Làng vận động viên Olympic bỏ không, người vô gia cư muốn trú ẩn

18/04/2020 - 19:48

PNO - Nhóm đại diện người vô gia cư đang yêu cầu được dùng làng vận động viên dành cho Thế vận hội Tokyo 2020 làm nơi tá túc trong đại dịch COVID-19.

Một thỉnh cầu trực tuyến gửi đến Ban tổ chức Olympic Tokyo và chính quyền thành phố đã thu thập được hàng chục ngàn chữ ký nhằm cho phép biến khu nhà đồ sộ dọc Vịnh Tokyo làm nơi trú ẩn cho người vô gia cư trong bối cảnh virus corona tấn công toàn cầu.

Một người vô gia cư ăn bữa tối muộn trong “nhà” các-tông ở ga Shinjuku, Tokyo. Ảnh: AP
Một người vô gia cư ăn bữa tối muộn trong “nhà” các-tông ở ga Shinjuku, Tokyo - Ảnh: AP

Đây là “ngôi làng” thuộc Khu phức hợp Athletes Village, dùng làm nơi ăn ở cho khoảng 11.000 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympic.

Thế vận hội Mùa hè 2020 ban đầu dự kiến ​​sẽ diễn ra từ 24/7 đến 9/8 năm nay tại Tokyo, Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới 4 năm một lần đã phải dời lại vào tháng 7/2021.

Athletes Village gồm 24 tòa nhà, trong đó có các chung cư cao cấp có giá hơn 1 triệu USD/căn hộ - là một dự án liên doanh bất động sản gồm các nhà phát triển cỡ bự và chính quyền thành phố Tokyo. Đến nay, khu phức hợp gần như đã hoàn tất và trở nên “trống rỗng” vì Olympic không được khai mạc. Theo kế hoạch, một phần đơn vị nhà ở sẽ được bán sau khi Thế vận hội kết thúc.

Người vô gia cư ngủ trên sàn bê-tông ở ga Shinjuku, Tokyo. Ảnh: AP
Người vô gia cư ngủ trên sàn bê-tông ở ga Shinjuku, Tokyo - Ảnh: AP

“Chúng ta không biết cuộc khủng hoảng dịch bệnh kéo theo sự suy thoái này sẽ kéo dài bao lâu nữa. Vì vậy phải thay đổi cách nghĩ, bao gồm cách chúng ta đối phó với vấn đề nhà ở và cách chúng ta trợ giúp cho những người có nhu cầu đó”, Ren Ohqueri - Chủ tịch Trung tâm hỗ trợ cuộc sống độc lập Moyai - nói.

Hiện các nhà tổ chức Thế vận hội đã từ chối bình luận, tương tự, chính quyền Tokyo cũng không đưa ra bình luận gì, với lý do không rõ khi nào kiến ​​nghị online nói trên sẽ được đệ trình.

Được biết, bản kiến ​​nghị có đoạn viết: “Nếu sự bùng phát dịch bệnh tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, nhiều người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói hoặc mất nhà cửa”.

Ở Tokyo, có khoảng 1.000 người sống lang thang trên đường phố. Theo một thống kê của chính quyền thành phố, ước tính còn có thêm 4.000 người khác “thường trú” ở tại các quán cà phê mạng và cũng đang trong tình trạng mất chỗ ngụ cư do COVID-19. Nhiều quán cà phê mạng đã phải đóng cửa theo lệnh cách ly xã hội.

Chính quyền thành phố đã chuẩn bị khoảng 500 phòng tại các khách sạn cho những người không còn có thể ngủ ở các quán cà phê mạng trước đây. Nếu nhu cầu tăng lên nữa, thành phố cũng sẵn sàng tiếp ứng.

Theo các chuyên gia, cộng đồng vô gia cư có thể là nguy cơ cao nhất và làm trầm trọng thêm sự lây lan của đại dịch vì khả năng thực hành cách ly xã hội rất kém.

Một bảo vệ đứng trước các tòa nhà tại làng vận động viên dành cho Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: AP
Một bảo vệ đứng trước các tòa nhà tại làng vận động viên dành cho Thế vận hội Tokyo 2020 - Ảnh: AP

Mặc dù Tokyo có vẻ ngăn nắp và thịnh vượng, nhưng như đã nêu, thành phố này có một lớp người vô gia cư. Chúng ta có thể trông thấy họ dọc theo các con sông, dưới đường ray xe lửa, trong công viên.

Gần 16% người dân Nhật Bản sống dưới mức nghèo với thu nhập hàng năm chưa tới 1,2 triệu yên (tương đương 11.000 USD), theo thống kê năm 2017 của chính phủ. Tỷ lệ nghèo của các hộ gia đình đơn thân có trẻ em cao hơn ở mức 51%.

Tình trạng vô gia cư ở Nhật được giải thích do tâm lý không an toàn trong công việc đã khiến nhiều người dân nước này dễ bị tổn thương trước những thất bại, họ tìm đến cuộc sống lang thang.

Trong đại dịch COVID-19, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 9.000 trường hợp dương tính với virus, khoảng 200 ca tử vong - theo con số của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Các báo cáo của Tokyo về các trường hợp mắc bệnh đã tăng lên hơn 100 ca/ngày trong những tuần gần đây. Sự lo lắng cận kề là các bệnh viện đang thiếu giường.

Ban đầu, Nhật Bản chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp ở trung tâm Tokyo và sáu khu đô thị khác. Tuần này, tình trạng này đã được mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Trước đây, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã từng đề cập đến việc sử dụng khu phức hợp thể thao Olympic làm khu cách ly hoặc chăm sóc bệnh nhân chưa cần nhập viện. Nhưng thành phố đã tìm giải pháp khác bằng cách thuê lại các khách sạn hoặc bảo đảm nơi lưu trú khác cho đối tượng cần cách ly, chẳng hạn như nhà tiền chế…

Quốc Ngọc (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI