Những sáng kiến nhỏ mang lại hiệu quả lớn - Bài cuối:

Khơi gợi tinh thần sáng tạo trong mỗi cá nhân

29/01/2022 - 06:30

PNO - Từ thực tiễn làm việc, nhiều người lao động ở TP.HCM đã nảy ra các ý tưởng sáng tạo giúp tăng năng suất, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, nhân công.

Dưới đây là một số nhận định và hiến kế giải pháp nhằm khơi gợi, phát huy tính sáng tạo của lực lượng lao động.

Hoan nghênh những sáng kiến có tính ứng dụng cao

TP.HCM có giải thưởng sáng tạo (hai năm trao thưởng một lần) nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp… đóng góp cho sự phát triển của thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Sau hai lần tổ chức, ban tổ chức ghi nhận nhiều sáng kiến hữu ích, có tính ứng dụng cao. Thực tế, đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng, mang lại nguồn thu cho thành phố hàng ngàn tỷ đồng.

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM  bao quát mọi lĩnh vực hoạt động, dành cho mọi đối tượng có sáng kiến và muốn tham gia. Thực tế, qua hai lần tổ chức, giải thưởng đã tiếp nhận sự tham gia của các tác giả là công nhân, người lao động, tuy con số vẫn còn khiêm tốn. Tiếc là nhiều hồ sơ dự thi của họ không đáp ứng được các tiêu chí của giải thưởng, trong đó có thể thức dự thi, cách trình bày sáng kiến khoa học… nên không được trao thưởng. Từ đây, tôi nghĩ rằng, công tác tổ chức, cách thức dự thi cần được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, đồng thời tránh được những sai sót đáng tiếc.

Trong công tác chấm giải, hội đồng giám khảo của giải thưởng Sáng tạo TP.HCM chú trọng chọn lựa những sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình sáng tạo mang tính ứng dụng cao, góp phần thay đổi diện mạo của TP.HCM, đặc biệt là giải quyết được những vấn đề cấp bách của người dân như phát triển nhà ở, giải pháp giao thông, nâng cao thu nhập, quản lý dân cư, thúc đẩy giáo dục, y tế…

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM là luôn cầu thị, lắng nghe, trân trọng đón nhận các đóng góp, hiến kế của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ ở TP.HCM. Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, TP.HCM cũng đã đón nhận nhiều ý tưởng, sáng kiến giúp nối gần khoảng cách giữa chính quyền với người dân khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội hay các sáng kiến giúp nối liền chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa… 

TP.HCM hiện đang quyết liệt thực hiện hàng loạt giải pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nên rất mong nhận được các đóng góp, hiến kế, sáng kiến của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ ba vừa được phát động là một trong nhiều kênh tiếp nhận sự đóng góp của người dân. Trị giá giải thưởng đã được điều chỉnh tăng lên: giải nhất từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng, giải nhì từ 80 triệu đồng lên 150 triệu đồng, giải ba từ 60 triệu đồng lên 100 triệu đồng, cho thấy lãnh đạo thành phố không chỉ ghi nhận, tôn vinh mà còn quan tâm khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khuyến khích người dân tham gia đóng góp, chung tay xây dựng và phát triển thành phố.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM

Trân trọng ý tưởng của người lao động

Hằng năm, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đều tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo dành cho mọi cán bộ, nhân viên với phương châm “mọi ý tưởng đều được trân trọng”. Nhờ cuộc thi này, công ty có được nguồn ý tưởng phong phú, thiết thực bởi chúng xuất phát từ trong quá trình lao động của các tác giả. Nhiều ý tưởng trong số đó đã được lựa chọn để phát triển thành các sáng kiến và ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho công ty và cộng đồng. Các sáng kiến tập trung vào giải pháp công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt nặng nhọc cho người lao động.

Phong trào thi đua phát huy sáng kiến được phát động trong đơn vị đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong tập thể người lao động. Ban giám đốc công ty luôn quan tâm, động viên, khuyến khích người lao động nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, đề xuất ý tưởng, giải pháp, đồng thời luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về thời gian, tài chính, nhân lực để các tác giả phát triển ý tưởng, triển khai áp dụng nhanh giải pháp vào thực tiễn. Tất cả giải pháp, sáng kiến dù lớn hay nhỏ đều được ghi nhận, đánh giá, khen thưởng, tôn vinh kịp thời, đưa thành tích sáng kiến cải tiến trở thành tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn cho người lao động.

Công ty đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, qua đó tăng đáng kể mức khen thưởng cho tác giả sáng kiến, khuyến khích người lao động tích cực phát huy tinh thần sáng tạo, đồng thời cũng chi cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm ý tưởng sáng tạo. Nhờ đó, các tác giả đã mạnh dạn hơn và nghĩ lớn hơn trong phát triển sản phẩm. 
Phong trào thi đua phát huy sáng kiến ngày càng lan tỏa đến từng tổ, đội sản xuất, người lao động, từ công nhân, kỹ thuật viên trực tiếp sản xuất đến các kỹ sư, chuyên viên, nhà quản lý; lĩnh vực áp dụng của sáng kiến cũng ngày càng đa dạng, tính sáng tạo và chất lượng sáng kiến ngày càng cao, thể hiện qua sự gia tăng giá trị làm lợi của các sáng kiến qua các năm.

Trong năm 2021, dịch COVID-19 hoành hành, công ty đã công nhận 10 sáng kiến trong số 12 đề tài, khen thưởng kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần, công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở đối với các tác giả những đề tài được công nhận. Các sáng kiến tiêu biểu gồm: máy nạo vét lòng cống (sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế), máy nâng bùn thủy lực, thiết bị nâng bùn phục vụ công tác duy tu hệ thống cống thoát nước, thiết bị vận hành cống kiểm soát triều, thiết bị cảm biến van một chiều (sản phẩm được cấp bằng sáng chế), ứng dụng truyền tải thông tin và cảnh báo ngập cho TP.HCM (UDI Maps)…

Ông Diệp Nguyên Thịnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM

Hỗ trợ vốn cho hoạt động sáng tạo của công nhân

Theo tôi, những sáng kiến trong công tác vận hành, duy tu các hạng mục hạ tầng cơ sở của TP.HCM trong thời gian qua rất đáng được động viên và khuyến khích bằng những giải thưởng cụ thể nhằm ghi nhận, khơi gợi tư duy sáng tạo của lực lượng công nhân. Song song đó, trong đào tạo nghề, cần có định hướng giáo dục nghề tốt hơn trên cơ sở những sáng kiến được ghi nhận.

TP.HCM cần có những chương trình tuyên dương sự sáng tạo của công nhân. Một điều quan trọng là phải có giải pháp để công nhân hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, bởi công nhân thường không có điều kiện để triển khai ý tưởng thành sản phẩm. Cho nên, TP.HCM nên thông tin rộng rãi và thường xuyên về quỹ sáng tạo nghề để hỗ trợ quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm hoặc có chương trình hỗ trợ vốn cho hoạt động sáng tạo khoa học và kỹ thuật. 

Tuyết Dân (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI