Lệ Chi viên và hiệu ứng từ sân khấu sử việt học đường

20/05/2025 - 17:09

PNO - Nhà hát kịch IDECAF vừa ra mắt vở Lệ Chi viên (đạo diễn: Quang Thảo) từ kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi nổi tiếng của tác giả Hoàng Hữu Đản. 3 suất diễn đầu tiên hết vé ngay sau khi mở bán. Đây là điều không dễ có với 1 tác phẩm đề tài lịch sử trong tình hình sân khấu hiện nay.

Có lòng thành ắt gặp tri âm

Ra mắt năm 2000 với 70 suất diễn, được dựng vào các năm 2007 và 2012, đến nay, Bí mật vườn Lệ Chi vẫn được xem là một trong những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu kịch TPHCM. Vụ án Lệ Chi viên về cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông, kéo theo án “tru di tam tộc” cho danh thần Nguyễn Trãi - bậc “khai quốc công thần” nhà Lê - là vụ án nổi tiếng trong lịch sử. Sự thảm khốc và những nghi vấn mơ hồ khiến vụ án trên cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình nghệ thuật. Từng có tác phẩm văn học, phim ảnh và nhiều vở diễn sân khấu khai thác đề tài này.

Rất đông khán giả trẻ đi coi Lệ Chi viên - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Rất đông khán giả trẻ đi coi Lệ Chi viên - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Riêng kịch nói, ngoài Bí mật vườn Lệ Chi còn có Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung) và Mặt trời vườn Lệ Chi (tác giả: Thanh Hương). Mỗi tác phẩm có cách nhìn nhận, lý giải riêng về vụ án cũng như các nhân vật lịch sử quen thuộc, trong đó Bí mật vườn Lệ Chi với ý tứ sâu sắc về cuộc đấu tranh giữ gìn “thiên chức con người” cùng sự thăng hoa của dàn nghệ sĩ hàng đầu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và cả người làm nghề nhiều năm qua.
Khi tổ chức chương trình Sân khấu sử Việt học đường, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của nhà hát kịch IDECAF xác định phải đưa Bí mật vườn Lệ Chi trở lại bằng mọi giá, không phải vì vở diễn gắn liền với thương hiệu sân khấu mà vì đây là một tác phẩm hay và truyền cảm hứng để người xem thêm yêu lịch sử nước nhà.

Với nghệ sĩ Thanh Thủy - người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong vai Thần phi Nguyễn Thị Anh từ bản dựng đầu tiên - sau bao năm, cảm xúc ngày cũ vẫn còn vương vấn. Nghệ sĩ Hồng Ánh thì vẫn nhớ như in lần đầu được hóa thân vào vai Nguyễn Thị Lộ (bản dựng năm 2007) - vai diễn để lại dư âm sâu sắc trong hành trình làm nghề của chị. Năm 2025, chị đảm nhận vai diễn mới là Tiệp dư Ngọc Dao với tinh thần “đưa lịch sử đến gần khán giả hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Đảm nhận vai trò biên tập, đạo diễn và cả vai chính Nguyễn Trãi, nghệ sĩ Quang Thảo chia sẻ: “25 năm trước, khi là khán giả đến xem Bí mật vườn Lệ Chi, tôi đã mê mẩn. Theo đuổi nghệ thuật, trở thành đạo diễn, tôi cũng ao ước 1 ngày được dựng kịch bản này. Tôi, nhà sản xuất và ê kíp vở diễn gặp nhau ở sự ngưỡng mộ và trân quý tác phẩm. Chúng tôi làm vở với tất cả sự say mê và chân thành, tin rằng có lòng thành ắt gặp được tri âm”.

Tín hiệu vui

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Lệ Chi viên trước hết phục vụ chương trình Sân khấu sử Việt học đường. Với phân khúc khán giả ưu tiên là người trẻ, đặc biệt là khán giả “tuổi teen”, vở không thể dài 4 tiếng hay mang phong thái thâm trầm, chiêm nghiệm như ngày trước. Đạo diễn Quang Thảo đã xin phép gia đình tác giả biên tập lại kịch bản ngắn gọn và gần gũi hơn với người xem hôm nay. Vở diễn cũng mang tính hành động, chú trọng sự hấp dẫn từ tình tiết một vụ án chốn cung đình nhiều hơn. “Chúng tôi từng băn khoăn về sự đón nhận của khán giả khi Bí mật vườn Lệ Chi đã quá thành công. Nhưng chúng tôi không dựng lại Bí mật vườn Lệ Chi mà thực hiện vở Lệ Chi viên mới từ kịch bản gốc. Thuyết phục được khán giả cũ thì tốt nhưng ưu tiên vẫn là chinh phục khán giả mới” - ông Trầm Thanh Thảo - quản lý nhà hát kịch IDECAF - cho hay.

Lệ Chi viên đã có 3 suất diễn đầu tiên, vé nhanh chóng bán hết và đa số là khán giả trẻ. Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: kịch cổ trang dễ thu hút sự chú ý, danh tiếng của Bí mật vườn Lệ Chi vẫn khơi gợi sự tò mò và nhất là từ hiệu ứng chương trình Sân khấu sử Việt học đường với vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử gây tiếng vang lớn.

Nguyễn Ngọc Tú - sinh viên Trường đại học Kiến trúc TPHCM - chia sẻ: “Tôi yêu thích các tác phẩm lịch sử và biết đến nhà hát kịch IDECAF từ chương trình Sân khấu sử Việt học đường. Khi biết nhà hát dựng Lệ Chi viên, tôi rất chờ đợi, canh mua vé từ sớm”.

Nhà hát kịch IDECAF cũng tăng cường tiếp cận khán giả học đường; không riêng kịch lịch sử mà các vở diễn mang tính văn học, đề tài gia đình - tuổi trẻ cũng nhận được sự chú ý. “Từ các suất diễn học đường, nhiều bạn nhỏ được tiếp xúc với sân khấu kịch, biết đến nhà hát kịch IDECAF. Như vậy, ngoài thương hiệu kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa, chúng tôi còn có thêm kênh sân khấu học đường để “nuôi” khán giả” - ông Trầm Thanh Thảo nói.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI