Khói bom đạn đã tan, nhưng dải Gaza chưa bao giờ bình yên

25/05/2021 - 05:31

PNO - Hôm 22/5, người dân Gaza cố gắng tìm lại cuộc sống của mình sau cuộc xung đột kéo dài 11 ngày với Israel khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người trở thành vô gia cư.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết ít nhất 6.000 người đã bị mất nhà cửa sau cuộc đối đầu giữa quân đội Israel và phe Hamas. Các nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thi thể hoặc những người sống sót trong những đống đổ nát, còn cư dân cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ cuộc sống trước đây của họ. Bộ Y tế Palestine cho biết đợt oanh tạc mới nhất đã giết chết 248 người ở Gaza, trong đó có 66 trẻ em và làm bị thương hơn 1.900 người kể từ ngày 10/5. 

 

Y tá chăm sóc bé Omar al-Hadidi, sau khi cậu bé được kéo ra từ ngôi nhà đổ nát do cuộc không kích của Israel ở Gaza Ảnh: AFP
Y tá chăm sóc bé Omar al-Hadidi, sau khi cậu bé được kéo ra từ ngôi nhà đổ nát do cuộc không kích của Israel ở Gaza Ảnh: AFP

Mất mát và đau thương

Đứng trước một tòa nhà bị san phẳng tại Gaza nơi mình từng ở, cô Aisha Mousallem chia sẻ: “Ngay cả khi không có ai trong gia đình thiệt mạng, tôi vẫn đang để tang vì những mất mát này”. 

Sarah Muscroft, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ (OCHA) tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết, cường độ của cuộc bắn phá đã dẫn đến thiệt hại diện rộng trên khắp Gaza. “Hơn 6.000 người đã trở thành vô gia cư, hơn 1.042 nhà ở hoặc cơ sở thương mại đã bị phá hủy và 800.000 người không được tiếp cận với nước sạch. Nỗ lực tái thiết sẽ thực sự khó khăn”, Sarah nói.

Không may mắn như Mousallem, một phụ nữ ngoài 50 tên Sana’a al-Kulak đã mất nhà và người thân trong vụ đánh bom vào giữa tháng Năm. Bà bị chôn vùi cùng người con trai lớn hàng giờ trong đống đổ nát. Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy và giải cứu họ. Tại bệnh viện, Kulak đau đớn biết rằng chồng bà, hai con trai, một con gái, một con dâu và một cháu ngoại đã thiệt mạng.

Tại một bệnh viện ở Gaza, Mohammad al-Hadidi bế bé Omar - đứa con duy nhất còn lại sau cuộc không kích từ Israel, giết chết vợ và bốn con trai khác của anh chỉ trong một đêm. Người cha 37 tuổi nghẹn ngào: “Tôi không còn gì trên thế giới này ngoài Omar”. Các nhân viên cứu hộ đã kéo cậu bé năm tháng tuổi khỏi tay người mẹ đã mất từ đống đổ nát hôm 17/5. Tất cả đứa con khác của Mohammad - từ 6 đến 13 tuổi - đều đã thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ngồi trên mép giường bệnh, Hadidi cẩn thận hôn lên má của con mình. Trong vòng tay cha, Omar đang yên giấc. Dưới những lọn tóc nâu nhỏ, mí mắt cậu bé thâm tím và sưng lên, còn khuôn mặt đầy vết xước.

Địa ngục của trẻ em

Đoạn video về Nadine Abdullatif (10 tuổi), rơi nước mắt và đau đớn khi đứng trước phần còn lại của ngôi nhà hàng xóm đổ nát, hiện đã được xem hơn 13 triệu lần trên Twitter. Cô bé với đôi mắt đỏ hoe, chỉ tay về đống đổ nát phía sau hỏi: “Bạn thấy tất cả những thứ này? Bạn mong đợi tôi làm gì? Sửa nó ư? Tôi chỉ mới 10 tuổi”. Giọng Nadine vỡ òa vì xúc động: “Tôi chỉ muốn trở thành một bác sĩ hoặc bất cứ điều gì để giúp đỡ người dân của mình, nhưng tôi không thể. Tôi chỉ là một đứa trẻ”.

Israel một lần nữa ném bom xuống Gaza, dải đất nhỏ là nơi sinh sống của hơn hai triệu người, 40% trong số đó dưới 14 tuổi. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những vụ tấn công tương tự trong những năm gần đây: 333 trẻ em trong các năm 2008-2009 và 551 vào năm 2014. Hậu quả tâm lý của những năm xung đột và mất mát đối với những người Palestine sống sót là không thể diễn tả. 

Theo một nghiên cứu năm 2020, gần 90% thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi ở Gaza đã trải qua chấn thương cá nhân và chứng kiến ​​cảnh tài sản bị phá hủy; trong khi hơn 80% đã chứng kiến ​​chấn thương của người khác. Nghiên cứu cho biết thêm, đây là ba yếu tố góp phần lớn nhất gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Tổng thư ký LHQ António Guterres nói: “Nếu có địa ngục trần gian, thì đó là cuộc sống của trẻ em ở Gaza”.

Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thì kêu gọi cộng đồng quốc tế lưu ý các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, hiện đang có nguy cơ bị cưỡng bức trục xuất ở Đông Jerusalem và phá dỡ nhà ở Gaza. Tổ chức cũng đề ra kế hoạch hỗ trợ nhân đạo mở rộng, các dịch vụ chống lại bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ sức khỏe và sức khỏe tâm thần, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Ngọc Hạ (theo AP, UN news, Middle East Eye, NCA)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI