Đong đầy cảm xúc đêm khai màn Liên hoan Sân khấu Kịch nói tại TPHCM

04/01/2022 - 09:57

PNO - Vở diễn mở màn “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” mang đến nhiều cảm xúc cho người xem dẫu chọn đề tài khó khai thác.

Sau thời gian im ắng vì dịch bệnh, nhịp sống dần trở lại với sân khấu TPHCM, mở đầu là Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc dành cho khu vực phía Nam tổ chức tại TPHCM. Trước đó, vì dịch nên nhiều đơn vị rút hoặc không đăng ký dự thi khi liên hoan tổ chức tại TP Hải Phòng.

Mở màn cho chuỗi sự kiện kéo dài 2 tuần này là vở diễn Cuộc hành trình tìm bức chân dung của Nhà hát kịch TPHCM. Vở diễn lấy đề tài lịch sử, một mảng khá khó để khai thác. Đó là câu chuyện của Non, Liêm, Đạm, bé Ba, những đứa trẻ ngây ngô lớn lên tại vùng rừng đước phương Nam. Cuộc sống của chúng đã sớm phải chịu sự chia cắt với người thân vì chiến tranh. Tiếng bom đạn, súng nổ cũng trở thành một phần cuộc sống của chúng, dẫu chẳng ai mong muốn.

Vở diễn lấy bối cảnh ở vùng rừng đước phương nam
Vở diễn lấy bối cảnh ở vùng rừng đước phương Nam, nói về chiến tranh, những mất mát

Một ngày nọ, cả đám nghe tin cụ Hồ qua đời. Chúng thấy người lớn ai cũng khóc thương, tiếc nhớ. Còn cụ Hồ là ai, dáng hình ra sao vẫn là dấu hỏi lớn trong lòng những đứa trẻ miệt rừng rậm đầy sự tò mò, ham tìm hiểu. Non tưởng tượng ra cụ Hồ trong lời bài hát: “Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài/ Bác chúng em nước da nâu vì sương gió”. Còn Liêm khắc hình ảnh cụ Hồ trên một phiến gỗ, mà tụi bạn cứ trêu đùa trông giống ông tiên, ông phật. Đạm lại hình dung cụ Hồ giống như người võ sư già quen thuộc trong xóm.

Cuộc tranh cãi không hồi kết đã khiến những đứa trẻ liều mình tìm đường ra chợ, đến nhà bà nội Chín của Non để tìm cha Non hoặc chú Nghĩa hoạ sĩ, những người mà chúng tin có thể biết chân dung cụ Hồ. Chuyến đi này, chúng gặp ông Ba, một người cha cũng mất con vì chiến tranh. Từ đây, những biến cố, hiểm nguy bắt đầu xảy đến với họ, hai thế hệ đang phải gánh chịu nỗi đau của chiến tranh.

Những đứa trẻ gặp ông Ba trên hành trình đi tìm chân dung cụ Hồ
Những đứa trẻ gặp ông Ba trên hành trình đi tìm chân dung cụ Hồ

Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian trước sau, đôi lúc đan xen những chi tiết quá khứ xuất phát từ hồi ức của các nhân vật. Dẫu chọn nội dung khó khai thác nhưng các nghệ sĩ cũng làm “mềm hóa” khéo léo bằng cách khai thác triệt để sự hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ. Sự chất phác, rộng lượng của người dân mảnh đất phương Nam, hòa vào đó là chút hài hước đặc trưng từ giọng nói, điệu bộ cũng được thể hiện tốt để từ đó dẫn dắt người xem vào những nội dung đậm tính lịch sử. 

Việc hóa thân vào những đứa trẻ là một thử thách không nhỏ với Thái Kim Tùng, Hoàng Tuấn, Tuấn Nghĩa và Khánh Vân. Trong khi đó, nghệ sĩ Thanh Tuấn vào vai ông Ba khá “ngọt”. Họ đã tạo nên nhiều khoảnh khắc xúc động khiến người xem đồng cảm, chia sẻ với những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại. Nổi bật lên đó là sự anh dũng, tình người trong khó khăn, thứ vũ khí cũng quan trọng không kém để con người dìu nhau đi qua khó khăn.

Những đau khổ, thù hận… có thể chữa lành hoặc bị phai dấu bởi thời gian. Nhưng câu chuyện được kể hôm nay phần nào giúp hậu bối càng trân quý hòa bình, cuộc sống tự do có được. Có những người đã chọn không tiếp tục sống để những người còn lại được sống. Đó là sự chọn lựa không hề dễ dàng, nhưng họ đã làm, quên đi chính bản thân mình.

Vở diễn có nhiều phân đoạn xúc động khiến người xem ấn tượng
Vở diễn có nhiều phân đoạn xúc động khiến người xem ấn tượng

Một điểm thú vị từ vở diễn này là sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật trình diễn thực tế. Trong đó, một số phân đoạn sử dụng kỹ xảo để tạo cảm giác chân thực, sinh động cho người xem. Đây có thể xem là sự tiến bộ đáng kể. Cũng nhờ công nghệ và sự tính toán, sắp xếp thiết bị giúp một số phân đoạn gây ấn tượng mạnh nhờ cảnh vật sống động. 

Còn 25 vở diễn nữa sẽ được giới thiệu tại liên hoan lần này. Với sự mở đầu khá tốt, thuận lợi, công chúng kỳ vọng liên hoan tại TPHCM sẽ đón nhận thêm nhiều điều tốt lành, chuẩn bị cho sự trở lại sau những ngày “ngủ đông”.

Liên hoan diễn ra từ ngày 3-17/1/2022. BGK liên hoan lần này gồm có: NSND Trần Minh Ngọc, NSND Vương Duy Biên, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Lê Chức, nhà văn Trịnh Bích Ngân, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Đỗ Trường An.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI