Lắng nghe tiếng nói của phụ nữ

30/06/2023 - 06:25

PNO - Hôm nay (30/6), lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ hội LHPN các cấp năm 2023.

 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho trẻ em mồ côi
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho trẻ em mồ côi

Trong năm, cấp ủy các cấp và hội phụ nữ vẫn thường xuyên có những buổi gặp gỡ, đối thoại, qua đó kịp thời lắng nghe, giải quyết nhiều kiến nghị của chị em về nhiều vấn đề, như bình đẳng giới, an sinh xã hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh… Tuy vậy, vẫn rất cần những hội nghị ở tầm cao hơn như thế này, để tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe, xem xét ở góc độ vĩ mô, toàn diện hơn.

Cùng với sự năng động của đô thị lớn nhất cả nước, Hội LHPN TPHCM cũng ghi dấu ấn với nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng bước con em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đến trường, chăm lo phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con, bảo trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19… Đặc biệt là “Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng” được tổ chức từ năm 2009 và duy trì cho đến nay đã tạo được sự lan tỏa cao trong cộng đồng xã hội và phát huy tiềm năng của phụ nữ các giới, động viên chị em tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động xã hội.

Các chương trình, mô hình cho thấy sự nỗ lực của tổ chức hội trong việc chăm lo cho phụ nữ, cho cộng đồng, thể hiện vai trò của lãnh đạo nữ trong các tổ chức, đoàn thể. Tiếng nói, hành động, cách hoạch định chính sách của phụ nữ thường gắn với góc nhìn nhân văn, thấu đáo về an sinh xã hội. Do đó, cùng với chiến lược bình đẳng giới cấp quốc gia, TPHCM có nhiều chính sách đẩy mạnh công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới trong tình hình mới.

Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn một số địa phương, sở, ngành chưa có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, như Sở Y tế, Thanh tra thành phố… Mới đây, sau thời gian dài thiếu hụt nhân sự chủ chốt là nữ, Sở GD-ĐT TPHCM đã kịp thời bổ sung một nữ phó giám đốc sở. Điều này không chỉ hoàn thiện bộ máy điều hành mà còn giúp quá trình quản lý, xây dựng các chính sách cho giáo dục được toàn diện hơn khi có cái nhìn ở góc độ giới.

Phụ nữ TPHCM là một nửa quan trọng của thành phố. Do đó, gắn với quá trình triển khai Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội thông qua, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục chú trọng chính sách đặc thù đối với phụ nữ và trẻ em. 

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đã đưa ra một số đề xuất từ góc nhìn giới nằm trong cơ chế đặc thù của TPHCM. Đó là cần đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, tư vấn hôn nhân gia đình, an toàn của phụ nữ trong không gian công cộng. Đặc biệt, có chính sách riêng hỗ trợ phụ nữ khi sinh con nhằm góp phần khắc phục tình trạng già hóa dân số, trong bối cảnh mức sinh thay thế của TPHCM đang rất thấp.

Quá trình vươn vai trong “chiếc áo” cơ chế đặc thù mới cần gắn với chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ để TPHCM không chỉ là đầu tàu phát triển về kinh tế, xã hội mà còn trở thành hình mẫu thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới với tỉ lệ phụ nữ tham chính, phụ nữ tham gia điều hành trong các tập đoàn, doanh nghiệp, tỉ lệ lao động nữ được đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm… ở mức cao.

Buổi đối thoại ngày 30/6 được kỳ vọng là dịp để các tầng lớp phụ nữ trải lòng, bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến lãnh đạo thành phố những nội dung cần thiết nhằm nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình, của phụ nữ, trẻ em, phát huy hiệu quả vai trò của phụ nữ vào sự phát triển chung của TPHCM và của đất nước.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI