Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang: Náu mình vào âm nhạc mà yêu đời, yêu người

22/08/2021 - 12:23

PNO - Bàn về nhạc trẻ Việt Nam, một nhạc sĩ đương thời nổi tiếng của Sài Gòn từng phải thốt lên: “Thật khó hình dung nền nhạc trẻ Việt Nam thập niên 1960 - 1970 nếu không có Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… thì hôm nay sẽ là gì!”.

Nhắc tới Phượng Hoàng, ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam mà linh hồn là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, sẽ không ít người thấy tiếc nuối và xót xa. Những tài năng, những bi kịch, những sự nhìn nhận chưa đích đáng ấy dường như chưa bao giờ nguôi quên trong tâm trí bạn bè văn nghệ Sài Gòn trong nhiều thập niên qua.

Nhưng dù thế nào, qua hơn nửa thế kỷ, qua hết những hào quang và những suy tàn, cả khi hai linh hồn của ban nhạc đã mãi mãi rời bỏ nhân gian thì âm nhạc của Phượng Hoàng vẫn còn đó, như một minh chứng rõ ràng nhất của những tư duy âm nhạc vượt thời gian, những tài năng vượt ra khỏi không gian và thời đại.

Và sau tất cả, bất chấp những trớ trêu của số phận, những giai điệu đầy tính hiện sinh, giàu tình nhân ái và khát vọng tự do, niềm yêu đời, yêu người ấy vẫn chưa bao giờ lụi tắt, những cánh Phượng Hoàng vẫn ngược gió mà tung bay: “Dù đời còn gặp nhiều chông gai/ Trọn đời vẫn cứ đi đi hoài”.

Âm nhạc nâng đỡ một thế hệ

Cuối năm 2020, cuốn sách Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn được xuất bản trong sự xúc động và ngậm ngùi của đông đảo công chúng yêu nhạc. Sau nửa thế kỷ, lần đầu tiên một tác phẩm để tưởng nhớ những đóng góp của Phượng Hoàng đối với rock Việt đã ra mắt, dù chưa thực sự đầy đủ và đạt được tầm cỡ như mong muốn. Cuốn sách là sự chung tay của đông đảo bạn bè, văn nghệ sĩ, những người yêu thương và ngưỡng mộ ban nhạc rock đầu đàn của 
Việt Nam.

Sau 50 năm, gần như tất cả thành viên Phượng Hoàng đều đã đi về thiên thu, người duy nhất còn lại là tay trống Nguyễn Trung Vinh nhưng hiện đang liệt nửa người và ngồi xe lăn trong căn nhà trọ chưa đầy 20m2. Anh từng phải chạy ba gác kiếm sống cùng người vợ bán vé số. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến ký ức về Phượng Hoàng, anh lại rơi nước mắt. Với anh, Phượng Hoàng là lẽ sống, là điểm tựa; nếu không có Phượng Hoàng, có lẽ anh không đủ nghị lực để sống tiếp đến ngày nay.

Có lẽ không riêng gì Nguyễn Trung Vinh, rất nhiều người trẻ sinh ra thời 1960 - 1970 và nhiều thế hệ sau này đã tìm đến âm nhạc của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang như thế, xem đây như một nơi nương náu để bám víu trong những ngày buồn. Như nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét, âm nhạc của Phượng Hoàng đầy chất “tâm hoặc” (psychedelic culture). Dù đó chỉ là “ảo tình” nhưng là thứ âm nhạc có tác dụng xốc lại tinh thần con người, truyền cái năng lượng hết lòng với tha nhân, là một khát vọng đẹp đẽ, hướng thiện, vươn tới hòa bình, tự do, nhân ái, là những cảm xúc rất “con người” hiển hiện giữa thực tại.

Hình thành và tồn tại trong những giai đoạn đầy căng thẳng của lịch sử, âm nhạc của Phượng Hoàng không chọn ngợi ca hay sa đà vào các câu chuyện đại sự lớn lao, cũng không ao vào dòng nhạc “mùi” ăn khách mà chọn một lối đi riêng chông gai hơn nhưng gần với con người hơn. Đó là thứ âm nhạc mang những cảm xúc suy tư của một lớp thanh niên trong thời đại mới, một niềm yêu đời, yêu người như muốn tháo tung tất cả mọi rào cản hay định kiến mà tiêu biểu là những ca khúc trong giai đoạn 1970 - 1974 như Mặt trời đen, Phiên khúc mùa đông, Hãy ngước mắt nhìn đời hay liên khúc gồm ba bài Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa Yêu người - yêu đời rất ăn khách do Elvis Phương thể hiện.

Được ví như “The Beatles của Sài Gòn”, Phượng Hoàng như những người đi khai hoang trong buổi đầu bình minh của nhạc trẻ Việt. Đó là lần đầu tiên, những giai điệu pop rock, soul, hay swing được vang lên tại các vũ trường, tụ điểm âm nhạc của miền Nam Việt Nam nhưng được viết hoàn toàn bằng tiếng Việt. Như nhạc sĩ Lê Hựu Hà từng nói, họ muốn “phá cách” nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để “trong tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng-lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ Việt Nam đúng với tình ý Việt Nam”.

Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà để hình thành nên Phượng Hoàng được ví như cuộc gặp gỡ giữa John Lennon và Paul McCartney - hai thành viên chủ chốt của The Beatles, những người trẻ định hình tư duy nhạc pop rock tại Mỹ và châu Âu thập niên 1960.

Những ca khúc ấy không quá phức tạp về giai điệu, hòa thanh hay ca từ nhưng đầy triết lý nhân sinh, đưa ra được những khái niệm mới trong sáng tác và đặc biệt là tinh thần tự do, hòa bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa. Đó là những bản nhạc mang tâm tư và khát vọng của cả một thế hệ trẻ đang bị mất phương hướng; còn mang giá trị và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tiếp theo. Phượng Hoàng cũng vậy.

“Cố gắng yêu thương đời, dù đời không yêu ta”

Trong khoảng bốn năm hoạt động chính thức ngắn ngủi (đến giữa năm 1975 Phượng Hoàng tan rã, các nghệ sĩ tách ra hoạt động solo hoặc giải nghệ), Phượng Hoàng để lại khoảng gần 40 ca khúc thành công, tất cả đều được Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang viết và phối khí. Trong đó, chùm ca khúc Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa Yêu người - yêu đời gần như mang bản sắc và thể hiện rõ nét nhất tinh thần âm nhạc của Phượng Hoàng.

Âm nhạc giàu năng lượng và hào sảng là thế nhưng cuộc đời của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang gần như chưa bao giờ được hạnh phúc trọn vẹn. Suốt 57 năm cuộc đời mình, dù qua biết bao cuộc tình, Lê Hựu Hà vẫn chưa bao giờ nguôi buồn bã. Cuộc đời ông là triền miên những tháng ngày cô độc, bế tắc, nghèo đói, bệnh tật, những biến cố của thời cuộc, những lạc lõng giữa gia tộc cùng sự quay lưng của nhiều bạn bè với nhiều lý do. Dù vậy, những buồn bã của số phận vẫn không ngăn được niềm thiết tha với cuộc đời của nhạc sĩ họ Lê, thể hiện ở mọi tác phẩm của ông cho đến tận cuối đời.

Dù qua bao nhiêu đắng cay, Lê Hựu Hà vẫn đau đáu cho tha nhân: “Tôi muốn mọi người biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…” (Tôi muốn, 1970), một niềm yêu vị tha và không hề sân hận: “Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời, dù đời chỉ yêu gian dối, dù đời cay đắng như vôi…” (Yêu người - yêu đời, 1972)

Vắn số hơn Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang qua đời khi chưa tròn 40 tuổi vì sức khỏe suy kiệt (khiến người ta liên tưởng đến cái chết của John Lennon). Quãng thời gian vị nhạc sĩ sống trên dương thế cảm giác như chiếc que diêm vụt sáng. Bất chấp những khó khăn về tiền bạc, những lạc lõng và đọa đày giữa tâm thức và hiện thực, Nguyễn Trung Cang đã cho ra đời những tác phẩm khiến người nghe vừa sững sờ vừa thương cảm. Đó là những lời lẽ đầy dự cảm về một số phận buồn: “Khi mặt trời vắng bóng, khi lời nguyền khuất lấp, nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong…” (Thương nhau ngày mưa, 1973).

Liên khúc Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Yêu người - yêu đời- Elvis Phương :

Cả ba ca khúc Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Yêu người - yêu đời đã được chọn để đưa vào một hợp ca, có lẽ bởi chung một tinh thần âm nhạc, với những biến đổi của hòa thanh và giai điệu có phần tương thích, mang đầy ý niệm và màu sắc Phượng Hoàng. Khi phải tiễn biệt hai “tượng đài” của nhạc Việt, nhạc sĩ Minh Châu đã phải thốt lên: “Rồi chừng nào chúng ta mới lại có một Lê Hựu Hà hay Nguyễn Trung Cang kế tiếp?”.

Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI