Giáo viên không còn phải “vật vã” vì sáng kiến kinh nghiệm

18/08/2020 - 06:11

PNO - Nhiều năm qua, câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã nhận biết bao sự phản ứng, bức xúc của những người liên quan.

Bởi, mỗi năm thầy cô phải viết ít nhất một sáng kiến. Mà sáng kiến lấy đâu ra để viết nhiều như thế? Để đối phó với những chuyện vô lý này, nhiều thầy cô chỉ biết tìm kiếm trên mạng, sao y bản chính rồi sửa qua loa ít dòng và in mang đi nộp.

Đỉnh điểm là vừa qua, bốn giáo viên tiểu học và THCS ở Phan Rang - Tháp Chàm bị nêu tên trong toàn địa phương vì có sáng kiến kinh nghiệm thuộc diện "sao chép và đạo văn".

Nhiều giáo viên áp lực vì mỗi lần bị giao làm sáng kiến kinh nghiệm (ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên áp lực vì bị "giao" làm sáng kiến kinh nghiệm - Ảnh minh họa

Nói về sáng kiến kinh nghiệm làm tội giáo viên thời gian qua, thầy giáo Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay, trước đây, giáo viên muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp quận. Còn đối với giáo viên muốn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp trường, điều này khiến phong trào làm sáng kiến kinh nghiệm nở rộ. 

Đã là phong trào thì nhiều cán bộ quản lý và giáo viên không có chuẩn bị, không đầu tư nghiên cứu, không đúc kết cũng như đưa vào áp dụng thực tiễn để đánh giá tính khả thi của sáng kiến kinh nghiệm. 

Trước đây, tại Nghị định số: 02/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 56 và Nghị định 88/NĐCP về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì tiêu chuẩn cán bộ, công chức để đánh giá loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải “Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận” (gọi là sáng kiến kinh nghiệm).

Thực tế, tại nhiều trường, cán bộ quản lý và giáo viên chỉ thực sự lao vào “làm sáng kiến” khi thời hạn nộp đã cận kề.  Nhiều người cóp nhặt ở đâu đó trên mạng hoặc của đồng nghiệp rồi ghép chỗ này, lắp chỗ kia để thành sáng kiến của riêng mình nộp cho nhà trường. 

“Chính vì vậy, hầu hết những sáng kiến mà nhiều giáo viên đưa ra đâu phải do đầu tư nghiên cứu, trăn trở từ thực tế nên chẳng có một sáng kiến kinh nghiệm nào có thể vận dụng, áp dụng vào thực tiễn. Trong khi đó, các sáng kiến kinh nghiệm được công nhận từ cấp trường đến cấp quận cũng không công bố, phổ biến rộng rãi trong hội đồng nhà trường để các giáo viên khác học tập và thực hiện. Chưa nói đến khả năng đánh giá sáng kiến kinh nghiệm tại đơn vị”, thầy Vũ Hoàng Sơn cho hay. 

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020. Theo đó tiêu chuẩn về sáng kiến kinh nghiệm đã không còn trong đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

“Tôi rất tán thành với việc loại bỏ sáng kiến kinh nghiệm ra khỏi tiêu chuẩn thi đua, đánh giá trong nhà trường. Nó giúp giáo viên tháo được một chiếc “vòng kim cô” phải đeo mãi lâu nay”, thầy Vũ Hoàng Sơn cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI