Làm gì để bảo vệ sức khỏe khi thời tiết sáng lạnh, trưa nóng?

14/03/2023 - 06:22

PNO - Những ngày này, nhiệt độ giữa sáng và trưa có sự chênh lệch cao. Điều này có thể làm gia tăng nhiễm trùng hô hấp, sốc nhiệt, hen suyễn, dị ứng, rối loạn giấc ngủ, các bệnh lý liên quan đột quỵ não, nhồi máu cơ tim và tăng huyết áp…

Do vậy, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay rất quan trọng. Dưới đây là những cách chăm sóc sức khỏe đơn giản:

- Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể phù hợp với nhiệt độ thời tiết: Vào sáng sớm hoặc chiều tối khi nhiệt độ thấp, mọi người nên giữ ấm cho cơ thể với những chiếc áo khoác phù hợp, mang khẩu trang khi di chuyển chỗ đông người và lưu thông không khí kém. Khi trời ấm lên, có nắng vào sáng muộn và trưa, có thể thay đổi quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi. 

- Vệ sinh nhà cửa và phòng làm việc thường xuyên, tắt và mở máy lạnh phù hợp, mở cửa sổ phòng và vệ sinh máy lạnh định kỳ giúp không khí lưu thông để tránh sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc gây bệnh. 

- Không nên tập thể dục quá sớm, không tắm khuya: Đối với người lớn hoặc người cao tuổi có thói quen tập thể dục, không nên tập luyện quá sớm khi trời bên ngoài còn lạnh. Có thể chuyển sang tập các bài tập trong nhà như yoga, chạy tại chỗ, bài tập nhịp điệu… Đặc biệt, không nên tắm khuya vì ban đêm nhiệt độ thấp, khi tắm cơ thể dễ bị nhiễm lạnh có thể gây đau đầu, sổ mũi, ho, hoặc có thể đột quỵ dẫn đến tử vong…

- Uống đủ nước, chia đều lượng nước trong ngày giúp cho các vi lông mao ở mũi và đường hô hấp hoạt động tốt, phòng các bệnh hô hấp, tăng cường sức khỏe. Tùy vào nhu cầu, cân nặng, độ tuổi và bệnh nền, bổ sung trung bình từ 1,5-2,0 lít nước/ngày.

- Duy trì các thói quen tốt, lối sống khoa học như ngủ đúng giờ, hạn chế thức khuya hơn 23g, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái… 

- Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, chú ý bổ sung canh, xúp, các loại thực phẩm giàu vitamin D, A, C, kẽm, magie như các loại hạt, rau xanh, các loại đậu, trái cây, cá, trứng, sữa… Hạn chế tối đa đồ ăn dầu mỡ, chiên xào, nhiều đường, các loại đồ uống có chất kích thích, rượu bia. 

Vào những ngày nắng nóng, nhiều người hay uống nước mát để giải nhiệt. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước mát vì thành phần gồm các vị thuốc gây lợi tiểu như râu bắp, mía lau, mã đề… sẽ dẫn đến cơ thể nhanh khô khát hơn. Thay vào đó, có thể sử dụng các loại nước thanh nhiệt lương huyết như nước hoa cúc, đậu đen, bí đao, sắn dây… Khi sử dụng cần theo cơ địa. Nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội, giữ trong bình chứa sạch sẽ là nguồn nước quan trọng nhất cho cơ thể.

- Chủng ngừa vắc xin cúm, phế cầu, COVID-19… nhất là trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền là biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe trước các bệnh lý truyền nhiễm. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn

Phó trưởng khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI