Lao động di cư từ Nam Á bị đồng hương phân biệt đối xử trên đất khách

05/12/2021 - 06:19

PNO - Văn hóa phân biệt giai tầng xã hội đã ăn sâu ở Ấn Độ và một số quốc gia khác trong khu vực Nam Á trong nhiều thế kỷ, khiến cho những người thuộc đẳng cấp thấp từ những nơi này vẫn tiếp tục đối mặt với sự kỳ thị từ chính những người đồng hương thuộc đẳng cấp cao hơn, ngay đã khi đã di cư ra nước ngoài để làm việc và sinh sống.

Cách đây 8 năm, khi doanh nhân BK (tên viết tắt), 39 tuổi, nghe thấy một cặp vợ chồng tại một cửa hàng ở Adelaide, Úc, nói tiếng Ấn Độ bản địa của mình, anh đã nhiệt tình giới thiệu bản thân với họ.

Những phụ nữ thuộc đẳng cấp Dalit đang xếp hàng chờ khám bệnh ở Mumbai
Những phụ nữ thuộc tầng lớp Dalit đang xếp hàng chờ khám bệnh ở Mumbai

Nhưng nụ cười của người đàn ông kia đã nhanh chóng biến mất sau khi nhận ra xuất thân của BK thuộc một trong những nhóm thấp nhất trong hệ thống phân cấp xã hội nghiêm ngặt của Ấn Độ, thông qua tên họ của BK.

“Tôi rất sốc khi thấy những người Ấn Độ ở nước ngoài vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp những người thuộc tầng lớp thấp hơn”, BK bức xúc.

Ở Nam Á, địa vị xã hội của một người được xác định từ khi mới sinh ra do cấu trúc tôn giáo - xã hội đã tồn tại hàng thế kỷ. Theo đó, những người theo đạo Hindu từ các cộng đồng Bà la môn và Kshatriya chiếm những tầng lớp cao nhất, trong khi người Vaishya, Shudra và Dalit được coi là những tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Việc phân biệt đẳng cấp cũng phổ biến trong cộng đồng người Sikh, Hồi giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo ở khu vực này.

Theo văn hóa phân biệt đẳng cấp, những người khác giai cấp trong xã hội cũng không giao du hoặc kết hôn với nhau, và những người thuộc các giai cấp thấp hơn thường phải đối mặt với sự kỳ thị và áp bức kinh tế xã hội. Văn hóa này ăn sâu đến mức những người từ khu vực tiểu Ấn Độ khi di cư ra nước ngoài vẫn tiếp tục chịu nhiều định kiến ​​từ những người đồng hương thuộc đẳng cấp cao hơn.

Theo C Lakshmanan - phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Madras ở Chennai, trong những thập niên qua, nhiều người Nam Á có trình độ học vấn cao từ các tầng lớp thượng lưu bắt đầu chuyển sang làm việc hoặc kinh doanh ở các nước như Anh, Singapore, Malaysia và Mỹ. Những người từ các cộng đồng thuộc đẳng cấp thấp hơn cũng đổ về những nơi này, nhưng để làm các công việc lao động chân tay.

“Trong những năm gần đây, một số người Nam Á di cư thuộc tầng lớp thấp hơn này cũng đã có cơ hội tiếp với cận với giáo dục ở trình độ cao hơn, nhờ đó có được việc làm và điều kiện kinh tế tốt hơn, và thoát khỏi sự phân biệt đối xử ở quê nhà. Nhưng thật không may, họ lại tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt và chống đối của chính những người đồng hương thuộc tầng lớp thượng lưu ở nước ngoài”, ông Lakshmanan cho biết thêm.

Người Nam Á thuộc các tầng lớp thấp hơn cho biết thường phải chịu sự áp bức trong trường học, nơi làm việc, đền thờ và các cộng đồng xã hội từ những người cùng sắc tộc thuộc đẳng cấp cao hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Úc, Anh, Malaysia, New Zealand và Mỹ.

Việc những người từ các giai cấp khác nhau đến giao tiếp xã hội hoặc kết hôn không được chấp nhận
Việc những người từ các giai cấp khác nhau đến giao tiếp xã hội hoặc kết hôn không được chấp nhận

Theo một cuộc khảo sát do Equality Labs - một tổ chức hoạt động vì quyền bình đẳng của người dân - thực hiện, 25% người Dalit được phỏng vấn đã cho biết phải đối mặt với sự lạm dụng thể chất hoặc lời nói vì thuộc đẳng cấp thấp.

Theo số liệu năm 2003 của Đại học Pennsylvania (Mỹ), ước tính 90% trong số 2,84 triệu người gốc Ấn ở Mỹ là từ các tầng lớp thượng lưu, trong khi người Dalit chỉ chiếm 1,5% dân số nhập cư.

Trong một nghiên cứu năm 2018 về người Nepal nhập cư ở Úc, nhà nghiên cứu Mitra Pariyar cho biết Hiệp hội người Nepal theo đạo Hindu ở Úc đã không đào tạo hoặc tuyển dụng các mục sư thuộc đẳng cấp thấp hơn, trong khi những người Nepal thuộc đẳng cấp thấp hơn đã bị giới thượng lưu cùng sắc tộc ở hải ngoại từ chối cung cấp chỗ ở và việc làm.

Tại New Zealand, học giả Mohan J Dutta cho biết, có thể nhận ra sự phân biệt giai cấp trong cộng đồng người Ấn Độ thông qua các thông báo kết hôn, các cấu trúc đền thờ và các tổ chức cộng đồng.

Ở Mỹ, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự có thể vô tình tạo điều kiện cho việc phân biệt giai tầng trong cộng đồng những người Nam Á, khi tuyển dụng những người thuộc giai tầng cao trong những cộng đồng này vào các vị trí quản lý cấp cao, vì những người quản lý này sẽ không sẵn sàng tạo cơ hội việc làm cho những người đồng hương thuộc đẳng cấp thấp hơn.

Năm ngoái, Bộ Việc làm và nhà ở công bằng của bang California đã kiện một công ty đa quốc gia của Mỹ vì đã để cho 2 nhân sự người Nam Á tước bỏ các cơ hội nghề nghiệp và lợi ích tài chính của một đồng nghiệp thuộc đẳng cấp thấp hơn.

Trong những năm qua, một số cơ quan chính phủ trên thế giới cũng đã có nhiều nỗ lực chống lại sự phân biệt giai cấp trong cộng đồng người Nam Á, nhưng các nhà hoạt động cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện tình trạng này.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI