Nỗi bất an mang tên người nổi tiếng

18/05/2025 - 17:15

PNO - Những gương mặt từng được hàng triệu người tin tưởng đang làm gì trên mạng? Vì sao, từ những người truyền cảm hứng, họ lại trở thành nỗi bất an cho người tiêu dùng?

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị bắt vì buôn bán hàng giả, Thùy Tiên vướng lệnh cấm xuất cảnh do liên quan đến kẹo rau củ Kera – sản phẩm bị xác định là hàng giả. Gần đây là lùm xùm kêu gọi từ thiện 16 tỉ đồng của Phạm Thoại, cùng các ồn ào quanh việc quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng, phá giá thị trường... của Võ Hà Linh và Đoàn Di Băng.

Cộng đồng đã quá mệt mỏi trước cuộc khủng hoảng đạo đức của một bộ phận người nổi tiếng!

Sản phẩm kem chống nắng do Đoàn Di Băng làm đại diện thương hiệu và phân phối vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy
Sản phẩm kem chống nắng do Đoàn Di Băng làm "gương mặt thương hiệu" để đưa sản phẩm ra thị trường vừa bị đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy

Người nổi tiếng, KOL (người có ảnh hưởng) không chỉ là gương mặt đại diện sản phẩm mà còn là hiện thân của niềm tin. Một lời khen của họ có thể giúp sản phẩm cháy hàng trong vài giờ, nhưng cũng có thể khiến cộng đồng sập bẫy nếu đó là lời quảng cáo sai sự thật. Khi niềm tin ấy bị mang ra đổi lấy lợi nhuận thì hậu quả để lại sẽ là sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, thị trường méo mó và xã hội mất phương hướng.

Việc livestream bán hàng không rõ nguồn gốc, quảng bá sai công dụng, gắn mác “hàng chính hãng” cho sản phẩm trôi nổi… đã và đang diễn ra nhan nhản. Người tiêu dùng, thay vì được bảo vệ, lại phải tự chịu rủi ro nếu chọn nhầm thần tượng.

Vụ việc mới nhất liên quan đến Đoàn Di Băng đã chạm ngưỡng chịu đựng của công chúng. Sau khi sản phẩm do cô làm đại diện và phân phối bị thu hồi vì kém chât lượng, cô lên tiếng xin lỗi, nhưng lại đổ lỗi cho nhà sản xuất. Lời giải thích ấy không những không làm dịu dư luận mà còn thổi bùng thêm làn sóng phẫn nộ.

Cộng đồng mạng đặt câu hỏi: tại sao một người nổi tiếng, luôn khẳng định mình là người am hiểu mỹ phẩm, từng khẳng định chất lượng sản phẩm do mình kinh doanh, nay lại phủi bỏ trách nhiệm? Hành động “đem con bỏ chợ” này không chỉ là thiếu trách nhiệm, mà còn là sự coi thường lòng tin và trí tuệ người tiêu dùng.

Vấn đề không dừng lại ở một cá nhân. Luật pháp hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội, nơi KOL hoạt động mạnh mẽ. Các nền tảng như TikTok, Facebook cũng chưa chịu trách nhiệm rõ ràng trong việc kiểm soát nội dung bán hàng. Đây là những kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng.

Không ít người nổi tiếng sau khi có vấn đề phát sinh với sản phẩm của mình vẫn livestream, vẫn bán hàng, vẫn chốt đơn như chưa từng gây tranh cãi. Đơn cử trường hợp Đoàn Di Băng, sau khi sản phẩm Hanayuki Shampoo (chai 300g) bị thu hồi và tiêu hủy vì vi phạm giới hạn vi sinh vật và chứa thành phần không có trong bản công bố tiêu chuẩn, cô lên tiếng giải thích và gỡ sản phẩm khỏi kệ hàng. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng vẫn tiếp tục như chưa từng xảy ra sự cố. Chỉ hơn một tuần sau, một sản phẩm khác do cô làm đại diện tiếp tục bị thu hồi vì không đúng chất lượng như quảng cáo. Dường như với họ, xin lỗi chỉ để xoa dịu dư luận, còn việc kiếm tiền từ lòng tin của cộng đồng thì vẫn không dừng lại.

Phạm Thoại bị cộng đồng phản ứng sau ồn ào kêu gọi từ thiện vơisoos tiền lớn
TikToker Phạm Thoại bị cộng đồng phản ứng sau ồn ào kêu gọi từ thiện với số tiền lớn

Không chỉ người tiêu dùng bị tổn thương, các doanh nghiệp làm ăn tử tế cũng chịu thiệt. Khi một KOL có thể bán hàng phá giá hoặc tung ra sản phẩm trôi nổi nhờ danh tiếng cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào chất lượng, kiểm định, hậu mãi… lại bị mất khách vì không “vui tai, bắt mắt” bằng người nổi tiếng.

Cạnh tranh lành mạnh bị phá vỡ. Hình ảnh của cả thị trường bị nhìn nhận sai lệch. Và điều nguy hiểm hơn, niềm tin của công chúng ngày càng giảm sút chỉ vì vài phút “giải trí” trên sóng live.

Những vụ việc gần đây cho thấy đã đến lúc cần một khung pháp lý nghiêm ngặt hơn cho hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Người nổi tiếng khi sử dụng uy tín cá nhân để bán hàng, nhất là trong lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp, phải chịu trách nhiệm pháp lý ngang với nhà sản xuất.

Hoạt động thương mại trực tuyến cần có một khung quản lý chặt chẽ hơn từ cấp giấy phép, truy xuất nguồn gốc đến quản lý thuế. Cùng lúc, các nền tảng mạng xã hội phải có công cụ phát hiện, xử lý hành vi gian dối, thay vì đứng ngoài cuộc như hiện nay.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, đừng để bị dẫn dắt bởi hình ảnh “lụa là” hay lời nói ngọt ngào. Đừng để lòng tin của mình bị lợi dụng bởi những người chỉ coi cộng đồng là nơi kiếm tiền. Đã đến lúc công chúng cần dứt khoát hơn, đừng dễ dàng bỏ qua sai phạm chỉ vì họ từng “đẹp, giỏi, hài hước”.

Thuận Đặng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI