“Lớp học ba gác” của thầy giáo 27 tuổi trong đại dịch COVID-19

07/08/2020 - 14:06

PNO - Thầy Gerardo Ixcoy đã quyết định dùng tiền tiết kiệm “đầu tư” một chiếc xe ba bánh cũ, cải tạo thành một lớp học di động...

Khi vi-rút SARS-Cov-2 khiến tất cả trường học ở Guatemala phải đóng cửa vào giữa tháng Ba, thầy Gerardo Ixcoy đã quyết định dùng tiền tiết kiệm “đầu tư” một chiếc xe ba bánh cũ, cải tạo thành một lớp học di động với đầy đủ chức năng dạy học, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Rong ruổi xe ba gác đến với học trò

Ngoài các giáo cụ cần thiết, “lớp học ba gác” được trang bị tấm nhựa che chắn trong suốt nhằm chống lại sự lây truyền của vi-rút, một bảng trắng và một tấm năng lượng mặt trời nhằm cung cấp điện cho máy nghe nhạc dùng trong một số bài học. Mỗi ngày, chàng trai 27 tuổi đạp xe qua những cánh đồng ngô ở Santa Cruz del Quiché, hướng đến tận nhà từng học sinh lớp Sáu của mình.

Thầy Gerardo Ixcoy dạy học sinh 12 tuổi Paola Ximena Conoz về phân số từ lớp học di động của mình - Ảnh: AP
Thầy Gerardo Ixcoy dạy học sinh 12 tuổi Paola Ximena Conoz về phân số từ lớp học di động của mình - Ảnh: AP

Người ta trông thấy cô bé Paola Ximena Conoz (12 tuổi) vừa lau chiếc kính cận, vừa háo hức đợi thầy Ixcoy đến đậu xe ngay trước cửa nhà mình. Thầy trò chào nhau từ xa nhưng không thể giấu sự nồng nhiệt. Thầy giáo dùng một cây lau nhà làm chuẩn để đo khoảng cách giữa anh và các học sinh. Đứng sau tấm chắn nhựa trong suốt của chiếc xe ba bánh, anh bắt đầu “pha trò”, lấy ra một hộp bánh pizza. Bên trong hộp bánh là những hình vẽ, chữ viết. Bài học Ixcoy dành cho các học sinh thân thương ngày hôm đó là phân số.

Thầy giáo trẻ được mọi người biết đến với biệt danh thời thơ ấu là “Lalito 10” đã cố gắng đến thăm từng học sinh hai lần/tuần. Theo Ixcoy, lớp học trên xe ba bánh ra đời là điều cần thiết, bởi anh nhanh chóng nhận ra những thách thức trong việc học trực tuyến từ xa đối với cộng đồng nông dân ở vùng cao nguyên phía tây đất nước Guatemala.

“Tôi đã cố gắng yêu cầu bọn trẻ gửi bài tập và nhận hướng dẫn qua ứng dụng WhatsApp, nhưng không em nào phản hồi. Phụ huynh nói với tôi rằng, họ không đủ tiền để mua các gói cước internet trên điện thoại; số khác không đủ khả năng giúp con cái hiểu các bài học. Tỷ lệ mù chữ trên địa bàn khoảng 42% và trong toàn tỉnh, chỉ có khoảng 13% gia đình có internet” - Ixcoy nói.

Victor Conoz - người cha 36 tuổi của cô bé Paola - nói với hãng tin AP: “Nói ra thì người ta không tin, nhưng không ít ngày, chúng tôi còn không có thức ăn, nói chi đến chuyện mua gói cước di động”.

Thầy giáo nhân dân

Đối với trẻ em trong vùng, “lớp học ba gác” là cơ hội phá vỡ sự đơn điệu thường ngày trong tình trạng cách ly. Trong trang phục chỉnh tề, cậu bé Oscar Rojas (11 tuổi) nôn nóng được chào đón thầy Ixcoy ở ngưỡng cửa. Áo sơ mi đen dài tay, đóng thùng với quần tây xanh nước biển, cậu hí hoáy bày tập vở, bút chì và không quên đeo khẩu trang. “Bây giờ con không được đến lớp học bình thường như mọi khi nhưng thầy giáo Lalito 10 đã đến đây. Thầy chỉ đến một lúc, nhưng con học được rất nhiều” - Oscar nói.

Chiều đến, lắm lúc Ixcoy phải hối hả đạp xe ba bánh về nhà để kịp giờ giới nghiêm được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan vi-rút. Ngoài thời gian rong ruổi cùng lớp học di động, anh cùng vợ là Yessika Lopez và con trai 3 tuổi Dylan rảo bước đến khu đất nhỏ mà họ thuê để canh tác, cải thiện thu nhập. Ngoài trồng ngô, vợ chồng thầy giáo còn trồng thêm rau củ. 

“Một ngày nọ, mẹ của một học sinh nói với tôi rằng họ không còn thức ăn. Nhưng khi buổi học kết thúc, tôi đang dong chiếc xe ba bánh rời đi thì bà ấy gọi giật lại với vẻ mặt biết ơn và nói: “Thưa thầy, người ta vừa cho tôi một ít đồ ăn, tôi muốn chia sẻ một nửa với thầy”. Trên đường về nhà, tôi đã khóc tự lúc nào không hay” - thầy Ixcoy nhớ lại. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI