Chỉ đường cho hươu...

Kẻ trộm vặt trong nhà

04/05/2025 - 06:00

PNO - Em trai cháu năm nay 16 tuổi, đã có người yêu, luôn tỏ ra nam tính. Gần đây nhà cháu có hiện tượng mất đồ, mất tiền...

Em trai của cháu tròn 16 tuổi, đã có người yêu học cùng lớp. Em ấy luôn tỏ ra nam tính, ngày ngày mặc đồng phục học sinh thẳng thớm, chạy xe đưa đón người yêu đi học. Nghe nói gia đình bạn gái kia cũng có cảm tình với em trai.

Tuy nhiên gần đây trong nhà em có hiện tượng mất đồ: khi thì chai dầu gội đầu, lúc thì lọ nước hoa, có khi xấp tiền polymer còn bị thiếu vài tờ... Ba mẹ em ngờ rằng em trai em lấy trộm để tặng người yêu. Nếu chuyện này cứ tiếp diễn thì liệu em của em có thể phạm pháp ở tuổi vị thành niên không. Người cùng nhà mà lúc nào cũng đề phòng chuyện mất đồ, thật chán!

Em trai cháu như vậy là do yêu đương sớm hay có "máu trộm cắp"? Gia đình cháu phải làm gì để uốn nắn em ấy?

Hồng D. ( huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Trước hết cháu cần khen ngợi em trai rõ ràng trong tình cảm và biết nhận lãnh trách nhiệm lo cho bạn gái. Thế nhưng, nam tính ở đây là phải khẳng định được năng lực bản thân và biết lo cho người yêu bằng đồng tiền chính đáng mình kiếm được. Muốn vậy, phải có nghề nghiệp vững chắc, có sức khỏe và nhân cách tốt để có thể gánh vác vai trò của người đàn ông. Lúc này em trai còn đang đi học, sống dựa vào cha mẹ mà cứ ráng chứng tỏ với bạn gái thì khác nào kẻ sĩ diện, hão huyền, chưa kể còn phạm tội "chôm đồ nhà".

Cháu cũng cần nhắc em: trách nhiệm của người con trai không chỉ là đưa đón người yêu đi về, quan tâm những nhu cầu nho nhỏ của bạn gái, mà quan trọng là phải giữ cho bạn gái trong "vùng an toàn" của tình cảm trong sáng, cư xử đứng đắn, tránh những hành vi vượt giới hạn, sao cho gia đình bạn gái cảm thấy yên tâm tin tưởng.

Cháu cũng nên xin phép ba mẹ cho em trai mời người yêu về nhà chơi, vừa để tiếp xúc và tìm hiểu, qua đó dễ góp ý cho người nhà mình, vừa tránh việc đôi trẻ gặp gỡ nhau ở những nơi quá "riêng tư".

Về việc em trai "chôm đồ" trong nhà đi tặng bạn gái, gia đình vốn biết rõ tính tình và cách hành xử trước giờ của con em mình. Trộm cắp là hệ luỵ của một quá trình, cho dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì vẫn nên phòng ngừa bằng cách để ý quan sát những hành vi, tâm lý bất thường ở em cháu.

Trong nhà, nên hạn chế sự phô bày của cải, tránh kích động thói xấu của em (nảy lòng tham, tiện thể "cầm nhầm"…). Kẻ trộm vặt dễ lợi dụng sự chủ quan, tin tưởng của mối quan hệ ruột rà nên ung dung cho rằng dù có gây ra lỗi lầm gì cũng sẽ được tha thứ.

Nghiên cứu về nguyên nhân phạm pháp của thanh thiếu niên, nhà tâm lý học hành vi Moffitt năm1993 đã phân biệt 2 loại hành vi:

- Hành vi phạm pháp kéo dài suốt đời, ám chỉ hành vi phản xã hội xuất hiện từ lúc đầu đời và tiếp tục trong những năm tháng tiếp theo. Những cá nhân này có thể bắt đầu đánh bạn học khi mới lên 3 tuổi, sau đó chuyển sang ăn cắp vặt lúc 12 tuổi, rồi ăn trộm lúc 16 tuổi trở đi. Theo thống kê, chỉ có 5% thanh thiếu niên giống với mẫu hành vi xã hội này.

- Hành vi phạm pháp trong thời gian ngắn, chỉ có ở độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi): đối tượng tham gia vào các trò "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" như ăn cắp vặt, hút thuốc, tụ tập đánh nhau, trêu chọc bạn gái… nhưng vẫn chấp hành quy định của trường học. Hành vi "trẻ trâu" biến mất khi "trăng đến rằm trăng tròn".

Cháu và gia đình cần thường xuyên quan sát xem em ấy giao du với đối tượng bạn bè nào, có những dấu hiệu gì bất thường trong sinh hoạt hàng ngày... để kịp thời khuyên bảo, ngăn chặn bằng mọi hình thức. Nếu em ấy không rút kinh nghiệm mà tiếp tục kiếm tiền bằng mọi cách để cung phụng bạn gái, phải có biện pháp mạnh tay hơn.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI