Bệnh lao phổi ngày càng trẻ hóa

22/11/2022 - 16:18

PNO - Trước đây bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, nhưng ngày nay nhiều người trẻ tuổi đã mắc phải bệnh lao.

Ngày 22/11, bác sĩ Nguyễn Việt Hà, Khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, gần đây đơn vị hiện tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi mắc lao tới khám và điều trị.

Nhiều người trẻ được xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao (còn gọi là thử nghiệm Mantoux). Hình ảnh ghi nhận tại chương trình sàng lọc lao phổi tại Đắk Lắk, tháng 11/2022. Ảnh: N.D
Nhiều người trẻ được xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao (còn gọi là thử nghiệm Mantoux). Hình ảnh ghi nhận tại chương trình sàng lọc lao phổi tại Đắk Lắk, tháng 11/2022 - Ảnh: N.D

Trường hợp bệnh nhân N.T.T (nữ, sinh năm 1995, Sóc Sơn, Hà Nội) là một điển hình. Tháng 9/2022, T có triệu chứng ho ra máu, cơ thể mệt mỏi. Tại bệnh viện quân y 103, sau thăm khám, T được kết luận mắc lao phổi và được cho về địa phương nhận thuốc tại trạm y tế để uống. Sau khi uống thuốc điều trị lao được hơn 1 tháng, T. xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa, phải vào bệnh viện Phổi Hà Nội kiểm tra. Các bác sĩ chẩn đoán T. dị ứng thuốc. Hiện bệnh nhân đã theo dõi và điều trị lao tại đây được 3 tuần.

Hay trường hợp của chị L.T.L (sinh năm 1988, Thường Tín, Hà Nội) bị tình trạng hụt hơi, khó thở, nghĩ bản thân mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch, chị L. đến bệnh viện Tim Hà Nội khám. Sau khi chụp cắt lớp, bác sĩ phát hiện phổi của bệnh nhân có tổn thương và giới thiệu đến bệnh viện Phổi Hà Nội khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm đờm cho thấy chị mắc lao phổi.

Chị L. cho biết: “Có thể bệnh của tôi ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, cách đây 30 năm bố tôi cũng bị lao phổi. Bản thân tôi khá sốc khi đang khoẻ mạnh lại phải dừng tất cả công việc, sinh hoạt để điều trị bệnh”.

Theo bác sĩ Hà, mỗi năm đơn vị thu nhận trung bình 2.000-3.000 bệnh nhân lao, tỉ lệ bệnh nhân lao chiếm khoảng 30-35% tổng số bệnh nhân toàn bệnh viện. So với trước dịch COVID-19, tỉ lệ bệnh nhân lao giảm khoảng 10% (năm 2019 thu nhận 3.000 bệnh nhân, năm 2021 thu nhận 2.700 bệnh nhân).

“Hiện tại, đơn vị chưa có thống kê chính xác về tỉ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc lao tới khám và điều trị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đơn vị cũng tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân lao thuộc nhóm trẻ.

Nguyên nhân dẫn tới lao ở người trẻ do nhiều yếu tố như môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, nhà ở không đảm bảo vệ sinh hay thoáng khí; Áp lực học hành, công việc thi cử, stress kéo dài; Chủ quan khi có các dấu hiệu về bệnh tật; Lối sống uống nhiều bia rượu, lười vận động; Nghiện hút ma túy, mắc các bệnh mãn tính, nhiễm HIV… COVID-19 cũng là yếu tố làm tăng khả năng mắc lao ở người trẻ”- bác sĩ Hà cho hay.

Theo bác sĩ bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh lao ở người trẻ dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh như viêm phổi, hậu COVID-19, ung thư phổi… Phác đồ điều trị lao ở các người bệnh là như nhau, trừ trường hợp bệnh nhân có bệnh nền (suy thận, xơ gan…) hoặc có kháng với thuốc lao, kéo dài từ 6 tháng trở lên tùy thể bệnh

Bác sĩ khuyến cáo, nhóm đối tượng dễ mắc lao khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gồm người mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV), lupus ban đỏ, đái tháo đường, suy thượng thận, ung thư… nghiện ma túy, nghiện bia rượu, hút thuốc, dinh dưỡng kém.

Bệnh lao là bệnh lây qua đường hô hấp, do vậy người bị nhiễm lao phải biết giữ gìn cho cộng đồng, không khạc, nhổ tại nơi công cộng, đặc biệt rất dễ lây cho người già, trẻ em. Người lớn khi có các triệu chứng như: ho kéo dài, sốt, sụt cân phải đi khám bệnh ngay. Trẻ nhỏ nếu không chịu lớn, gầy gò, bú kém cần phải đi khám để xem có lao hay không. Bản thân người dân nếu muốn phòng chống bệnh lao phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống điều độ, không học hành quá mức, ăn uống thất thường để phòng chống lao và có sức khỏe tốt.

N.D

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI