Không lơ là nhưng cũng đừng quá lo lắng vì bệnh lao

10/04/2024 - 06:04

PNO - Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện.

Nhiều người trẻ mắc bệnh lao

Cứ mỗi đợt ho, sốt, anh P.T.L. (37 tuổi, ở TP Thủ Đức) lại ra tiệm mua thuốc uống. Mặc dù các liều thuốc uống đều có kháng sinh, nhưng các cơn ho cứ dai dẳng không dứt. Anh bị ho khan, rát họng, sốt về chiều khoảng hơn 2 tháng nay. Tuy nhiên, vì công việc đang ở giai đoạn nước rút nên chưa đi khám được. Anh L. chia sẻ: “Mấy lần trước, tôi uống 1 tuần thuốc là đỡ, mà đợt này ho hoài không dứt, tôi sụt hơn 3 ký. Một tuần cách lúc nhập viện, tôi thấy khó thở, ho đờm có máu nên đi khám. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 nói tôi bị lao phổi phải nhập viện điều trị”.

Bệnh nhân lao đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175
Bệnh nhân lao đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175

Hiện tại, anh L. đã đỡ ho hơn, nhưng luôn cảm thấy tức ngực, có tiếng rít khi thở. Bác sĩ cũng đề nghị anh giảm khối lượng công việc, không thức khuya và cai thuốc lá để tránh bệnh diễn tiến nặng, xơ phổi.

Thấy con trai L.V.M. (16 tuổi, ở quận Gò Vấp) ho hơn 3 tuần, tần suất ho ngày càng nhiều, chị Nguyễn Thị Bé (mẹ của M.) đưa con đến bệnh viện. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán M. bị lao phổi. Tuy nhiên chị Bé không tin, nên đưa con đến bệnh viện chuyên về lao phổi khám tiếp. Tại đây, bác sĩ cũng chẩn đoán M. bị bệnh lao. Sau đó chuyển hồ sơ của em về địa phương điều trị. Chị Bé bối rối nói: “Dù biết bệnh lao đã có thuốc chữa, nhưng tôi vẫn lo lắng. Trong nhà đâu có ai mắc bệnh, con tôi lây nhiễm từ đâu và liệu chữa trị rồi có bị tái bệnh hay không. Thực sự ban đầu tôi chỉ nghĩ con bị COVID-19 nên mới ho như vậy”.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Công - Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 - mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 120-130 trường hợp người bệnh đến khám ngoại trú. Trong đó có trung bình từ 5-7 người được phát hiện có tổn thương nghi ngờ lao phổi. Trước đây, bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi nhưng giờ thì số người trẻ mắc bệnh lao đang có xu hướng tăng. Ông nói: “Người ở độ tuổi lao động có nguy cơ lây nhiễm lao phổi từ người bệnh qua các sinh hoạt cộng đồng, người làm việc quá sức, có thói quen thức khuya, ít nghỉ ngơi lại uống nhiều trà, cà phê… làm cho sức đề kháng kém đi. Bệnh lao lây qua đường hô hấp, do vậy rất dễ bị lây nhiễm nếu ở gần đó có người đang mắc bệnh”.

Đi khám sớm nếu sụt cân nhanh, ho khan…

Khi mắc bệnh, đa số bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu chứ không thăm khám. Cũng có thể người bệnh khó được phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cho đến khi các cơn khó thở kéo dài, ho khan, ho có đờm đen, ho ra máu, sụt cân… mới đến bệnh viện thì bệnh đã vào giai đoạn trễ.

Bệnh lao nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, mọi người không nên quá lo lắng nếu bác sĩ thông báo đang mắc bệnh lao, mà hãy tuân thủ các hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để mau lành bệnh cũng như hạn chế tối đa lây nhiễm bệnh cho người thân, quen.

Bác sĩ Nguyễn Hải Công cũng cho biết ngày nay bệnh lao cũng đang âm thầm lưu hành trong cộng đồng, bởi vẫn còn nhiều người mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện và điều trị. Để chẩn đoán lao, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện đã được trang bị máy chụp X-quang để kiểm tra phổi, hệ thống xét nghiệm đờm, xét nghiệm vi sinh… Một số bệnh viện còn có ứng dụng mô hình 2-X (X-quang và Xpert) tầm soát nâng cao độ nhạy mang lại chính xác cao, ít bỏ sót người bệnh, chỉ cần một dấu ấn của vi khuẩn lao là đã phát hiện được.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh lao, tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh, các bác sĩ sẽ đề nghị nhập viện điều trị, hoặc đưa về y tế địa phương quản lý. Người bệnh sẽ được cấp thuốc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn có thể tái nhiễm lao phổi. Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền ý thức sức khỏe cho người dân, để cá nhân chủ động đi tầm soát bệnh lao. “Khi một người đột ngột sụt cân nhanh, ho khan, sốt nhẹ kéo dài, nghi ngờ đã tiếp xúc với người đang bị lao phổi… nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Hải Công khuyến cáo.

Khoảng 40% ca bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Đáng chú ý, khoảng 40% ca bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

TPHCM tầm soát, điều tra dịch tễ bệnh lao trong học sinh

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết cần tập trung nguồn lực mạnh mẽ, triển khai điều tra dịch tễ sâu trong cộng đồng để tạo chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bệnh lao. Thời gian tới, TPHCM sẽ chú trọng tầm soát, điều tra dịch tễ bệnh lao trong học sinh.

Năm 2023, TPHCM đã tầm soát bệnh lao bằng AI cho hơn 70.000 người tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và trong cộng đồng. Qua đó phát hiện 833 trường hợp có tổn thương nốt ác tính, gợi ý nhiễm lao. Tỉ lệ xác định yếu tố nguy cơ từ phim chụp CT tại cộng đồng là 21% và hơn 70% tại bệnh viện. Việc ứng dụng AI tầm soát lao giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng độ chính xác, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu loại trừ lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI