Kinh tế Đông Nam Á sẽ "thăng hoa" trong năm 2022

10/04/2022 - 18:52

PNO - Theo nhận định từ giới chuyên gia kinh tế, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2022.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Eric Chin thuộc tập đoàn tư vấn tài chính InCorp Global - có trụ sở tại Singapore - vừa đưa ra một số căn cứ để chứng minh cho nhận định: Năm 2022 sẽ là thời cơ vàng để các quốc gia Đông Nam Á tăng trưởng nhiều mặt.

Du lịch đang trên đà phục hồi

Các nước Đông Nam Á đang chứng kiến sự phục hồi đầy khả quan của ngành du lịch - Ảnh: Getty Images
Ngành du lịch tại các nước Đông Nam Á đang phục hồi đầy khả quan - Ảnh: Getty Images

Du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Sau gần 2 năm “chết lâm sàng” do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, giờ đây, ngành “công nghiệp không khói” đang có dấu hiệu phục hồi đầy khả quan khi tại hầu hết các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 tăng lên đáng kể.

Khi đám mây đen u ám của dịch bệnh dần tan thì những nỗ lực để đảm bảo an ninh du lịch cũng được khẩn trương thực hiện. Nhờ vậy, số lượng khách du lịch không ngừng tăng lên ở nhiều nơi.

Chẳng hạn như Thái Lan, vào tháng 10/2021, nước này đón 20.000 du khách, chỉ 1 tháng sau đó đã tăng lên 91.000. So với con số 3 triệu khách du lịch trong một tháng trước khi xảy ra đại dịch thì con số trên vẫn quá khiêm tốn, thế nhưng, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi sau cơn “bạo bệnh”.

Du lịch luôn là ngành mũi nhọn hái ra tiền của các nước Đông Nam Á. Và với sự phục hồi theo hướng chậm mà chắc như hiện nay thì 400 tỷ USD lợi nhuận thu được từ du lịch sẽ không còn là con số viển vông, chưa kể nó còn là động lực để giúp nền kinh tế toàn khu vực tiếp tục đạt được đà phục hồi theo kế hoạch.

Khu vực kinh tế tư nhân đang “hồi sinh”

Giờ đây, chính phủ các nước Đông Nam Á không còn dựa vào biện pháp phong tỏa cực đoan để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, khi mà mức độ bao phủ vắc xin đã tăng lên đáng kể. Chính điều này đã tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân lấy lại được toàn bộ năng lực hoạt động nội tại của mình mà không bị hạn chế bởi tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thiếu hụt nguồn cung sản phẩm cũng như lực lượng lao động.

Đây cũng là tin tốt cho người tiêu dùng khi có cơ hội tiếp cận hàng hóa dịch vụ một cách thuận lợi hơn.

Chuỗi cung ứng được khôi phục

Các dây chuyền sản xuất đang dần hoạt động trở lại với quy mô lớn - Ảnh: ADB
Các dây chuyền sản xuất đang dần hoạt động trở lại với quy mô lớn - Ảnh: ADB

Chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất ở khu vực tư nhân được cải thiện đã giúp giải quyết nhu cầu giao thương bị dồn nén trong suốt gần 2 năm qua. Nhờ vậy, năng lực xuất khẩu hàng hóa từ Đông Nam Á đến các nền kinh tế phát triển nhưng đang thiếu hụt hàng hóa dịch vụ cũng sẽ sớm “bùng nổ” trong thời gian sắp tới.

Đây là chỉ số tích cực cho tình hình sức khỏe của các nền kinh tế Đông Nam Á trong tương lai gần.

Nhu cầu năng lượng gia tăng

Khi các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục phát triển thì nhu cầu về năng lượng cũng theo đó có sự gia tăng tương ứng.

Đây là tin tốt lành cho các nhà sản xuất năng lượng khi mà nhu cầu năng lượng, trong đó có năng lượng sạch, của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2040.

Nguyễn Thuận (theo Entrepreneur)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI