái về nhà em ở, chuyện đâu còn có đó, từ từ giải quyết. Vậy mà em gái em về nhà em ở cũng hơn tháng rồi, không thấy chồng nó qua rước, cũng không thấy tụi nó điện thoại hay gặp gỡ nhau. Em không biết làm sao để kết nối vợ chồng nó lại, giữ cho gia đình nó tránh khỏi vụ tan vỡ này?

Thúy Như (TP. HCM)

Em Thúy Như thân mến,

Tình cảm ruột thịt gắn bó là một điều quý báu mà hai chị em em có được, nhưng coi chừng nhé, trong một số hoàn cảnh, tình cảm này trở thành chỗ dựa ỷ y, khiến người ta “làm nư” cho hả giận mà không nghĩ đến hậu quả. Em gái em đang trong thời gian ly thân.

Ví như với những đôi khác, ly thân là một giai đoạn nặng nề, người ta phải nhìn lại mình, phải cân nhắc lại lỗi phải đôi bên, phải trò chuyện với nhau để tháo gỡ… Em gái em có thể quá yên ổn với chuyện ở nhà chị, nên không hề tích cực tìm cách hàn gắn cuộc hôn nhân của mình. 

Ly hon cho biet tay?
Ảnh minh họa

Hạnh Dung nghĩ, em cần nói chuyện với em gái em trước tiên, phân tích cái được, cái mất, nếu nhận ra phần nóng vội của mình, có thể mình phải là người chủ động kết nối trở lại với chồng. Món nợ kia dù không đòi được, dù mất trắng, nhưng mình giữ được gia đình, vẫn tốt hơn là mình xé toạc gia đình trong cơn nóng giận, mà nợ cũng chưa chắc đã đòi được, mất cả chì lẫn chài.

Về cách cư xử của chồng cô em, thực ra không phải không có phần đúng, mình từ từ tìm hiểu cho kỹ, chứ không phải khăng khăng bắt theo ý mình cho bằng được. Ly hôn là do tình cảm của hai vợ chồng đã cạn, không thể sống chung với nhau; ai lại “ly hôn cho biết tay” bao giờ! 

Vợ chồng nào không có lúc giận dỗi, xào xáo, chẳng lẽ mỗi lần giận lại một lần ly hôn? Cứ mỗi ngày một chút, mưa dầm thấm sâu, chị em trong nhà bảo nhau, chắc em gái em sẽ suy nghĩ lại. Em có thể lôi kéo mấy đứa nhỏ vào cuộc, thuyết phục em gái nghĩ tới chồng, tới con, những điều quý giá mà mình đang có.

Cũng cần nghĩ xem vợ chồng em gái có còn những mâu thuẫn nào khác mà em không hay biết. Điều gì đã khiến em rể mệt mỏi buông tay, không thèm níu kéo cuộc hôn nhân này? Chuyện giữ gìn gia đình phải là chuyện của em gái em. Nếu người trong cuộc không nhận ra đó là chuyện của mình, không chủ động giải quyết, không có ý thức hàn gắn, thì mình có làm gì cũng không thay đổi được đâu. Vậy nên, mình cố gắng hết sức, nhưng kết cục còn “tùy duyên”, em đừng quá căng thẳng gượng ép cho bằng được. Chúc em bình an.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI