Sông Hương có thể sẽ thiếu thuyền rồng

28/03/2022 - 12:54

PNO - Hiện có gần 130 thuyền du lịch - thường được gọi là thuyền rồng - đang hoạt động trên sông Hương, phân nửa số đó sắp hết hạn sử dụng.

Khi đến Huế, sẽ không trọn vẹn nếu du khách chưa được đi thuyền rồng và nghe ca Huế trên sông Hương. Nhưng giờ thì có nguy cơ sẽ không còn các thuyền rồng nữa khi có đến phân nửa số thuyền này bắt đầu hết hạn hoạt động, việc đóng thuyền mới thì không dễ. 

Nhiều chủ thuyền rồng trên sông Hương đứng ngồi không yên khi thuyền sắp hết niên hạn sử dụng
Nhiều chủ thuyền rồng trên sông Hương đứng ngồi không yên khi thuyền sắp hết niên hạn sử dụng

Vốn là dân vạn đò, sống bằng nghề khai thác cát sạn, khi nghe chủ trương tổ chức tuyến đường thủy phục vụ du khách tham quan, nghe ca Huế trên sông Hương, ông Phan S. (62 tuổi, ở P.Kim Long, TP.Huế) đã vay mượn tiền, sắm thuyền rồng (biển số TTH-0031). Thế nhưng, nghề phục vụ du khách trên sông nước của vợ chồng ông S. không giúp họ thoát được cái nghèo. “Lúc đầu còn có thu nhập khá do số thuyền ít. Nay thuyền rồng xuất hiện dày đặc, thu nhập rất bọt bèo. Chưa kể hai năm qua, dịch COVID-19 bùng phát, du khách vắng bóng, thu nhập không có thì lấy đâu ra tiền để thay thuyền mới theo quy định” - ông S. lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - 47 tuổi, chủ thuyền rồng TTH-0029 - kể  thuyền của ông nhỏ, giờ vừa cũ, vừa sắp hết hạn sử dụng nên rất ít khách. Gần hai năm nay, gia đình ông không có thu nhập từ thuyền nhưng phải tốn hơn 10 triệu đồng để bảo trì. “Giờ nghe nói phải đóng thuyền theo mẫu mã, quy chuẩn mới với kinh phí hơn 1 tỷ đồng/chiếc, chắc phải bán thuyền, bỏ nghề thôi” - ông Tuấn 
lắc đầu.
Theo Nghị định số 111/2014/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa thì các thuyền rồng du lịch này chỉ sử dụng không quá 30 năm. Rất nhiều thuyền du lịch đang hoạt động trên sông Hương sẽ phải ngừng hoạt động. Trong đó riêng hợp tác xã Vận tải Đường sông TP.Huế sẽ có 47 thuyền rồng (trong tổng số 78 thuyền) hết hạn hoạt động. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phục vụ khách du lịch trên sông Hương trong thời gian tới. Việc đầu tư đóng mới thuyền với kinh phí lớn là vấn đề nan giải khi phần lớn các chủ thuyền là dân tái định cư vạn đò, có cuộc sống vô cùng khó khăn. 
Một vấn đề khác là bốn cơ sở đóng tàu hiện có của tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện chưa được cơ quan chức năng xác nhận về năng lực đóng tàu. 
Ông Lê Xuân Sơn - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) - cho biết một phương tiện thủy nội địa chở khách muốn đóng mới phải có bản vẽ thiết kế kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn có năng lực thực hiện, dựa trên đặc điểm địa bàn sông nước, số lượng khách, kiểu dáng văn hóa vùng miền. Sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt thẩm định bản vẽ thiết kế, mới bắt đầu triển khai đóng mới tại các xưởng đóng tàu có đủ điều kiện hoạt động theo quy định, dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm cho đến khi hạ thủy. Chiếc thuyền mới đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận khi đó mới được phép đưa ra hoạt động. Chưa kể đến nếu phương tiện hoạt động chở khách du lịch còn cần thực hiện những quy định riêng của địa phương. 
Theo ông Lê Xuân Sơn, các xưởng đóng tàu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ trước đến nay đều là tự phát, có quy mô nhỏ. Pháp luật đã quy định rõ về năng lực của cơ sở đóng và sửa chữa tàu áp dụng từ năm 2020. Từ thực tế trên, những chủ thuyền rồng trên sông Hương nếu có nhu cầu đóng thuyền mới cần liên hệ với các xưởng đóng tàu có năng lực ở các địa phương khác như ở thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định. “Bản vẽ thiết kế có thể do chủ tàu thuê, hoặc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thuê những đơn vị chuyên nghiệp thiết kế định hình một số mẫu thuyền trên sông Hương, sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn về kiểm định kỹ thuật, từ đó người dân có thể sử dụng bản vẽ thiết kế kỹ thuật này để xin cấp phê duyệt đóng mới”, ông Sơn nói. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI