Khó thở, hụt hơi kéo dài sau khi điều trị khỏi COVID-19

25/11/2021 - 06:54

PNO - Khi mới có kết quả âm tính, bác sĩ vẫn khuyến khích F0 khỏi bệnh duy trì các bài tập thở, quan trọng là không nên gắng sức khi tập.

Khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn đuối sức khi thở

Phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trong một lần test nhanh kháng nguyên, anh C.T.V.K. (28 tuổi, ở Q.3) không có triệu chứng, đôi lúc sốt nhẹ sau đó hơi đau đầu nhưng tự hết sau khoảng 4 ngày. Trong thời gian mắc bệnh, anh K. vẫn tập luyện thể thao, làm việc nhóm trên máy tính cho kịp tiến độ công việc.

Đến ngày thứ 6 của bệnh, anh K. cảm thấy các cơ hơi đau, ngực nhói mỗi khi tập thể dục nâng tạ, anh chuyển sang các bài tập nhẹ. Tuy nhiên, anh vẫn có cảm giác trống ngực, bồn chồn, hơi thở nặng,… 

“Lúc đó, tôi được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe, bác sĩ động viên và chỉ cho tôi các bài tập thay thế. Tôi đỡ hơn nhưng vẫn có cảm giác tức ngực, dù ngày thứ 12 tôi có kết quả âm tính. Đến nay, tôi khỏi bệnh cũng đã hơn 1 tháng rồi”, anh K. nói.

Theo anh K., anh cũng có đến bệnh viện chuyên khoa để khám tổng quát, các xét nghiệm, siêu âm đều cho kết quả bình thường, anh ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ nhưng vẫn bị khó thở.

Tương tự anh K., vợ của anh cũng có cảm giác ngang ngang ở ngực và hụt hơi ngay cả khi chị không vận động. Ngoài ra, vợ của anh K. còn có một số dấu hiệu về tâm lý khác.

Dù khỏi bệnh COVID-19 nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hụt hơi liên tục
Dù khỏi bệnh COVID-19 nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hụt hơi liên tục

Mắc COVID-19 phải thở oxy, bà N.T.T.T. (57 tuổi, ở Bình Thạnh) không có cảm giác sợ nhưng bà lại bị thở hắt, bủn rủn và không có sức mỗi khi đi lại. 

Bà T. nói: “Tôi bị bệnh đến hơn 2 tháng mới khỏi, con cháu chăm sóc tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng tôi cảm thấy không có sức. Bác sĩ cho tôi mấy bài tập như đi lại, đếm nhịp thở, trước đây tôi cũng có ngồi thiền,… vẫn bị như ai đó ấn tay xuống ngực mình vậy”.

Trước tình trạng trên, ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh – Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết ở người bệnh có di chứng sau nhiễm virus SARS-CoV-2 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa… việc tiếp tục hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện là rất cần thiết cho quá trình phục hồi.

Khuyến khích người vừa khỏi bệnh duy trì tập luyện

Theo bác sĩ Oanh, đối với người bệnh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng còn trong thời gian tự cách ly, nên được khuyến khích duy trì tập các bài tập thở như thở bốn thời, theo dõi hơi thở. Trong quá trình tập luyện, nên chú ý đến các bài tập như xoa ngũ quan, đặc biệt xoa kỹ vùng huyệt Nghinh hương – Thượng nghinh hương, Thượng tinh….

“Người vừa khỏi COVID-19 nhưng có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập. Duy trì thời gian tập từ 15 - 30 phút/ ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo dãn cơ, khởi động khớp, đạp xe đạp tại chỗ… tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo dãn hết tầm vận động của khớp”, bác sĩ Kim Oanh nói thêm.

Ngoài ra, người nhà có thể tạo thành một nhóm cùng tập luyện với người vừa khỏi bệnh. Sự khuyến khích từ những người thân trong gia đình hoặc các nhóm trên mạng xã hội, sẽ giúp người bệnh có tinh thần và kiên trì cho quá trình tập luyện. Độ bền và thể lực của người bệnh được luyện tập, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng sợ lạnh, nặng ngực, mệt mỏi… 

Đối với người bệnh bị đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm virus, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực – bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng. 

Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để giúp người bệnh tập ho khạc hiệu quả.  

Bác sĩ Kim Oanh lưu ý, trong quá trình hồi phục, người thân nên nhớ việc đồng hành cùng người bệnh vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly hoặc tự cách ly. Nếu các triệu chứng “hậu COVID-19” kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị “hậu COVID-19” để được thăm khám và điều trị sớm, tránh kéo dài làm di chứng nặng nề hơn.

Bài tập thở 4 thời 

Tư thế: nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (không phải ở thắt lưng) cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực. 

Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng. Thời gian từ 4 – 6 giây (hít ngực bụng nở).

Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, cuối thời hạ chân xuống. Thời gian 4 – 6 giây. (Giữ hơi hít thêm). 

Thời 3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc. Thời gian 4 – 6 giây. (Thở không kiềm thúc). 

Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn  bị trở lại thời 1. Thời gian 4 – 6 giây. (Nghỉ nặng ấm thân).

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI