Kỹ thuật mới: Xạ trị điều biến liều trong điều trị ung thư

16/08/2016 - 12:49

PNO - Kỹ thuật xạ trị điều biến liều để điều trị bệnh ung thư, vừa được triển khai thành công ở Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM.

TS-BS Đặng Quốc Huy Thịnh, PGĐ BV Ung Bướu, cho biết, trước mỗi đợt xạ trị, bệnh nhân ung thư thườ ng lo lắng vì phải đối diện với tác dụng phụ như bị khô miệng, mệt mỏi, chán ăn… khiến tinh thần, sức khỏe dễ giảm sút. Hiện nay, ở hầu hết các BV, phương pháp xạ trị được áp dụng vẫn là kỹ thuật cổ điển (2D, 3D theo hình dạng khối u). Kỹ thuật này có ưu điểm là tiến hành đơn giản, chi phí thấp, nhưng có nhiều tác dụng phụ nặng nề cho người bệnh là chùm tia phóng xạ ảnh hưởng lên cả các mô lành xung quanh khối u. Đồng thời kỹ thuật này không có khả năng nâng liều cao do liều chiếu của thể tích điều trị và mô lành xung quanh gần như tương đương nhau. Tác dụng phụ rõ nhất là ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, làm bệnh nhân bị khô miệng, hư răng, sâu răng, thậm chí có thể hư xương hàm, gây khó khăn trong ăn uống, không cảm nhận được vị giác…

Trong khi đó, kỹ thuật xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy - IMRT) khắc phục tất cả nhược điểm của xạ trị cổ điển. BS Thịnh giải thích: “Kỹ thuật xạ trị mới này rất đặc biệt, khối u với kích thước, hình dáng thế nào thì tia xạ chỉ tập trung vào hình dáng, kích thước đó. Ví dụ khối u hình quả lê thì trình chiếu đúng theo hình đó, không lan ra bên ngoài. Còn kỹ thuật cũ, tia chiếu theo hình chữ nhật nên dù khối u nhỏ cũng bị chiếu trùm lên nên những mô lành cũng bị ảnh hưởng. Ưu điểm khác là kỹ thuật này cho phép nâng cao liều điều trị, giúp tăng khả năng tiêu diệt, cũng như kiểm soát khối u hiệu quả và giảm rõ rệt tác dụng phụ của xạ trị”.

Ky thuat moi: Xa tri dieu bien lieu trong dieu tri ung thu
Một bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều

Với những ưu điểm này, kỹ thuật xạ trị điều biến liều đặc biệt phù hợp, hữu ích với bệnh nhân bị ung thư não, ung thư vùng đầu cổ, ung thư lồng ngực, vùng chậu…- nơi có nhiều cơ quan quan trọng dễ bị ảnh hưởng trong quá trình xạ trị. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thiết bị và kỹ thuật cao nên mỗi một lần xạ trị, BS và kỹ sư vật lý phải hội chẩn xác định phác đồ điều trị chi tiết như số lượng trường chiếu, góc chiếu, phân liều, tối ưu hóa liều lượng, thực hiện kiểm tra, kế hoạch điều trị trước khi xạ... Vì vậy, trung bình mỗi ngày, BV chỉ xạ trị điều biến liều khoảng 15 ca, còn phương pháp xạ cũ đến hơn 400 ca/ngày.

BS Thịnh cho biết thêm, sắp tới, BV Ung Bướu sẽ áp dụng kỹ thuật hiện đại hơn là xạ trị điều biến liều dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT). Sau mỗi lần xạ trị, hình ảnh sẽ cho thấy nếu kích thước khối bướu nhỏ đi thì sẽ được thay đổi trường chiếu thích hợp (hiện nay liệu trình xạ trị đầu tiên và cuối cùng bằng nhau). BS Thịnh nói: “Nhìn bệnh nhân khỏe hơn, ít bị tác dụng phụ khi điều trị, chúng tôi rất vui. Đó là động lực để BV quyết tâm ứng dụng nhiều kỹ thuật mới hơn nữa”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI