Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2 và “chuyện muôn năm cũ” mùa hội diễn

19/01/2022 - 07:00

PNO - Sau 2 tuần tranh tài, Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt 2 tại TPHCM đã chính thức khép lại vào tối 17/1 với một “cơn mưa huy chương” và những dư âm trái chiều, để lại một số “câu hỏi lớn không lời đáp” như bao mùa liên hoan, hội diễn đã qua.

 

Một sân khấu có phong cách riêng nổi bật với những tác phẩm được dàn dựng chỉn chu, kỹ lưỡng, giàu tính nhân văn như Hoàng Thái Thanh không đạt được những kết quả cao nhất cũng là
Việc sân khấu Hoàng Thái Thanh không đạt được kết quả cao nhất cũng để lại nhiều luyến tiếc cho khán giả

Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 2) được tổ chức khi TPHCM trở lại “bình thường mới” không chỉ “tạo đà” cho các sân khấu khởi động lại mà còn tạo cơ hội cho người làm sân khấu thỏa nỗi nhớ nghề bấy lâu.

Việc có đến 20 đơn vị đăng ký dự thi với 26 vở diễn, lực lượng diễn viên hùng hậu là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống lẫn nguồn lực dồi dào của sân khấu TPHCM. Đáng tiếc, những “chuyện muôn thuở” của các kỳ liên hoan, hội diễn vẫn chưa thể khắc phục để tạo động lực xốc lại chất lượng sàn diễn sân khấu trên đà sa sút những năm qua.

Vở diễn nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TPHCM) bất ngờ
Cuộc hành trình tìm bức chân dung - vở diễn nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ (Nhà hát Kịch TPHCM) bất ngờ lọt khỏi nhóm đoạt huy chương

Với 19 huy chương tập thể, hơn 100 huy chương cá nhân, có thể nói, hiếm có kỳ hội diễn nào Ban tổ chức “rộng rãi” đến thế. Thông thường, một kỳ liên hoan toàn quốc trao khoảng 6 giải vàng vở diễn thì liên hoan lần này qua 2 đợt đã có đến 12 tác phẩm đoạt huy chương vàng.

Với số huy chương tăng gấp 2 - 3 lần so với các kỳ hội diễn trước khi vừa tăng giải vừa có thêm cơ cấu huy chương đồng, liệu đây có phải là tín hiệu vui cho sân khấu nước nhà? Đáng nói hơn, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” đã làm mất đi ý nghĩa một cuộc chơi nghệ thuật, làm hao hụt nhiệt huyết của người làm nghề chân chính cũng như làm mòn đi niềm tin của khán giả.

Vở diễn Khóc giữa trời xanh đạt huy chương vàng dù gây tranh cãi nhiều về diễn xuất.
Chiếc huy chương vàng của vở Khóc giữa trời xanh không thuyết phục người xem

Rõ nhất là chiếc huy chương vàng của vở Khóc giữa trời xanh (Công ty CP Sử Việt) thực sự làm nhiều người “muốn khóc”. Cần phải ghi nhận tấm lòng và sự dũng cảm của ê-kíp khi khai thác một nhân vật lịch sử vẫn còn nhiều “góc khuất” là Thái sư Lê Văn Thịnh. Từ vốn sử liệu ít ỏi và truyền thuyết hoang đường về vị Thái sư “hóa hổ giết vua”, ê-kíp vở diễn đã nỗ lực dựng lại cuộc đời oan khuất của Lê Văn Thịnh.

Tuy nhiên Khóc giữa trời xanh chỉ đạt về mặt hình thức với trang phục, thiết kế sân khấu, cảnh trí đẹp mắt. Còn lại, câu chuyện hư cấu về việc Lê Văn Thịnh phải mang nỗi oan thấu trời chỉ vì muốn lật lại một vụ án ở hậu cung không đủ thuyết phục, nhất là đã có nhiều nghiên cứu lý giải cội nguồn án oan này là sự đấu tranh giữa các thế lực Nho - Phật - Đạo trong tầng lớp quý tộc nhà Lý thời bấy giờ. Thêm thủ pháp dàn dựng thiếu điểm nhấn, đặc biệt là một số diễn viên “tay ngang” không đủ năng lực diễn xuất đã làm hỏng các nhân vật.

Khóc giữa trời xanh được đầu tư chỉn chu từ những người “có tâm” với sân khấu và lịch sử dân tộc, đáng tiếc lại không có được một đội ngũ chuyên nghiệp thực sự để chuyển tải trọn vẹn “cái tâm” ấy. Khóc giữa trời xanh hoàn toàn có cơ sở để được đánh giá cao nhưng chắc chắn không phải là bản dựng “vàng” thiếu dấu ấn diễn xuất chuyên nghiệp lần này.

Vở Thành phố tình yêu cũng là vàng non.
Vở Thành phố tình yêu cũng là "vàng non"

Tương tự, vở Thành phố tình yêu của Nhà hát Kịch TPHCM đơn giản chỉ là một vở diễn nhẹ nhàng, sạch sẽ và quá bình thường cho giải vàng. Trong khi đó, một tác phẩm khác của Nhà hát Kịch TPHCM là Cuộc hành trình tìm bức chân dung nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ, dù xuất phát điểm là bài tập tốt nghiệp của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn nhưng với cách làm kịch cách mạng tươi mới, trẻ trung, chịu tìm tòi ứng dụng thủ pháp dàn dựng mới đã nhận được nhiều tình cảm của báo giới và khán giả, được nhiều người nhận định sẽ đoạt giải cao, lại “rớt đài”. 

Chung số phận, Công lý như mặt trời (Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B) - tác phẩm mang màu sắc châm biếm đặc sắc và nhiều sáng tạo trong dàn dựng - cũng lọt khỏi nhóm có huy chương…

Vở Công lý như mặt trời (Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B) có chất lượng nổi bật hơn nhiều vở đạt huy chương.
Vở Công lý như mặt trời (Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B) được nhiều người đánh giá có chất lượng nổi bật hơn nhiều vở đoạt huy chương

Với 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc và 19 huy chương đồng cá nhân được trao, liệu rằng người diễn viên có thực sự hài lòng với một giải thưởng mang tính “mặt trận”? Liệu chủ nhân những chiếc huy chương vàng chính hiệu có thấy chạnh lòng khi bị “cào bằng” với “vàng kém tuổi”? Liệu những diễn viên vô cớ vuột mất huy chương có bất bình mà hao mòn nhiệt huyết khi những màn trình diễn không đạt chuẩn lại được vinh danh?...

“Mỗi mùa liên hoan, hội diễn lại thấy lũ lượt diễn viên điện ảnh, ngôi sao truyền hình, cả ca sĩ, người mẫu thời trang đi thi diễn. Kết hội, lấy xong huy chương họ lại rời đi không luyến tiếc. Và sân khấu vẫn vậy. Bao giờ thay đổi?” - một nghệ sĩ trăn trở.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI