Lãnh đạo sở thích dân làm thuê?

01/06/2018 - 08:33

PNO - Thay vì muốn dân làm chủ, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi muốn dân làm thuê ngay chính trên quê hương mình, ở ngay chính công việc mà họ có thể tự làm chủ.

Theo đề án mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ngãi đang thí điểm cho doanh nghiệp triển khai, việc thí điểm sẽ chia làm hai giai đoạn: từ năm 2017-2020, sẽ có 160 xe bốn bánh động cơ xăng, diezel và xe điện; từ năm 2020-2025, sẽ có 90 xe động cơ xăng và xe điện.

Lanh dao so thich dan lam thue?
Xe điện phục vụ du lịch trên đảo Lý Sơn

Trong tổng số 250 xe, đảo Lớn (xã An Vĩnh và An Hải) sẽ được phân bổ 170 chiếc, còn đảo Bé (xã An Bình) sẽ được phân bổ 80 chiếc. Hai doanh nghiệp thực hiện đề án này là Công ty TNHH ô tô điện Đồi Vàng với 170 chiếc và Công ty Mai Linh Quảng Ngãi với 80 chiếc.

Theo đề án của Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2025, cùng với 108 chiếc xe hiện có của người dân, tổng phương tiện bốn bánh để chở khách ở đảo Lý Sơn sẽ gần 400 chiếc. Riêng đảo Bé có hơn 100 chiếc trên diện tích chỉ 1km2 và có tổng chiều dài chưa tới 3km.

Đề án này được Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi bật đèn xanh cho doanh nghiệp làm, chứ không phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của người dân địa phương nên nhanh chóng nhận được sự phản ứng, chính xác là phản đối, của người dân và lãnh đạo H.Lý Sơn. 

Bao nhiêu năm qua, khi du lịch phát triển, nhận thấy nhu cầu đi lại của du khách tăng cao, dân Lý Sơn đã vay mượn hàng trăm triệu đồng để sắm xe phục vụ du khách và hướng đi đó thật sự có hiệu quả, mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định. Đùng một cái, ngành GTVT tỉnh Quảng Ngãi vin cớ hoạt động của họ là tự phát, không bảo đảm an toàn, chưa đăng ký, chưa đăng kiểm, chưa lập hợp tác xã theo đúng quy định... để đưa doanh nghiệp ra thế chỗ của người dân địa phương.

Bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn - thật có lý khi lo ngại rằng, việc cho doanh nghiệp đưa thêm xe ra đảo sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây xung đột lợi ích với người dân địa phương.

Bởi số lượng xe hiện có đã đủ để phục vụ du khách và trong nhiều năm qua, lãnh đạo huyện này đã cố gắng kiểm soát, không cho phát triển thêm, để phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông trên đảo. Bà Hương cho rằng, thay vì để doanh nghiệp đưa xe ra, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi nên giúp dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, kỹ năng nghề nghiệp. 

Nhưng ông Đỗ Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi - vẫn “cố đấm ăn xôi” với phát biểu “đưa doanh nghiệp ra để giúp dân quản lý hoạt động vận tải, dân không có xe thì doanh nghiệp sẽ cung cấp, hoặc dân sẽ làm cho doanh nghiệp”. Có nghĩa, thay vì muốn dân làm chủ, ông Đạt muốn dân làm thuê, làm thuê ngay chính trên quê hương mình, ở ngay chính công việc mà họ có thể tự làm chủ.

Mà làm thuê, có nghĩa là không còn quyền tự chủ, thích thì doanh nghiệp cho làm, còn buồn thì sa thải với hàng tá lý do được liệt kê sẵn.

Chủ trương áp đặt này đang đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ xuyên suốt thời gian qua, là nhà nước không làm thay, cái gì doanh nghiệp, người dân làm được thì để họ tự làm, cái gì của thị trường thì trả về cho thị trường, nhà nước chỉ điều phối bằng chủ trương, chính sách.

Nếu lãnh đạo sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi thật lòng muốn giao thông ở H.Lý Sơn quy củ, bài bản thì trên cơ sở những phương tiện đang có tại đảo, sở nên xắn tay vào giúp địa phương sắp xếp lại hoạt động vận tải của dân: hướng dẫn phương thức hoạt động, quy mô, lộ trình, bến bãi; cùng ngành tài chính xác định giá cả để hoạt động thúc đẩy du lịch tại đây phát triển theo hướng văn minh, thân thiện, qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân.

Việc sở hăng hái ép dân khiến người ta không khỏi nghi ngờ về “động cơ” không trong sáng của sở. 

 Lê Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI