Làng trống hơn 170 tuổi giữ nghề từ miếng da trâu

12/02/2021 - 12:34

PNO - Một chiếc trống có âm thanh bắt tai phụ thuộc nhiều vào chất lượng và kỹ thuật căng, bịt đầu trống bằng da trâu. Thợ làm trống ở làng Bình An đều am hiểu bí quyết này nhưng người có tâm mới có thể giữ nghề trong sáng.

Giữ nghề bằng miếng da trâu

Từ tháng Chạp, làng trống tại ấp Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vào mùa nhộn nhịp. Mùa này, nhà nào cũng tranh thủ nắng đẹp phơi da trâu dự trữ. Dưới cái nắng giòn tan, những miếng da trâu trở nên căng bóng, khô cứng.

Da trâu được phơi dưới nắng xuân, chất lượng mới đảm bảo làm ra một chiếc trống có thanh âm trầm bổng
Da trâu được phơi dưới nắng xuân, chất lượng mới đảm bảo làm ra một chiếc trống có thanh âm trầm bổng

Trở miếng da trâu, ông Nguyễn Văn An - 42 tuổi, là truyền nhân của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Mến - chia sẻ: “Chất lượng miếng da trâu bịt đầu trống phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Nếu mua da về mà gặp trời mưa thì coi như bỏ, chỉ có nắng đẹp mới có thể thuộc da. Da trâu phơi nắng tự nhiên mới rút nước từ từ. Nếu đem đi sấy, da bị khô quá nhanh sẽ giòn, không thể căng mặt trống”.

Việc căng phơi da trâu để làm mặt trống cũng trải qua nhiều thời gian và công đoạn
Việc căng phơi da trâu để làm mặt trống cũng trải qua nhiều thời gian và công đoạn

Do đó, từ tháng Giêng bước qua tháng 3 âm lịch, bà con làng trống đã phải mua da, dự trữ sẵn hơn 100 bộ để làm trong năm.

Ông An tiết lộ, da trâu mua xong phơi khoảng một tuần hoặc 10 ngày thì có thể cuốn lại, đem vào nơi khô ráo cất trữ. Một bộ da trâu chỉ dùng được phần da lưng để làm trống.

Tuy nhiều kinh nghiệm nhưng lắm lúc, ông An cũng mua nhầm và chịu lỗ khi mua trúng da của con trâu bị thương hoặc người thợ giết mổ khoét đứt da.

Học làm trống từ năm 7 tuổi, ông An lĩnh hội đầy đủ những bí thuật lưu truyền, qua sự chỉ dạy của ông nội. Tuy nhiên, bài học được nhắc nhở nhiều nhất vẫn là cái tâm của người thợ làm trống.

Các công đoạn làm trống phụ thuộc nhiều vào nắng đẹp. Do đó, mùa xuân là mùa hối hả của làng trống Bình An
Các công đoạn làm trống phụ thuộc nhiều vào nắng đẹp. Do đó, mùa xuân là mùa hối hả của làng trống Bình An

Để "săn" được miếng da trâu đạt chuẩn, ông phải lặn lội tìm khắp các lò mổ ở Long An và TPHCM. “Muốn làm một chiếc trống tốt thì phải tìm cho được da trâu màu đen, có nổi đồi mồi của những con trâu cái. Loại da này sẽ cho ra âm thanh rất tuyệt vời”, ông An tiết lộ.

Thân trống làm bằng những lóng gỗ hoặc gỗ ghép được phơi khô dưới nắng
Thân trống làm bằng những lóng gỗ hoặc gỗ ghép được phơi khô dưới nắng

Đặc biệt, theo ông An, da trâu để làm trống phải được lấy từ những con trâu ăn cỏ, nuôi theo cách tự nhiên, chăn thả trên đồng. Da của những con trâu được nuôi lấy thịt thường không đáp ứng được chất lượng cần thiết. 

Ông An nói: “Bằng mắt thường, mọi người khó phân biệt được miếng da trâu tốt hay xấu nhưng người thợ làm trống thì biết rất rõ. Người thợ có tâm sẽ cố tìm cho bằng được miếng da ưng ý, còn người hời hợt sẽ chọn bừa, cho ra những chiếc trống “hàng chợ” không độc đáo”.

Từ chiếc trống đơn sơ ban đầu, trống mang thương hiệu Bình An dần tạo được tiếng vang và có chỗ đứng vững chắc.

Những chiếc trống hoàn chỉnh có bề ngoài hấp dẫn và âm thanh bắt tai, trầm bổng đạt yêu cầu
Những chiếc trống hoàn chỉnh có bề ngoài hấp dẫn và âm thanh bắt tai, trầm bổng đạt yêu cầu

“Thuở sơ khởi, ông sơ của tôi chỉ lấy da trâu đóng nọc phơi dưới đất, căng thành trống chầu. Sau đó, ông tiếp tục cải tiến lấy da bịt 2 đầu thân tre để làm trống. Thế nhưng, mưa nắng, thân tre cũng nứt nẻ, cong vênh nên chuyển sang dùng ống sắt. Đến đời ông cố tôi, chiếc trống dần được cải tiến nhiều hơn, rõ nét hơn. Tới đời ông nội tôi, trống của làng Bình An hoàn thiện về âm sắc lẫn vẻ ngoài”, ông An chia sẻ.

Hiện tại, làng nghề Bình An chỉ còn hơn 10 hộ làm trống với 3 nghệ nhân và khoảng 6-7 thợ giỏi. Trong đó, ông Nguyễn Văn Mến, cha của ông An được công nhận là nghệ nhân ưu tú, có nhiều đóng góp cho danh tiếng làng trống Bình An. Ông An là thợ giỏi, có sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực.

Nghỉ 2-3 ngày tết, rồi lại vào mùa

Người ở làng trống Bình An khẳng định, chỉ người thợ giỏi nghề mới sống ấm no bằng nghề làm trống. Tay nghề vững chắc mới làm được những chiếc trống thủ công, có giá trị cao. Thợ có tay nghề yếu chỉ làm được trống “hàng chợ”, giá bán bấp bênh.

Những lóng gỗ to được dự trữ để làm trống có kích thước lớn
Những lóng gỗ to được dự trữ để làm trống có kích thước lớn

“Nghề này cực lắm, phải thực sự đam mê mới đạt được thành công. Cứ thử tưởng tượng, những chiếc trống làm từ khúc gỗ có đường kính rộng 4-5 người ôm thì mất biết bao thời gian, công sức và sẽ rất nhàm chán với người không yêu nghề. Một khúc gỗ lớn như thế phải căn mực, khoét rỗng bên trong bằng cách đục từ tháng này sang tháng nọ. Làm trống nhỏ thì khoảng tuần lễ, 10 ngày, trống lớn thì vài tháng… trống từ lóng gỗ lớn thì phải làm trên dưới 1-2 năm”, ông An cho biết.

Năm nào, chiều 30 hoặc mùng 1 Tết, thợ làm trống mới được nghỉ dăm bữa. Mùng 4 nhiều cơ sở đã khai trương, làm việc trở lại. “Gần tết, nhiều khách hàng mới đặt làm trống lân, trống chầu… mình buộc lòng phải chiều khách. Với lại, bước qua Rằm tháng Giêng có nhiều lễ hội, công việc làm trống vào mùa nên chúng tôi làm sớm”, ông An lý giải.

Làm trống lớn, người thợ phải mất từ 1-2 năm. Từ lóng gỗ to, thợ phải đục đẽo từng chút một từ ngày này qua ngày khác
Làm trống lớn, người thợ phải mất từ 1-2 năm. Từ lóng gỗ to, thợ phải đục đẽo từng chút một từ ngày này qua ngày khác

Ông An cũng rất tự tin khi khẳng định, nghề làm trống không thể mai một, bởi lễ hội vẫn còn. Ông chỉ sợ người thợ làm nghề không đủ khéo léo, tài hoa và thiếu đam mê.

“Trống làng Bình An tốt đến độ, đời của tôi vẫn nhận được đơn hàng bịt lại trống do ông nội tôi làm cách đây cả trăm năm. Nó chỉ mòn da thôi chứ phần thân trống bằng gỗ vẫn còn nguyên. Trước đây, ông nội tôi đều đóng dấu mộc vào sản phẩm nên tôi nhìn sơ đã nhận ra”, ông An tự hào.

Để tồn tại hơn 170 năm, làng trống Bình An luôn đặt chữ tâm và tín lên hàng đầu. Nhiều đơn đặt hàng “quái gở” yêu cầu người thợ làm trống cho mình tốt hơn đối thủ, nhất là các đoàn múa lân.

Người phụ nữ này đang đóng, bịt mặt trống bằng chốt tre
Người phụ nữ này đang đóng, bịt mặt trống bằng chốt tre

“Làm hư một chiếc trống dễ hơn tạo ra những chiếc trống có chất lượng đồng đều nhưng tôi vẫn chọn cái khó để thực hiện. Tôi luôn làm trống cho tất cả các mối hàng với chất lượng duy nhất, không có sự chênh lệch”, ông An bày tỏ.

Những chốt tre nhỏ được làm tỉ mỉ, phải mất hàng tháng trời mới chẻ được một thau
Những chốt tre nhỏ được làm tỉ mỉ, phải mất hàng tháng trời mới chẻ được một thau

Cầm nắm đinh chốt bằng tre, ông An khẳng định thêm lần nữa về độ tỉ mỉ của làng nghề: “Chốt tre đóng vô thân trống thì vài chục năm đến cả trăm năm thân trống không hỏng, nếu đóng bằng đinh sắt thì chỉ vài năm sẽ rỉ sét, thân trống mục, hư hại. Để có chốt làm trống, chúng tôi phải mua tre về cắt khúc, chẻ nhỏ, chuốt nhọn ngắn từ 1-2 phân. Nhiều đêm, cả vùng chìm vào giấc ngủ, chúng tôi còn ngồi gõ lóc cóc đến 1-2g sáng”.

Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI