Không ai được đứng ngoài cuộc chiến chống dịch

02/07/2021 - 06:25

PNO - TPHCM đang tiến hành tổng lực chặn dịch. Thắng bại là trong lúc tổng lực này. Nếu một mình cơ quan chức năng thì không thể làm được mà cần có sự hợp tác tích cực của người dân.

22 “đội đặc nhiệm” chống COVID-19

Vừa kết thúc đợt tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại khu công nghiệp ở Q.Tân Phú, điều dưỡng Phạm Thị Hậu, Phó phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, nhận ngay lệnh điều động của Sở Y tế TPHCM làm nhiệm vụ tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống COVID-19.

Nơi chị đến là một trong năm điểm nóng nhất về COVID-19 của TPHCM: Q.Bình Tân. Tổ công tác có bảy thành viên, kết hợp ngành y tế, Thành đoàn, Quận đoàn, trường y… Lực lượng này sẽ giám sát và điều phối chống dịch tại từng quận, huyện. 

Nhiệm vụ quá mới mẻ khiến nữ điều dưỡng Phạm Thị Hậu không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sau hai ngày nhận nhiệm vụ, điều đáng mừng là các thành viên kết nối chặt chẽ hơn. Đây là điều rất cần thiết trước khi tổ công tác có thể thực hiện các kết nối với những lực lượng chống dịch khác ở địa phương.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở khu vực Q.3, TP.HCM ngày 1/7 - Ảnh: Tam Nguyên
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở khu vực Q.3, TP.HCM ngày 1/7 - Ảnh: Tam Nguyên

Tổ công tác đặc biệt của điều dưỡng Phạm Thị Hậu là một trong 22 Tổ công tác đặc biệt được UBND TPHCM thành lập. Sở Y tế TPHCM chịu trách nhiệm chính về chuyên môn phòng, chống dịch, Thành đoàn TPHCM chịu trách nhiệm huy động các lực lượng hỗ trợ. Tổ công tác đặc biệt được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gọi là đội đặc nhiệm phòng, chống dịch COVID-19. “Đây là mô hình rất hay, vì với nhiều thành viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động, điều phối hỗ trợ sẽ nhịp nhàng”, bác sĩ N.V.Đ., thành viên Tổ công tác đặc biệt, chia sẻ. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã cử 48 nhân viên tham gia Tổ công tác đặc biệt này. Vai trò của 48 nhân viên là điều tra dịch xác định F1 gần, F1 xa và F2 gần; nâng cao phương pháp đánh giá nguy cơ ổ dịch, từ đó quyết định phạm vi phong tỏa. Đồng thời, giải tỏa nhanh từng phần khu vực theo chỉ định dịch tễ căn cứ kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhận định: “TPHCM đang tiến hành tổng lực chặn dịch. Người dân phải hợp tác. Thắng bại trong lúc tổng lực này, nếu một mình, cơ quan chức năng không thể làm được”. Hợp tác ở đây được bác sĩ Trương Hữu Khanh nhắn gửi, rất đơn giản, đó là mọi người chủ động thực hiện 5K, đừng đợi ai nhắc. 

Tổng lực tấn công những điểm nóng

H.Hóc Môn, một trong những điểm nóng của TPHCM, đã tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn từ 0g ngày 28/6 đến 0g ngày 4/7, tạm dừng hoạt động ở ba chợ truyền thống không đảm bảo điều kiện chống dịch. 

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, không chỉ H.Hóc Môn, nhiều chợ truyền thống ở các quận, huyện khác, nếu không đảm bảo an toàn, sẽ đều bị ngưng hoạt động. Ông cũng nhắn gửi người dân: “Vấn đề tụ tập quanh chợ tự phát, ban chỉ đạo đã thấy từ lâu nên phải thực hiện cấm hoàn toàn chợ tự phát. Khi các chợ truyền thống không thực hiện nghiêm thì đóng cửa như chợ đầu mối Hóc Môn. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra nhưng dù thường xuyên cách mấy cũng khó lòng phát hiện tất cả trường hợp vi phạm chống dịch. Lúc này, để chặn dịch, thành phố rất cần ý thức của người dân”. 

Từ chủ trương xét nghiệm cho toàn dân ở những quận, huyện có số ca mắc COVID-19 cao như Gò Vấp, Bình Tân… việc lấy mẫu xét nghiệm được mở rộng ra cho rất nhiều quận, huyện khác. Từ ngày 1/7, TPHCM mở rộng việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đến hơn 1 triệu mẫu để truy tìm F0; trong đó, TP. Thủ Đức 600.000 mẫu, Q.Bình Thạnh 460.000 mẫu, Q.3 với 150.000 mẫu…

Đáng lưu ý, biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội được xác định phạm vi trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính. Sắp tới, HCDC sẽ kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo. 

Để kịp thời ngăn chặn sự lây lan thành các chuỗi ca nhiễm, TPHCM đặt mục tiêu sẽ xác định khu vực khoanh vùng trong vòng 1 giờ đồng hồ hoặc sớm hơn nữa sau khi có xét nghiệm khẳng định có người nhiễm COVID-19. Kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 12 giờ để kiểm soát tình hình. 

TPHCM cũng đã cho phép công nhân tự test nhanh COVID-19, khuyến khích doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động một lần/tuần. Đồng thời, thành phố cũng đã đồng ý cho tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên lâm sàng cao cấp Đại học Sydney (Úc), cùng nhóm nghiên cứu dự báo, nếu TP.HCM thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, dịch sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 8/2021. Nếu Chỉ thị 10 không hiệu quả, số ca bệnh có thể vượt qua con số 10.000 - vượt ngưỡng chịu đựng của TPHCM. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh đưa ra bảy đề xuất:

1. Giảm mật độ người, giữ khoảng cách giữa người với người.

2. Hỗ trợ tiền hoặc nhu yếu phẩm cho người nghèo, cận nghèo, mất việc, phá sản.

3. Mở rộng nhanh xét nghiệm bằng cách cho tự xét nghiệm tại nhà (tối thiểu là hằng tuần) miễn phí toàn dân, song song với chiến lược xét nghiệm hiện nay.

4. Tiêm vắc xin cuốn chiếu, phủ từng vùng, ưu tiên người cao tuổi và nơi có mật độ cao, ưu tiên tạo vành đai an toàn phía Bắc, Tây Bắc TPHCM.

5. Áp dụng các biện pháp tăng thông khí; ưu tiên các hoạt động tại nơi thông thoáng, ngoài trời hoặc có máy lọc màng Hepa, đèn UV treo trần, và tạm dừng các hoạt động trong phòng kín có nhiều người.

6. Triển khai cách ly F1 tại nhà có sự giám sát của cộng đồng.

7. Ban chỉ đạo tổ chức họp báo công bố thông tin hằng ngày hoặc mỗi hai ngày. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI