Lũ chia cắt tứ phía, cứu trợ gặp khó khăn

14/10/2020 - 17:23

PNO - Sau năm ngày nước lũ vùi dập, các xã hạ lưu sông Hương như Phú Thanh, Phú Mậu của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành ốc đảo giữa dòng nước đỏ ngầu. Cái mà người dân ở đây cần nhất bây giờ là lương thực để chống lũ dài ngày, nhưng phương tiện chuyên dụng để đưa hàng đến tay người dân lại quá thiếu.

Người chết chưa được chôn vì nước ngập sâu

Băng qua sóng lũ cuồn cuộn trên sông Hương, hai chiếc ca-nô của Huyện đội Phú Vang chở đồ ăn và nước uống phải rất khó khăn mới vào được các thôn của hai xã Phú Thanh và Phú Mậu. Ở đây, cây cối um tùm và đường dây điện đều bị ngập trong nước lũ. Những ngôi nhà dọc vùng hạ lưu sông Hương ngập sâu, nhiều thôn người dân phải chặt những thân cây chuối hoặc lấy dây thừng buộc chặt những can nhựa cỡ lớn để làm thành chiếc xuồng rồi dùng thân tre chống “xuồng” đến những hộ có nhà cao tầng trong thôn để nấu nhờ mì tôm, đem về cho cả nhà ăn bữa chính. 

Đường về rốn lũ Phú Thanh, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế ẢNH: THUẬN HÓA
Đường về rốn lũ Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế Ảnh: Thuận Hóa

Đã quá trưa, xung quanh thôn Quy Lai của xã Phú Thanh, trời vẫn một màu đen kịt, nước lũ bốn phía chảy dồn dập về phía cửa biển Thuận An. Toàn xã Phú Thanh có năm thôn gồm Hải Trình, Thanh Đàm, Quy Lai, Lại Lộc, Hòa An với tổng số 1.350 hộ đều ngập trong lũ, sâu nhất là thôn Quy Lai - nằm ngay hạ lưu sông Hương - từ 1,2-1,8m. Cũng may, ở thôn này, có vài căn nhà hai tầng, như nhà của gia đình anh Hồ Minh Quảng - nơi đang có 20 người hàng xóm trú nhờ. Phụ nữ mang thai, trẻ con, người già… đều được nhường phòng, giường chiếu, chăn. 

“Mỗi bữa ăn, tui nấu 12 lon gạo. Nồi nhỏ quá, cơm có khi còn sống nhưng ai cũng chịu khó ăn để chống chọi với những ngày lũ. Thứ cần nhất với chúng tôi bây giờ là thực phẩm ăn liền và nước sạch” - anh Quảng nói.

Dẫn chúng tôi đi thăm bà con vùng rốn lũ, anh Phạm Nguyễn Hữu Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Phú Thanh - kể, trong xã, có nhiều trường hợp gia đình chẳng may có người chết, phải tốn tiền triệu thuê đò lên TP. Huế để mua quan tài. Trong lúc đi giúp dân chống lũ, anh Trần Bốn - Chủ tịch UBND xã Phú Thanh - nghe tin mẹ mất. Suốt ba ngày qua, nước trong xã còn ngập sâu nên không thể mai táng ở phần đất gia tộc, gia đình anh phải tính đến phương án tiêm dung dịch formaldehyde để giữ xác khỏi nhiễm khuẩn, chờ nước lũ xuống mới chôn cất.

 Anh Tiến cho biết, trong đợt lũ này, toàn xã Phú Thanh có 1.400 ngôi nhà bị ngập từ 1-1,8m, 10.500 con gia cầm bị chết. Trước lũ, bà con đã chất lúa, gạo lên chỗ cao nhưng nước dâng cao, gạo bị ngâm nước, một số tấn lúa đã nảy mầm. Anh Tiến nói thêm: “Dự báo, nước lũ sẽ ngâm rất lâu bởi Phú Thanh như một ốc đảo ở hạ lưu sông Hương. Nước trong những trận lũ các năm trước ngâm từ 5-10 ngày. Hầu hết các thôn đều cần thực phẩm ăn liền và rau sạch, nước sạch. Nếu mực nước vẫn như thế này, phải mười ngày nữa, khoảng 200 hộ dân đã di dời mới về nhà được”. 

“Bốn ngày ni (nay), bà con trong xã toàn ăn mì tôm chống đói, rất ớn (ngán) nhưng cũng phải ráng ăn để sống. Vì vậy, bà con mong muốn có rau xanh, thức ăn đóng hộp. Trong những ngày lũ, không được ăn rau, người dân thèm rau hơn thèm thịt cá” - anh Tiến thở dài.

Cũng giống như xã Phú Thanh, những ngày này, toàn bộ các thôn Thanh Tiên, Tiên Nộn của xã Phú Mậu đều ngập sâu trong lũ. Ngã ba Sình ở xã Phú Mậu là nơi dòng nước hợp lưu, chảy cuồn cuộn như thác nên lực lượng công an, quân đội và thanh niên địa phương phải có mặt ngày đêm để cứu dân. Lòng sông hiện bị lũ mở rộng ra vài cây số so với ngày thường. 

Ông Kim Đình Phước - 70 tuổi, trú tại thôn Thanh Tiên - cho biết, ông hiếm khi chứng kiến cơn lũ lớn như đợt này. Vốn quen nghề sông nước, người dân Phú Mậu đã chuẩn bị chu đáo từ trước nhưng vẫn ngạc nhiên khi thấy lũ lên nhanh như vậy. “Không có thiệt hại về người nhưng heo, gà không có chỗ tránh trú, chết sạch. Đã bốn ngày rồi, cả thôn bị mất điện, giao thông chia cắt, không có nguồn tiếp tế thực phẩm, nước uống nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. Nếu ngập lụt kéo dài, sẽ căng lắm” - ông Phước nói.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế dùng ca-nô chống lũ đi cứu hộ người dân tại xã Phú Thanh
Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế dùng ca-nô chống lũ đi cứu hộ người dân tại xã Phú Thanh

Thách thức cho công tác cứu trợ

Trong những ngày qua, đã có nhiều nhà hảo tâm khắp cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Tuy nhiên, việc tiếp cận những hộ dân vùng ngập lũ ở hạ lưu sông Bồ, sông Hương là rất khó khăn, do các tuyến đường bộ đều bị nước lũ chia cắt tứ phía. Phương tiện cứu hộ, cứu nạn cũng như vận chuyển lương thực đến cấp xã, thôn rất hạn chế. 

Ông Lê Đức Lộc - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang - cho biết, đã có những đoàn cứu trợ liên hệ nhưng hiện tại, một số xã hạ lưu sông Hương như Phú Thanh, Phú Mậu và các xã vùng trũng như Phú Lương, Phú Hồ đang ngập sâu, một số đoàn cứu trợ không thể chuyển hàng về được, đành quay ngược trở lại TP. Huế. Hiện chỉ có sáu chiếc thuyền, ca-nô mã lực nhỏ, độ lướt sóng, gió yếu, chỉ chở tối đa từ 6-8 người/chuyến. Vì vậy, huyện làm theo phương châm “bốn tại chỗ” để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng rốn lũ. Chúng tôi rất mong sớm được trang bị nhiều thuyền, ca-nô công suất cao phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn”.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 6, lượng mưa ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế rất lớn, lũ trên các sông tăng nhanh khiến nhiều xã thấp trũng bị chia cắt. Toàn huyện có 16.228 nhà ngập sâu từ 0,5-1,8m, hơn 133ha rau màu bị thiệt hại hoàn toàn. Nước lũ cũng làm ngập các tuyến đường huyết mạch của huyện, như đường Nguyễn Vịnh, Tỉnh lộ 11A, Tỉnh lộ 4B ngập sâu từ 1,5-1,8m, phải đi lại bằng ghe, thuyền. Lương thực, thực phẩm là nhu cầu bức thiết của người dân huyện Quảng Điền, nhưng việc đưa hàng cứu trợ đến tay người dân phải trông chờ vào các phương tiện đặc chủng của quân đội, công an mới đảm bảo an toàn. 

Ông Trần Quốc Thắng - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - nhận định, ngoài thấp trũng, huyện Quảng Điền còn có nhiều khu dân cư nằm ven sông, ven phá, nguy cơ mất an toàn trong lũ lụt là rất cao. Một bộ phận người dân còn chủ quan, đánh bắt thủy sản trong khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. “Tôi cho rằng, lương thực là cần thiết, nhưng an toàn tính mạng mới là vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù đã được cảnh báo từ xa, từ sớm nhưng một bộ phận nhân dân vẫn còn chủ quan, lơ là, dẫn đến tai nạn thương tâm” - ông Thắng nói. 

 Thuận Hóa

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI