Lỡ có chuyện gì, em sẽ phát điên mà chết mất

29/06/2020 - 15:31

PNO - Cứ hình dung nếu có chuyện gì xảy ra với chồng, với con, có chuyện gì đó làm xáo trộn, tan vỡ tổ ấm này của em, em sẽ phát điên mà chết mất.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em mới sinh con thứ hai được bốn tháng, là con trai. Con gái đầu của em đã sáu tuổi, đang học lớp Một. Thời gian này, đang nghỉ ở nhà chăm con, lẽ ra phải thấy hạnh phúc nhưng không hiểu sao em vô cùng lo lắng. Tất cả mọi chuyện xung quanh đều làm em lo.

Tới giờ tan trường rồi mà chưa thấy con gái đi học về, em tưởng tượng ra đủ thứ, là con em bị cô giáo bắt ở lại trường trách phạt, chồng em quên đón con hay hai cha con gặp chuyện không may, thậm chí tai nạn… Những nỗi lo làm em phát điên, không thể yên ổn được, cho tới khi thấy bóng hai cha con về. Chuyện cho con ăn ngủ, chuyện người làm lau nhà, giặt đồ và bao nhiêu chuyện khác cũng vậy.

Em hay vào mạng xã hội, nhất là trang Facebook của chồng em, nhiều bữa thấy hình chụp trên công ty anh, sinh nhật người này người khác, mọi người “còm” cho vui, em cũng thấy như trong đó có ẩn ý, không biết có cô nào “thả thính” chồng em không…

Cứ hình dung nếu có chuyện gì xảy ra với chồng, với con, có chuyện gì đó làm xáo trộn, tan vỡ tổ ấm này của em, em sẽ phát điên mà chết mất. Bởi vậy, em hay dò hỏi, thăm chừng, coi chồng em có ý lo ra không, có quan tâm để ý ai khác không. Chồng em rất bực bội về việc này, anh nói em giàu trí tưởng tượng, sao không tưởng tượng chuyện gì vui, tối ngày nghĩ toàn chuyện xui xẻo. Em tủi thân lắm chị ơi, cũng vì em quá yêu thương, quá quý gia đình của mình nên mới lo lắng. Nếu em sống vô tư, vô tình, em đâu có khổ như vầy…

Linh Đan (TP.HCM)

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Em Linh Đan thân mến,

Trong đời, ai cũng có khi lo lắng, cũng muốn bảo vệ tổ ấm của mình. Nhưng nhìn đâu cũng thấy, cũng nghĩ ra những điều xui rủi, tưởng tượng ra những đổ vỡ để tự làm cho mình căng thẳng, thì đã là một trạng thái không bình thường, gần như bệnh lý rồi em ạ.

Các chuyên gia hay gọi đó là hội chứng rối loạn lo âu, một dạng trầm cảm. Em lại mới sinh con được vài tháng, có thể đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh, một hội chứng khá nhiều bà mẹ trẻ gặp phải mà không phải ai cũng biết để điều trị một cách hiệu quả, dứt điểm. Về lâu dài, nỗi lo âu này sẽ làm em hao mòn sức lực, dẫn tới chỗ căng thẳng, cáu gắt với người xung quanh và nguy hiểm hơn, có thể gây tổn thương bản thân hay người thân. Cộng thêm đó là bản tính của em. Cũng có thể vốn em là người có tính hay lo, nay càng ngày nỗi lo càng thêm nặng.

Một mặt, em nên đến gặp bác sĩ để nghe lời khuyên, để được điều trị đúng cách. Mặt khác, những chuyện gì khiến em lo lắng, em có thể kiểm tra trước, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, cho mình đỡ lo. Tránh những câu chuyện, phim ảnh có nội dung tiêu cực, hướng mình tới những hoạt động thể chất nhẹ nhàng, vui vẻ (nấu ăn, cắm hoa, tưới cây, cho con đi dạo buổi sáng…). Nói chung em nên cố gắng giải quyết nỗi lo lắng về mặt vật chất (bằng thuốc men, điều trị) và về mặt tinh thần (bằng các thói quen tích cực hơn).

Một trong những lý do khiến em rơi vào tình trạng lo lắng thường xuyên như vậy có thể là vì em không có thông tin, em bị “bó chân cột tay” trong nhà, em muốn nhưng không có cách nào biết mọi chuyện bên ngoài đang diễn tiến ra sao… Em có thể tìm thêm những kênh khác để chia bớt nỗi lo của mình, như nói chuyện với bạn bè, gia đình, chồng em.

Thái độ của mọi người cùng những tin tức tích cực sẽ giảm dần nỗi lo lắng trong em. Khi cơn lo lắng nổi lên, hãy điểm lại những thông tin em có để tự trấn an. Giữ mình luôn bận rộn cũng là một cách. Đừng buồn tủi, đừng trách móc chồng con, vì thực ra chồng con cũng yêu quý gia đình như em vậy. Chúc em mau bình tâm để tận hưởng niềm hạnh phúc gia đình. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hải Âu (Bình Phước): Chỉ có chính mình mới cứu được mình

Tôi biết nhiều chị em ở nhà chăm con nhỏ cũng ít nhiều gặp những vấn đề như chị. Tôi cũng vậy. Đôi khi nhìn lại mà thương mình xót xa.

Tôi cũng ghen tuông vô cớ; cũng rình mò từng dòng bình luận của bạn bè đồng nghiệp chồng; cũng than khóc ỉ ôi khi nhìn thân hình ngày càng xuống cấp của mình; cũng lo lắng suy nghĩ bậy bạ về con mình, nhà mình, chồng mình mà muốn điên. Bản thân tôi nghĩ rằng điều đó không sao nhưng ai cũng nói rằng đó là trầm cảm sau sinh. Những ngày tháng đó thật đáng sợ.

Một ngày, tôi đã cầm dao kề vô cổ chồng mình, gào khóc. Nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương, tôi chợt bừng tỉnh. Nó quá kinh khủng. Hôm sau, tôi gửi con cho mẹ chồng, đi tìm người tư vấn, rồi đi khám tại khoa thần kinh. Tôi đã uống thuốc và điều trị một thời gian dài mới hết. Chị cố lên nhé! Sự bức bối của việc ở nhà, tù túng, lại không có tiền, nhiều lo nghĩ làm chúng ta hay nghĩ ngợi lắm. Lúc nào tự nhiên nghĩ vẩn vơ, chị có thể đi tắm nước ấm, mở nhạc lên, nhún nhảy một chút cho vui. Làm cách nào cũng được, miễn chị thấy dễ chịu.

Khi đã hiểu thấu đáo, tôi mong chị sớm vượt qua. Chỉ có chính mình mới cứu được mình.

Tường Loan (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Bác sĩ tâm lý sẽ cho lời giải đáp

Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ chị nên sớm đến gặp bác sĩ tâm lý. Bây giờ, những trường hợp tương tự như chị nhiều lắm. Họ mắc chứng rối loạn lo âu hay rối loạn cơn hoảng sợ. Cho tôi hỏi, ngoài những suy nghĩ mang tính tiêu cực trên, chị thấy thể trạng mình hiện tại thế nào?

Chúng ta có thói quen bỏ qua những triệu chứng mà cơ thể mình lên tiếng cảnh báo, đặc biệt là những cảnh báo về mặt tâm lý. Tôi nghĩ chị nên lắng nghe chính mình hơn để không tiếp tục tình trạng như thế này nữa.

Mặc khác, như tôi đã từng cố gắng luyện cho cơ thể mình, khi một ý nghĩ nào đó thoáng qua, tôi sẽ vội tập trung để đẩy nó ra khỏi đầu mình. Tôi hít thở chậm lại, để mình trấn tĩnh. Sau đó, tôi sẽ tự nhủ và tự động viên rằng chỉ là mình quá lo thôi, chứ không có gì hết. Mỗi ngày mỗi ngày như thế, tôi tự tập cho mình. Chị nên tập nghĩ những điều vui vẻ.

 

Thư cho Hạnh Dung, xin quý vị gửi về địa chỉ email: hanhdung@baophunu.org.vn.

Tư vấn trực tiếp miễn phí tại toà soạn vào các ngày từ thứ 2 tới thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI