Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi: "Lùi tiến gì thì Quốc hội cũng đã bấm nút!"

17/11/2020 - 18:29

PNO - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trường Giang - Phó tổng thư ký Quốc hội, trước nhiều ý kiến cho rằng, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) sửa đổi là một bước lùi.

 

Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang bàn về
Phó tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang khẳng định, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) là bước lùi hay tiến thì Quốc hội cũng đã bấm nút thông qua

"Ý kiến khác nhau là việc bình thường"

Chiều 17/11, tại phiên họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phóng viên thể hiện sự băn khoăn về Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua chiều cùng ngày.

Trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được yêu cầu phải công khai nhưng trong Luật sửa đổi thì thông tin này không bắt buộc. Việc công khai thông tin ĐTM được giao cho chủ đầu tư dự án nhưng lại kèm theo điều kiện là ngoại trừ thông tin liên quan tới bí mật kinh doanh và bí mật doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia, tổ chức xã hội đã đồng loạt lên tiếng về quy định mới này trước khi Luật được thông qua. Theo đó, đây là “cái cớ” để doanh nghiệp “né” công khai ĐTM và trở thành một “bước lùi” trong công tác bảo vệ môi trường.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó tổng thư ký Quốc hội - cho hay: “Bước lùi hay bước tiến như thế nào thì mỗi một quy định của Luật đều có đánh giá tác động, xin ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động. Quốc hội  thông qua thì cũng phải thực hiện thôi. Lùi tiến gì thì Quốc hội vừa mới bấm nút xong”.

Ông cũng cho rằng, đây là chính sách mới của Quốc hội. Việc phù hợp hay không, trong quá trình thực hiện có cơ chế để các cơ quan phản ánh, từ đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp lại. Các ý kiến khác nhau là việc bình thường.

Tách thành 2 luật vì ... số vụ tai nạn cao

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan tới việc tách Luật giao thông thành 2 luật gây bức xúc cho Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vốn dĩ đã có Luật Giao thông đường bộ nhưng vì có một số quy định cần được cụ thể hóa nên đã sửa đổi và trình dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, ông tiếc vì ĐBQH chưa nắm
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, ông tiếc vì ĐBQH chưa bao quát hết nội dung của 2 dự luật về giao thông vừa gây tranh cãi

Quy trình đưa 2 dự luật này đã được xin ý kiến của tất cả các cơ quan của Quốc hội chứ không phải chỉ Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, do số vụ tai nạn cao nên Chính phủ cũng “xót ruột” và có đề xuất tách 2 luật ra để làm giảm tải những con số này. Quốc hội cũng đã thăm dò ý kiến của ĐBQH để lượng hóa, lắng nghe để tiếp tục nghiên cứu.

Vừa là ĐBQH, vừa là thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đơn vị tham gia thẩm tra 2 dự án luật, ông Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH tỉnh Bình Dương) khẳng định, có thực tiễn để đưa ra 2 dự luật này. Tuy nhiên, 2 dự án luật chuẩn bị trong kỳ họp cuối cùng, tài liệu rất nhiều nên có những nội dung các ĐBQH tiếp cận chưa bao quát.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, các đại biểu chỉ bàn tới tách hay không tách, chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an mà chưa quan tâm nhiều về các quy định khác, là những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

“Tôi cảm thấy hơi tiếc vì ĐBQH chưa bao quát hết những nội dung luật”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.  

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI