Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng: Thiếu vắng sắc màu sân khấu phương Nam

11/05/2024 - 07:33

PNO - Lần đầu tiên, Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 (lần I) được tổ chức tại TP Hải Phòng từ ngày 13 - 20/5, quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật với 17 tác phẩm đa dạng loại hình. Điều đáng tiếc là sự thiếu vắng của nhiều thương hiệu sân khấu thiếu nhi TPHCM.

Chỉ có 2 đơn vị từ TPHCM

Các tác phẩm dự liên hoan gồm: kịch nói, dân ca kịch, chèo, xiếc, ảo thuật… Ngoài những đơn vị có truyền thống phục vụ khán giả thiếu nhi ở khu vực phía Bắc, đại diện sân khấu phía Nam chỉ có 2 đơn vị từ TPHCM là sân khấu Sen Việt và đoàn ảo thuật TPHCM. Cả hai đều không nhiều kinh nghiệm làm sân khấu thiếu nhi.

Sân khấu Sen Việt đã chuẩn bị hơn 1 năm để đưa vở nhạc kịch sử Việt Lá cờ thêu 6 chữ vàng đến với liên hoan
Sân khấu Sen Việt đã chuẩn bị hơn 1 năm để đưa vở nhạc kịch sử Việt Lá cờ thêu 6 chữ vàng đến với liên hoan

Tại TPHCM, đang có các “thương hiệu” phục vụ khán giả thiếu nhi lâu năm, như: nhà hát kịch IDECAF (với chương trình Ngày xửa ngày xưa Chuyện thần tiên), nhà hát thiếu nhi Nụ Cười (kịch rối), nhà hát nghệ thuật Phương Nam (xiếc và múa rối). Ngoài ra đã có thêm nhà hát kịch TPHCM, nhà hát kịch sân khấu Nhỏ 5B, sân khấu Quốc Thảo, sân khấu Trương Hùng Minh, sân khấu Hồng Hạc và mới nhất là sân khấu Ban Mai xác định làm sân khấu thiếu nhi lâu dài, bên cạnh dòng kịch chính của mình. Các đơn vị nghệ thuật công lập cũng đều có chương trình phục vụ khán giả nhỏ tuổi hằng năm.

Đặc biệt, năm nay, các sân khấu chuẩn bị cho mùa diễn thiếu nhi khá sớm, đầu tư mạnh tay hơn. Trong đó, chương trình Ngày xửa ngày xưa 35 - vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần của nhà hát kịch IDECAF và chương trình xiếc Ầu ơ - thanh âm đầu đời của nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã khởi diễn từ ngày 30/4, thu hút rất đông khán giả. Series Truyện thần tiên 2 - vở Mễ Cốc phiêu lưu ký của sân khấu Trương Hùng Minh, vở Colora - Xứ sở rực rỡ của sân khấu Ban Mai… đang trên sàn tập, sẽ ra mắt vào dịp 1/6.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, luân phiên tại các địa phương. Qua đó, tạo động lực để các địa phương, đơn vị nghệ thuật chủ động tổ chức liên hoan tại chỗ và nhiều hoạt động sân khấu phục vụ đời sống tinh thần cho các em nhỏ.

“TPHCM hiện không chỉ có nhiều đơn vị làm sân khấu thiếu nhi định kỳ mà đều đạt mức mong muốn, nghĩa là có khán giả đến dù quy mô, mô hình có khác nhau. Có sân khấu hoành tráng diễn theo mùa và có những vở gọn nhẹ diễn hằng tuần. Đáng tiếc, liên hoan lần này tổ chức ở miền Bắc, quá xa xôi nên nhiều sân khấu xã hội hóa không đủ kinh phí đi xa. Trùng hợp là từ đây đến cuối năm vẫn còn nhiều hội thi, liên hoan chuyên nghiệp nên các sân khấu phía Nam, nhất là ở TPHCM, kể cả đơn vị công lập cũng bị động, ưu tiên các cuộc chơi lớn hơn” - Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyên Đạt - “ông bầu” của sân khấu Sen Việt - phân tích.

Ông cũng cho biết, để đưa vở nhạc kịch sử Việt Lá cờ thêu 6 chữ vàng đến với liên hoan lần này, đơn vị đã chuẩn bị hơn 1 năm trời: “Hy vọng ở các lần tiếp theo, ban tổ chức sẽ có lộ trình tổ chức liên hoan hợp lý hơn để các đơn vị, nhất là sân khấu xã hội hóa ở TPHCM, chủ động hơn trong việc chuẩn bị tham gia”.

Chuyển động tích cực

Quả thật đáng tiếc khi Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần đầu tổ chức lại thiếu vắng nhiều đơn vị nghệ thuật của TPHCM - nơi có hoạt động sân khấu thiếu nhi sôi động nhất cả nước. Tuy nhiên, xét tổng thể, sự kiện này cho thấy chuyển biến tích cực khi từ giới làm nghề đến các nhà quản lý đã thực sự quan tâm đến sân khấu thiếu nhi. Theo Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương, để có được liên hoan này, hội cũng đã có những kế hoạch căn cơ trong nhiều năm, mới nhất là cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em vào năm 2023 mà một số kịch bản trong cuộc thi đã được dàn dựng tại liên hoan lần này.

Đưa một tác phẩm quy mô lớn như “Ngày xửa ngày xưa” rời khỏi TPHCM để đi thi gần như là điều “bất khả thi” với một sân khấu xã hội hóa.
Đưa một tác phẩm quy mô lớn như “Ngày xửa ngày xưa” rời khỏi TPHCM để đi thi gần như là điều “bất khả thi” với một sân khấu xã hội hóa.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - mong rằng thông qua liên hoan, có thể tạo chất xúc tác để tất cả loại hình nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật và người làm sân khấu trăn trở nhiều hơn trong việc tạo ra sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khán giả thiếu niên, nhi đồng. Thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa là xây dựng lớp khán giả trẻ cho sân khấu tương lai.

Theo đạo diễn Nguyên Đạt, liên hoan không chỉ mang đến nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc phục vụ khán giả thiếu nhi mà còn để những người làm sân khấu thiếu nhi giao lưu và tìm ra tiếng nói chung trong việc định hướng tính giáo dục, tính thẩm mỹ cho đối tượng mình phục vụ. “Chúng ta đang làm sân khấu thiếu nhi theo cách nghĩ, cách làm của riêng mình. Vì vậy, mỗi nơi mỗi kiểu và thậm chí có những trường hợp không còn giữ được chuẩn mực khi đùa giỡn thái quá hay có những điều phản cảm. Ví dụ như có những nhân vật nam giả nữ, gây bối rối cho các em nhỏ. Về lâu về dài, đó là điều không nên” - đạo diễn Nguyên Đạt nêu quan điểm.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI