Kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên: Biết "tử thần", vẫn giỡn mặt

08/08/2016 - 12:39

PNO - Đã có nhiều vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra do bất cẩn trong quá trình bảo quản, vận chuyển axít, nhưng nhiều người vẫn ung dung "làm bạn" với "tử thần".

Kinh doanh hoa chat o cho Kim Bien: Biet
Một người đàn ông chuyên chở chất giống axít bằng xe máy từ cửa hàng Minh Trường đi ra

Một thanh niên bất cẩn làm rơi can axít khiến năm người bị bỏng nặng, nhập viện cấp cứu. Đã có nhiều vụ việc tương tự gây ra tai nạn thương tâm do bất cẩn trong quá trình bảo quản, vận chuyển axít, nhưng nhiều người vẫn ung dung "làm bạn" với "tử thần".

"Mua bán ào ào, có sao đâu?"

Nhiều người vẫn xem nhẹ các quy định an toàn về bảo quản, buôn bán, vận chuyển các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là axít. Sáng 7/8, chúng tôi có mặt tại đường Vạn Tượng (Q.5, TP.HCM) nơi xảy ra vụ tai nạn rơi axít một ngày trước đó. Tại các cửa hàng bán hóa chất ở đây, cảnh mua bán vẫn diễn ra tấp nập, hàng chục xe máy nối đuôi nhau chở hàng trăm can hóa chất lớn nhỏ từ “chợ thần chết” tỏa đi khắp nơi.

Khoảng 10g sáng cùng ngày, ngay trước cửa hàng hóa chất Minh Trường trên đường này, chúng tôi thấy một người đàn ông mua ba can hóa chất giống axít, bê từ trong nhà ra xe máy. Người này đặt hai can phía sau, một can phía trước xe rồi phó ng đi. Đường Vạn Tượng có một số đoạn đang thi công, rào chắn nên rất hẹp, người đàn ông chở axít phải chạy luồn lách. Không khỏi ớn lạnh nếu người ta biết trên xe là những can hóa chất lắc lư như muốn rớt xuống đường. Trước đó, một phụ nữ bán hàng nhắc: “Ông cột cho cẩn thận chứ để can axít phía sau nó rớt xuống đường làm phỏng người ta như hôm qua thì lại phiền ra”. Người đàn ông cười: “Không sao đâu, ngày nào tôi cũng chở hàng về tận Q.8 nên quen rồi, yên xe chắc chắn vậy rớt làm sao được”.

Không chỉ người mua hàng, mà nhân viên của các cửa hàng bán hóa chất cũng tỏ ra rất bất cẩn với axít. Tại cửa hàng hóa chất K.L. trong chợ Kim Biên, chúng tôi bắt gặp một nam nhân viên khoảng 30 tuổi đặt một can nhựa đựng đầy axít lên sườn chiếc xe máy cà tàng rồi phóng đi với tốc độ cao đến cửa hàng khác. Nam thanh niên này cho hay: “Đây là axít pha loãng nên mới dám vận chuyển bằng cách này. Axít loãng dính vào người cùng lắm chỉ hơi ngứa da thôi chứ không gây bỏng như axít đặc. Hôm nào tôi chẳng bị dính axít vào người. Nhưng chỉ hơi ngứa, rát một tý là hết thôi chứ có bị phỏng da đâu mà sợ”.

Chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán hóa chất trên đường Phan Văn Khỏe (cạnh chợ hóa chất Kim Biên) để hỏi mua axít clohydric về tẩy rửa, vệ sinh nhà. Người phụ nữ chủ cửa hàng nhanh chóng cho người chiết axít ra một can nhựa nhỏ năm lít. Chúng tôi hỏi về độ an toàn khi vận chuyển axít bằng can nhựa mỏng, người bán hàng nói: “Ở đây nếu mua nguyên một can 30 lít thì mới có can nhựa loại chuyên chứa axít. Còn mua lẻ thì phải chiết ra can này bán thôi. Ở đây người ta vẫn mua axít rồi chở về ào ào chứ có sao đâu”.

Kinh doanh hoa chat o cho Kim Bien: Biet
Nhiều can hóa chất độc có ký hiệu là axít HCL loãng được vận chuyển rất tùy tiện

San chiết như nước lã

Chuyện tai nạn do hóa chất gây ra không phải hiếm gặp trong những năm qua tại một số cửa hàng bán hóa chất quanh chợ Kim Biên. Có nhiều người bị thương tật vĩnh viễn do bất cẩn khi tiếp xúc với axít. Bà Lâm Thị Đào (người dân sống gần chợ Kim Biên) cho biết: “Nhà tôi ngay bên cạnh cửa hàng bán hóa chất nên mỗi lần họ chuyển axít về san chiết là cả gia đình tôi phải đóng chặt cửa và bịt khẩu trang trong nhiều giờ liền. Trong lúc san chiết axít, họ thường làm đổ ra bên ngoài bốc khói nồng nặc làm ai cũng thấy ngạt thở”.

Theo bà Đào, hầu hết cửa hàng kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên sử dụng phương pháp thủ công để chiết axít từ can nhựa này sang can nhựa khác. Chỉ cần công nhân bất cẩn, axít sẽ văng lên người hoặc chảy ra ngoài. “Cách đây vài năm có một người làm thuê ở cửa hàng bên cạnh trong lúc san chiết bị axít đổ lên chân gây phỏng nặng. Nghe nói cậu ta phải mất vài chục triệu đồng để phẫu thuật ghép da cả bàn chân… Vậy mà người ta đâu có sợ. Hàng ngày họ vẫn ngang nhiên bày axít và mấy loại hóa chất độc hại ngay trước cửa hàng khiến tôi thấy ớn lạnh”, bà Đào chia sẻ.

Không chỉ ở nơi kinh doanh axít, mà thực tế, việc bảo quản axít ở các gia đình cũng chưa được coi trọng đúng mức. Ngày 7/8, chúng tôi đến một cửa hàng chuyên thay bình ắc-quy trên đường Hùng Vương (Q.5) để châm thêm axít vào bình xe máy. Một người đàn ông tìm trong gầm tủ lấy ra một chai nhựa đựng axít để châm vào bình xe cho chúng tôi. Chủ tiệm sửa xe cho biết, ông thường mua axít về sau đó chiết ra chai nước ngọt nhỏ để đổ vào bình ắc-quy được thuận tiện. Đây cũng là cách làm của nhiều chủ tiệm sửa xe trên địa bàn thành phố.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận bé H.H. (ba tuổi, ngụ Bình Dương) bị tổn thương hô hấp, tổn thương thực quản do uống nhầm axít. Gia đình cháu H. mua axít về đựng trong một chai nước khoáng để dành châm vào bình ắc-quy. Bé H. đi chơi về khát nước, thấy chai axít để dưới tủ tưởng là nước nên lấy uống. Tuy gia đình đã nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu, nhưng những di chứng về sức khỏe do axít để lại là rất nặng nề.

TS Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ hóa học - Viện Khoa học công nghệ Việt Nam nhận định: “Thực tế hiện nay việc quản lý hóa chất, trong đó có axít còn rất lộn xộn, chợ hóa chất bán tràn lan các loại hóa chất độc hại. Lẽ ra điều này phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ đầu. Theo tôi, Cục Hóa chất và các đơn vị chức năng nên có cơ chế rõ ràng để quản lý kinh doanh hóa chất. Ngoài ra cũng nên có quy định cụ thể trong việc cấp phép cho các đơn vị kinh doanh hóa chất chứ không để bát nháo như hiện nay”.

Theo ông Hiền, việc mua bán, lưu trữ, vận chuyển axít và các loại hóa chất khác phải được thực hiện một cách bài bản và khoa học. Phải có nhà kho và xe chuyên dụng để chuyển hóa chất. Việc mua bán và vận chuyển hóa chất tràn lan như hiện nay ngoài việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người kinh doanh, vận chuyển, còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh - y tế công cộng TP.HCM cho rằng: “Việc buôn bán các hóa chất độc nói chung và axít nói riêng đều phải theo đúng quy tắc về buôn bán chất độc hại. Tuy nhiên, tại chợ Kim Biên và nhiều điểm bán hóa chất nhỏ lẻ khác thường không đảm bảo những quy tắc này nên rất dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn”.

Theo bác sĩ Mai, thông thường việc tiếp xúc hay san chiết axít và các loại hóa chất khác, phải có đồ bảo hộ như bao tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ… Nhưng trên thực tế những điểm mua bán nhỏ lẻ thường không xem trọng việc này. Đối với việc san chiết axít, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn thương tâm. Ngoài ra, việc buôn bán, vận chuyển các hóa chất độc hại không đảm bảo an toàn còn tác động xấu đến môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Sáng 6/8, một nam thanh niên khoảng 25 tuổi đến cửa hàng hóa chất Minh Trường (đường Vạn Tượng, Q.5, TP.HCM) mua một can axít clohydric (HCL) mang ra xe máy chở đi. Trong lúc thanh niên này đứng trên vỉa hè buộc can axít vào yên xe thì can axít rơi, chảy tung tóe ra mặt đường sủi bọt, bốc mùi nồng nặc. Nam thanh niên bị bỏng nhẹ, bỏ chạy khỏi hiện trường. Ba người đang làm việc trong lô cốt công trình làm cống thoát nước gần đó bị axít văng trúng. Nhiều người đi đường phải thắng xe gấp nhưng một nạn nhân vẫn bị axít văng trúng người. Các nạn nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Hít phải axít clohydric gây hoại tử thực quản

Axít clohydric gây kích ứng, bỏng da; gây kích ứng mắt, bỏng, hoại tử màng sừng. Nếu nuốt phải axít clohydric sẽ gây bỏng, hoại tử đường tiêu hóa, gây viêm phúc mạc, xuất huyết dạ dày. Hít phải axít clohydric sẽ gây bỏng mũi, họng với triệu chứng đau họng, ho thở ngắn, viêm phổi, đau tức ngực, nhức đầu. Hít phải axít này với nồng độ cao có thể dẫn đến co thắt thực quản, thanh quản, hoại tử thực quản.

(Nguồn: Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI