Liên hoan sân khấu tại TP.HCM: Hy vọng và trăn trở

03/01/2022 - 12:39

PNO - Sau cuộc liên hoan này, sân khấu TP.HCM sẽ tiếp tục như thế nào là câu hỏi khiến những người làm nghề trăn trở...

 Đó là sự kiện “mở hàng” cho hoạt động của sân khấu kịch trong năm 2022, ít nhiều mang tính kích hoạt sân khấu kịch TP.HCM vốn yên ắng suốt thời gian dịch bệnh. Nhưng sau một cuộc vui, sự phát triển tiếp theo của mảng này trong tương lai khiến không ít người trăn trở. 


Nội dung đa dạng, không phát trực tuyến

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức riêng cho khu vực phía Nam tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày 3/1/2022. 26 vở diễn tham dự liên hoan đa dạng, từ dân gian, lịch sử đến các vấn đề thời sự. 
Blouse trắng của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi nói về sự hy sinh quên mình của các y, bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên và lực lượng tuyến đầu đã cống hiến trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng vừa qua.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ dự thi hai vở: Tình lá diêu bông Công lý như mặt trời. Trong đó, Tình lá diêu bông lấy bối cảnh hiện đại nói về tình yêu và sự chân thành, bao dung. Vở còn lại mang màu sắc cổ trang, nêu lên vấn nạn tham ô, hối lộ, trọng tiền tài danh vọng nhưng xem nhẹ tri thức. Sân khấu kịch Hồng Vân dựng Ngôi nhà trên thuyền, lấy bối cảnh cù lao nghèo ở Cần Thơ, với gia đình của anh Tình, chị Lệ và nỗi đau do chất độc da cam. Vấn đề này đến nay vẫn còn gây nhức nhối dẫu chiến tranh đã đi qua rất lâu.

Vở Blouse trắng của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi
Vở Blouse trắng của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi

Diễn viên Hòa Hiệp và NSƯT Ngọc Trinh tái ngộ trong vở Mưa bóng mây (Công ty Hero), kể về hai người già vì những lý do khác nhau không thể sống cùng con cháu. NSƯT Lê Nguyên Đạt dựng Chuyện làng mang màu sắc dân gian cho Hội Sân khấu TP.HCM và Mảnh vỡ thể loại tâm lý xã hội cho sân khấu Sen Việt. Thành Thăng Long thuở ấy là vở kịch lịch sử duy nhất trong liên hoan này của Nhà hát Thế Giới Trẻ. Sân khấu Hoàng Thái Thanh dự thi hai vở từng được công diễn khá thành công là Sài Gòn có một ngã tư Bạch Hải Đường. Ngược gió, vở diễn từng gây tiếng vang cũng được sân khấu Thế giới trẻ Sài Gòn Phẳng mang dự thi. Nhà hát kịch TP.HCM dự thi vở Hành trình tìm bức chân dung.

Dự kiến, các đơn vị tham gia sẽ diễn tại địa điểm diễn của họ. Với những đơn vị không có địa điểm diễn, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ bố trí cho diễn tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Các buổi thi sẽ có nhân viên y tế thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, các điều kiện cần thiết khác.

Trước đó, trong đợt liên hoan diễn ra tại Hải Phòng, các vở diễn được phát trực tuyến trên YouTube để công chúng được theo dõi rộng rãi. Tuy nhiên, tại TP.HCM, phần lớn là vở diễn của các sân khấu xã hội hóa mang tính thương mại cao nên việc phát trực tuyến gây ra nhiều lo lắng. Chưa kể, một số nghệ sĩ đánh giá việc livestream chất lượng hình ảnh, âm thanh không tốt, không phản ánh được không khí của sân khấu thực. 

Trước vấn đề này, ông Trần Hướng Dương (Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Liên hoan được tổ chức phù hợp với tính chất của từng nơi. Riêng với các sân khấu tại TP.HCM sẽ không phát trực tuyến. Vì các vở diễn đều được các đơn vị bỏ tiền đầu tư, nếu phát trực tuyến họ sẽ không thể thu hồi được vốn”. 

 

Vở Ngôi nhà trên thuyền của sân khấu kịch Hồng Vân
Vở Ngôi nhà trên thuyền của sân khấu kịch Hồng Vân

Cần nhiều hơn một cuộc vui

Có thể nói đây là kỳ liên hoan đặc biệt, nhiều áp lực với các sân khấu tại khu vực phía Nam nói chung, đặc biệt TP.HCM. Thời gian liên hoan liên tục thay đổi nên nhiều đơn vị không thể chủ động. Điều đáng lo ngại nhất là dịch bệnh khiến nhiều vở gặp trục trặc trong quá trình tập luyện. Diễn viên Gia Bảo cuống cuồng tìm người thay thế khi vở diễn sắp lên sàn phúc khảo thì một diễn viên mắc COVID-19. Một diễn viên khác tham gia hai vở diễn do NSƯT Lê Nguyên Đạt dàn dựng cũng mắc bệnh, khiến việc tập luyện gặp khó khăn.

Sau cuộc liên hoan này, sân khấu TP.HCM sẽ tiếp tục như thế nào là câu hỏi khiến những người  làm nghề trăn trở... Đặc thù tại TP.HCM sân khấu xã hội hóa chiếm tỷ lệ  rất lớn. Những đơn vị này có đóng góp lớn cho đời sống văn nghệ tại nơi đây nhưng rất ít nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước như các đơn vị công lập. Vì thế, hai năm dịch bệnh khiến mọi thứ gần như kiệt quệ.

NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch: “Thời gian gần đây, các anh em lãnh đạo sân khấu có nhiều cuộc trao đổi. Ai nấy cũng đều nhiệt huyết muốn khôi phục sân khấu. Nhưng những cuộc trò chuyện chỉ dừng ở phạm vi nhỏ, cá nhân với cá nhân. Hiện, điều tôi thấy thiếu là sự hợp lực, một cuộc gặp gỡ cần thiết giữa các bên để cùng tìm ra phương hướng cho thời gian tới. Với tình hình hiện tại, kéo dài hơn nữa sẽ càng dễ khiến sân khấu nguy kịch”. Chị cho biết trước khi liên hoan diễn ra, sáng 3/1 các đơn vị sẽ có buổi gặp gỡ với ban tổ chức. Tại đây, nếu có thời gian, điều kiện, chị sẽ trình bày một số vấn đề, với mong muốn sẽ sớm có một cuộc họp, trao đổi chính thức giữa các cơ quan quản lý văn hóa với các sân khấu để tìm ra giải pháp hỗ trợ.

Vở Công lý như mặt trời của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ
Vở Công lý như mặt trời của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Thực tế đã không ít lần các đơn vị xã hội hóa lên tiếng, cũng có bàn đến giải pháp, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa tiến triển. Sau hai năm vừa qua, các sân khấu xã hội hóa đã thực sự kiệt quệ. Tương lai của sân khấu không dừng ở cuộc chơi, và rất cần giải pháp gấp rút”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, NSND Trần Minh Ngọc đề xuất các cơ quan quản lý văn hóa, Nhà nước cần tạo ra môi trường để các đơn vị xã hội hóa có thể tiếp cận được với các nhà đầu tư, theo đúng cơ chế kinh tế thị trường. Từ đó, sân khấu sẽ có vốn đầu tư, có nhiều hy vọng hơn để đóng góp vào kinh tế. 
Ông Trần Hướng Dương cho biết hiện đã nắm được tình hình khó khăn của các sân khấu tại phía Nam, đặc biệt với nhóm sân  khấu xã hội hóa. Tuy nhiên, để có  một hội thảo về vấn đề này cần thời điểm phù hợp, sự chuẩn bị chu đáo để có thể đạt được hiệu quả.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI