Long đong như thuyền rồng sông Hương

03/06/2023 - 05:53

PNO - Thuyền rồng trên sông Hương hiện nay được thiết kế dựa theo những mẫu Long thuyền thời Nhà Nguyễn. Nó có lịch sử lâu đời và là hình ảnh quảng bá du lịch Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Nhưng, với Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa) thì những chiếc thuyền rồng trên sông Hương đã và sẽ bị “khai tử” toàn bộ trong 1-2 năm tới.

 

Ông Trần Tân ngậm ngùi bên thuyền rồng số hiệu TTH-0096  của mình. Thuyền đã hết hạn sử dụng vào cuối năm 2022
Ông Trần Tân ngậm ngùi bên thuyền rồng số hiệu TTH-0096 của mình. Thuyền đã hết hạn sử dụng vào cuối năm 2022

Thuyền rồng lên bờ

Gần 1 năm trước, Báo Phụ nữ TPHCM đã có bài viết “Sông Hương “gánh” nỗi lo vắng thuyền rồng”, phản ảnh chuyện nhiều chủ thuyền rồng trên sông Hương trở lại hoạt động sau dịch COVID-19 phải đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa nói trên. Từ đó đến nay, các chủ thuyền đã kiến nghị về việc vay vốn để đóng thuyền mới, tạo kế sinh nhai lâu dài, hỗ trợ bản vẽ kỹ thuật… nhưng vẫn chưa có hồi âm.  

Hơn 30 năm trước ông Trần Tân (60 tuổi, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trần Tân) là một trong những người đầu tiên kinh doanh thuyền rồng sông Hương. Theo thời gian, bao vốn liếng gia đình dành dụm được, ông đổ hết vào 3 chiếc thuyền rồng nhằm phục vụ kinh doanh du lịch và giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tái định cư ở xóm vạn đò Kim Long. Nhưng hết dịch thì thuyền của ông cũng hết hạn sử dụng.

“Tôi là chủ doanh nghiệp, đã đi hết 2 đôi giày mới đến các sở ban ngành của tỉnh để đăng ký mẫu thuyền mới. Nhưng đến Sở Văn hóa - Thông tin thì được chỉ qua Sở Giao thông Vận tải, đến Sở Giao thông Vận tải lại được chỉ qua Sở Du lịch. Lòng vòng đến nay đã hơn 1 năm mà tôi cũng chưa biết thiết kế mẫu thuyền mới như thế nào mới đạt chuẩn” - ông Trần Tân nói.

Ông Nguyễn Duy Vĩnh - đại diện cho xã viên Hợp tác xã Vận tải đường sông TP Huế - cho biết, có đến 80% gia đình xã viên sống nhờ vào chiếc thuyền rồng. Trước đây mỗi tháng chạy thuyền dư được 7-10 triệu đồng, còn bây giờ nhiều thuyền hết hạn sử dụng, chủ thuyền phải lên bờ làm thuê đủ nghề. Nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí người thân bị bệnh nan y cũng không có tiền chạy chữa.

Cũng theo ông Vĩnh, năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kế hoạch tiếp xúc với những người làm nghề trên sông nước để lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Nhưng cuộc tiếp xúc chưa kịp tổ chức thì COVID-19 đến. “Hiện những chủ thuyền du lịch chúng tôi rất mong được gặp gỡ lãnh đạo tỉnh nhưng không biết bằng cách nào. Đến ngân hàng hỏi vay vốn về đóng thuyền mới thì họ bảo các xã viên chúng tôi không đủ điều kiện vay thế chấp, vay kinh doanh. Mới đây các đơn vị vận tải du lịch và các chủ thuyền rồng đã cùng nhau viết đơn gửi lên UBND tỉnh kêu cứu” - ông Vĩnh cho hay.

Du lịch thuyền rồng là một “đặc sản”, đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động du lịch ở Huế
Du lịch thuyền rồng là một “đặc sản”, đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động du lịch ở Huế

Hướng giải quyết: Bế tắc? 

Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu”, khi thuyền chở khách hết niên hạn hoạt động bắt buộc phải đóng mới. Trong khi các thuyền rồng trên sông Hương trước đây chỉ được đóng theo kinh nghiệm của các xưởng đóng tàu, quy định pháp luật ở thời điểm đó cũng không chặt chẽ.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Xuân Sơn - Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Trưởng chi nhánh Đăng kiểm số 11 tại Thừa Thiên - Huế - cho biết, một phương tiện thủy nội địa chở khách muốn đóng mới phải có bản vẽ thiết kế kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn có năng lực thực hiện, dựa trên đặc điểm địa bàn sông nước, số lượng khách, kiểu dáng, văn hóa vùng miền. Sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt thẩm định bản vẽ thiết kế, mới bắt đầu triển khai đóng mới tại các xưởng đóng tàu có đủ điều kiện hoạt động theo quy định, dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm cho đến khi hạ thủy. Trong khi đó các xưởng đóng tàu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ trước đến nay đều là tự phát, có quy mô nhỏ. 

“Hiện nay, nếu căn cứ theo quy định đăng kiểm thì 4 cơ sở đóng tàu hiện có của Thừa Thiên - Huế chưa được cơ quan chức năng chứng nhận về năng lực, chủ yếu là do chưa có giấy chứng nhận về đất đai và vùng nước hoạt động để neo đậu, chạy thử sau khi đóng. Điều này là do tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa có quy hoạch vị trí để phát triển các xưởng đóng tàu” - ông Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Liên quan đến thuyền chở khách du lịch trên sông Hương, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có ban hành Quyết định 817/QĐ-UBND về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật TPHCM thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Sơn, mẫu thuyền nói trên mới chỉ là kiểu dáng, không phải là bản vẽ thiết kế kỹ thuật để đóng mới.

Và theo ông Sơn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thuê những đơn vị chuyên nghiệp thiết kế định hình một số mẫu thuyền trên sông Hương, sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn về kiểm định kỹ thuật. Từ đó các chủ thuyền có thể sử dụng bản vẽ thiết kế kỹ thuật này để xin đóng mới. Có như thế bà con mới đỡ vất vả đi lại, cũng như tiết kiệm được kinh phí thuê thiết kế bản vẽ” - ông Sơn hiến kế.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tại trên sông Hương có 137 thuyền du lịch hoạt động, thuộc 12 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã. Đến năm 2024 sẽ có 80 thuyền lần lượt hết hạn sử dụng. Đến hết năm 2025 có hơn 110/137 thuyền hết hạn sử dụng. “Vấn đề cho vay, hay giãn nợ, hỗ trợ vốn cho các chủ thuyền đóng thuyền mới là việc của các ngân hàng và sự chỉ đạo từ phía tỉnh” - đại diện Sở Giao thông Vận tải nói. Đáng tiếc là cho đến nay vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.

“Theo Luật Giao thông đường thủy, những thuyền rồng đã quá thời hạn sẽ không được sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Việc bà con cần được tạo điều kiện thế nào, tôi nghĩ là việc của chính quyền địa phương nhất là UBND TP Huế và các sở Giao thông Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính. Chúng tôi biết bà con không phải ai cũng có tiền để đóng thuyền mới. Có nhiều phương thức đã được tính đến, như bà con được ưu đãi vay vốn, khuyến khích các chủ thuyền góp vốn để cùng đóng thuyền mới. Về phía Sở Du lịch, sau khi có thuyền mới, sở sẽ hỗ trợ tập huấn về kỹ năng đón, phục vụ khách theo “đúng chuẩn du lịch”; quảng bá kết nối với các đơn vị tour, tuyến sử dụng các phương tiện”. 

Ông Nguyễn Văn Phúc
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI