Lòng ái quốc và tình mẫu tử

02/07/2013 - 21:46

PNO - PN - Sáng ngày 28/6, tim tôi thắt lại vì tin nhắn “Mẹ Lê Thị Cầu qua đời lúc 2g20 ngày 28/6/2013, hưởng thọ 91 tuổi”. Chắc hẳn sẽ có độc giả không hề biết bà Lê Thị Cầu là ai.

Đó cũng là điều dễ hiểu, vì người phụ nữ khả kính ấy chìm khuất trong đời thường bận rộn. Nhưng nếu không có những người mẹ dấn thân, với tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, yêu người thân mãnh liệt, vô điều kiện như mẹ Lê Thị Cầu, thì đất nước không có ngày hòa bình, thống nhất hôm nay. 

Thoát chết nhờ biết chửi tiếng Tây

Bà sinh năm 1923, tại Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Cô bé mồ côi cha mới năm tuổi lớn lên trong vòng tay mẹ và năm anh em, cũng được học hết Élémentaire. Bà nói bập bõm được vài ba câu tiếng Pháp. Vốn tiếng Pháp sơ đẳng ấy nào ngờ mấy mươi năm sau trở thành lá bùa hộ mệnh, giúp bà thoát khỏi cuộc hành quyết.

Khi giặc Pháp quay lại, mấy anh em bà đều gia nhập những đội quân cứu quốc. Bà tham gia công tác quân báo. Một hôm quân Pháp mở cuộc càn quét quy mô, bắt đi mấy trăm người, lùa về bót Dây Thép. Bà cũng nằm trong số mấy trăm người chờ xử tử vì tội ủng hộ Việt Minh. Tất cả đều bị trói, xếp thành hàng dài. Cứ một người bị đưa lên bồn nước là gục xuống dưới mũi súng tàn bạo của tên lính Pháp. Đến lượt bà Lê Thị Cầu. Trong tích tắc, bà nghĩ mình đằng nào cũng chết. Đã chết thì chết cho đáng, phải chửi mấy thằng Tây ác ôn cho đã. Vậy là bà nhìn thẳng vào mũi súng đen ngòm, dồn sức hô lớn: “Thằng tỉnh trưởng, đồ cuốc-son con heo!”. Tên sĩ quan thị sát cuộc hành quyết giơ tay ngăn lại: “Không phải Việt Minh. Nói được tiếng Pháp. Dân, không bắn!”. Vậy là bà may mắn được thả.

Long ai quoc va tinh mau tu

Bà Lê Thị Cầu thời làm giao liên, cơ sở cho đường dây binh vận Trung ương Cục miền Nam (ảnh nhỏ) và những ngày sau cùng

Long ai quoc va tinh mau tu

Chiếc giỏ cá nối đường dây giao liên Binh vận Trung ương Cục

Sau Hiệp định Genève, bà Cầu lúc ấy đã là một người mẹ của sáu đứa con nhỏ, được giao nhiệm vụ về Sài Gòn sinh sống. Ngôi nhà bà trong con hẻm nhỏ (nay là đường Nơ Trang Long) Q.Bình Thạnh, là cơ sở cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Một hôm, bà được giao nhiệm vụ tiếp nhận và bảo vệ bà Phạm Thị Soi, cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục về Sài Gòn hoạt động. Trắng trẻo, mảnh khảnh, nhỏ hơn bà Cầu vài tuổi, bà Soi đóng vai người ở cho gia đình bà Cầu. Biết trước nhà có tên cảnh sát ác ôn, bà Cầu thường xuyên la mắng cô người ở, thậm chí dùng những lời lẽ khó nghe, cay nghiệt: “Đồ Bắc kỳ, ở dơ, làm biếng. Tao đi làm cả ngày, ở nhà chỉ lo cơm nước, tắm em mà cũng…, hư ơi là hư!”. Tên cảnh sát cũng là người Bắc, nghe bà chửi “Bắc kỳ”, anh ta tỏ ra thương cảm người phụ nữ, vì miếng cơm manh áo phải đem thân đi ở đợ. Người “ở đợ” đó thường mang theo đứa con bà đi trinh sát các mục tiêu, chuyển thư từ, tài liệu, xây dựng hầm vũ khí, góp phần vào bão táp Mậu Thân năm 1968. Bất ngờ bà Soi bị bắt, bị đày ra Côn Đảo. Người anh trai của bà là Lê Văn Măng bị kêu án tử hình, hy sinh ngoài Côn Đảo. Còn lại một mình, bà Cầu vẫn kiên trì, lặng lẽ với đường dây giao liên binh vận. Bà Cầu tin bà Soi không khai báo, bởi “bà ấy có một đứa con duy nhất mà còn dám gửi lại miền Bắc vô Nam làm nhiệm vụ. Có gì quý hơn con, nên tôi tin thằng giặc không khuất phục được bà ấy”. Đúng như bà phán đoán, nhờ bà Soi không khai nên đường dây của bà được giữ vững.

Bà Cầu kể: “Mua bán cá hồi đó lời lắm, mỗi tháng sắm vài cây vàng như chơi. Tôi mua xe tải, chở cá từ Phan Thiết về Sài Gòn bán cho các vựa”. Nhờ mấy giỏ cá chất trên xe, bà tìm cách tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng ở rừng Lá. Bà đâu hay chính những chuyến đi ấy mà bà và những đứa con đi cùng đã nhiễm chất độc màu da cam trong người, để rồi mấy năm sau bắt đầu bột phát. Nhưng nếu như biết mình sẽ bị nhiễm chất độc, bà vẫn thực hiện những chuyến đi vì cách mạng cần những việc làm thầm lặng của bà. Mới sinh con được ba ngày, bà đã tiếp tục đi mua bán cá. Có những chuyến đi đối mặt với bom đạn, sống chết. Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe bà tiết lộ: “Ngày 20/3/1975, ông “bán chuối” yêu cầu tôi không được bỏ thư trong bưu điện mà phải bỏ vào thùng thư ven đường. Tôi nhét lá thư vô giỏ, để lên trên ít trái cây, cầm đi tỉnh bơ. Sau này, tôi mới biết đó là thư giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thành Trung ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975". Bà cười sảng khoái nói: “ Cậu ấy là anh hùng, chắc chẳng biết tôi, vì đường dây binh vận làm bởi nhiều người. Nghĩ tới chuyện động trời đó, tôi thấy vui vì mình đã làm một chuyện nhỏ, góp vào một chuyện lớn”.

Tình mẫu tử cảm động

Ngày hòa bình, như bao người dân Sài Gòn, bà Cầu hồ hởi tin tưởng vào chính quyền cách mạng. Bà bán chiếc xe tải cho một sĩ quan quân đội, mua bán nhỏ kiếm sống. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, bà lần lượt tiễn sáu người con nhập ngũ. Những năm tháng phục vụ chiến trường K cùng di chứng chất độc da cam đã lấy đi sinh lực, tương lai của các con bà Cầu.

Trên thế gian này, tôi chưa thấy bà mẹ nào yêu thương con, khổ vì con như bà. Bà khổ không phải các con quậy phá mà vì số phận khắc nghiệt luôn giáng xuống gia đình bà. Bà có 14 người con. Ở tuổi 90, bà là chỗ dựa cho năm người con bệnh tật, những người con khác cũng phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Anh Nguyễn Văn Bàng, con trai đầu của bà từng tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ, rất giỏi toán, dạy điện tử trong một trường kỹ thuật phải bỏ ngang sự nghiệp vì căn bệnh bướu não. Sáu lần phẫu thuật, bà luôn ở bên con. Bà bán dần đất đai ông bà để lại, lo cho con. Đến lần thứ bảy, anh hôn mê. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy gặp bà nói: “Chúng tôi đã hết cách. Thôi, bà đưa con về”. Bà Cầu van nài: “Xin bác sĩ hãy cứu con tôi. Còn một gói mì, tôi vẫn chạy cho nó!”. Tình mẫu tử của bà mẹ gần 90 tuổi làm ông động lòng. Rất may, sau ca mổ, anh còn sống được đến giờ.

Mẹ có bốn người con bị tâm thần, do di chứng chất độc da cam và hội chứng chiến tranh. Mẹ khổ nhất là phải trông anh Nguyễn Văn Phước - một cựu chiến sĩ trinh sát, từng tham gia đánh vào bộ chỉ huy của Ponpot. Những lúc anh lên cơn điên đập phá, mẹ là người duy nhất dám đến bên con, vỗ về. Nhìn đàn con lớp bệnh nan y, lớp bị tâm thần, mẹ thở dài: “Đẻ cọp phải nuôi cọp, đẻ rắn phải nuôi rắn chớ biết làm sao, mình là mẹ mà. Còn sống lúc nào là lo cho nó lúc đó. Sống được tới tuổi này, cũng thọ quá rồi. Tôi không sợ chết, chỉ thương không ai lo cho tụi nó. Bệnh tật như vầy, vợ con nào chịu nổi, bỏ đi hết rồi!”. Bà vẫn sống trọn vẹn với đồng đội, dù bản thân mình rất khó khăn, sống lay lắt bằng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, nhận cơm từ thiện.

Ngôi nhà 23/98 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh không chỉ chứa đựng một phần lịch sử của Xứ ủy Nam bộ, Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam mà còn chứa đựng những số phận con người. Nơi ấy có một trái tim người mẹ thật đáng cho chúng ta cúi đầu nhìn lại chính mình!

 Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI