Jazz - 'tử huyệt' của nhạc đại chúng Việt?

28/11/2018 - 15:35

PNO - Dù chẳng phải mới du nhập vào Việt Nam, tới nay, jazz vẫn là kiểu 'gió nghịch mùa', không được lòng số đông. So với những thể loại nhạc khác, khán giả ở ta thường có định kiến khi cho rằng, jazz khó nghe.

Không phải hễ “nhảy” vào là nghe được

Mới đây, nhờ nghệ sĩ trumpet Cường Vũ giới thiệu, dự án Jazz Through Time - do Soul Live Project Complex khởi xướng - mới nhận được cái gật đầu của nghệ sĩ David Binney, sang Việt Nam biểu diễn. Đây là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nhạc jazz quốc tế hiện nay. 

Jazz - 'tu huyet' cua nhac dai chung Viet?

Được đánh giá là một trong những nghệ sĩ hàng đầu thế giới về jazz, màn biểu diễn của David Binney vẫn khiến nhiều khán giả Việt Nam “không hiểu gì”.

Trong hơn 60 phút biểu diễn, màn ứng tác của anh và các đồng nghiệp diễn ra đầy ngẫu hứng. Thế nhưng, không ít khán giả có mặt nhận xét rằng, đây là một thứ jazz “khó nuốt”; dù trước đó, trả lời phỏng vấn, David Binney bảo thứ nhạc jazz anh giới thiệu tới công chúng Việt Nam chỉ là “thứ jazz cơ bản”. 

Trong cuộc họp báo ra mắt đĩa nhạc Saigon Feel, khi được hỏi về thứ jazz “ve vuốt”, ca sĩ Hồ Trung Dũng thừa nhận, ở Việt Nam, nhắc đến jazz, khán giả thường mặc định đây là thể loại khó nghe. Vốn là ca sĩ gắn bó với dòng nhạc pop, theo phong cách trữ tình, khi chuyển sang hát jazz, Hồ Trung Dũng không muốn làm khán giả “sốc”. Thành ra, anh và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã chọn biện pháp an toàn: pha một chút pop, hip-hop, swing, RnB… trong album.

Hồ Trung Dũng nói, đây là con đường đi từ những gì khán giả quen thuộc, gần gũi đến jazz, một cách nhẹ nhàng, êm ái, vô thức nhất có thể. Chưa biết album này lỗ lãi ra sao, nhưng khi chia sẻ dự định làm một album nhạc jazz, đa số bạn bè đã gọi Hồ Trung Dũng là “kẻ khùng”, “nhạc đó… ma nó nghe”.

Trần Mạnh Tuấn là một trong hai nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng của Việt Nam (người còn lại là Quyền Văn Minh - PV). Thế nhưng, The Oriental Mood (Âm hưởng Đông phương) - live show kèm album cùng tên, hợp tác cùng nghệ sĩ quốc tế Nguyên Lê, diễn ra cách đây mấy tháng, được Trần Mạnh Tuấn tự đánh giá là thành công nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhưng “chưa chắc nó được đón nhận như Về quê, Hạ trắng… 

Jazz - 'tu huyet' cua nhac dai chung Viet?
Bóng tối jazz - album phòng thu thứ 2 của nhạc sỹ Giáng Son

Vài chục năm trước, Trần Mạnh Tuấn từng công bố những đĩa nhạc jazz như Ru rừng, Thằng cuội… nhưng lúc đó, truyền thông chưa phát triển, Facebook chưa có, ít người biết. Đến nay, đây vẫn là hai sản phẩm trong… bóng tối.

Trước những album vừa kể, trên thị trường nhạc Việt, cũng có vài sản phẩm âm nhạc có màu của jazz ra mắt, thăm dò tai nghe đại chúng, như Bóng tối Jazz - album phòng thu thứ 2, ra mắt năm 2015, của Giáng Son, hợp tác cùng Tùng Dương và Hà Trần. Sản phẩm này cũng là một thứ jazz “dè dặt” và cũng đã được pha rất kỹ với những thể loại âm nhạc khác.

Dù được giới chuyên môn và bạn yêu nhạc đánh giá cao, thậm chí Bóng tối jazz còn giúp Giáng Son chiến thắng ở hạng mục Album của năm tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2016, album vẫn là một “thử thách” đối với tai nghe của công chúng Việt Nam.

Ngoài các album phòng thu, ở một số chương trình, vẫn có lác đác những ca sĩ theo phong cách nhạc jazz. Nhưng đó chỉ là những màn trình diễn lẻ tẻ, chưa tạo thành một vệt riêng đủ mạnh. Jazz hiện vẫn còn mỏng, nhỏ, đặt bên cạnh (thậm chí) bị “nuốt chửng” bởi những thể loại âm nhạc khác

Clip biểu diễn của nghệ sĩ Quyền Văn Minh: 

Dù có vị trí sang trọng trong nền âm nhạc thế giới, bản thân các nghệ sĩ Việt Nam cũng có không ít nghệ sĩ mang giấc mộng lớn với thể loại đầy tính ngẫu hứng, tự do, cá tính này, thế nhưng, vì nhiều lý do, tới nay, những sản phẩm mang tên jazz chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Vẫn hoài “bé bỏng”

"Tôi hay khuyên các bạn trẻ, muốn theo jazz, phải làm sâu hơn những cái mà thế hệ đàn anh, đàn chú đã làm hoặc tìm cách khác như jazz, dân gian với điện tử, jazz với pop… Chúng ta cần một con đường để khác biệt, để không lặp lại người khác. Ở đây không phải là câu chuyện kỹ thuật. Kỹ thuật là yếu tố hiển nhiên và bắt buộc mà bất cứ nghệ sĩ chuyên nghiệp nào cũng phải tự trang bị, nếu không, vĩnh viễn chỉ là copy”.


Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

Nhạc jazz vào Việt Nam từ sớm. Những Đoàn Chuẩn - Từ Linh, do ảnh hưởng nhạc Pháp, cũng đã viết những giai điệu rất jazz như bài Tình nghệ sĩ, Gửi gió cho mây ngàn bay… Jazz còn được nhen nhóm ở các quán bar, câu lạc bộ Mỹ… Dù vậy, trước năm 1975, nhạc jazz vẫn chưa có dấu ấn gì nổi trội, mới chỉ dừng ở mức “nho nhỏ”, dạng… underground.

Mãi sau này, thông qua hoạt động và biểu diễn của một vài người như Quyền Văn Minh, Trần Mạnh Tuấn, jazz mới chính thức được công diễn trên những sân khấu lớn.

Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ, thông qua chuỗi dự án Jazz Through Time, anh muốn mang những âm thanh jazz mới mẻ của thời đại, được trình diễn bởi các nghệ sĩ tài ba trên thế giới, khu vực và trong nước đến với khán giả Việt Nam. Để thúc đẩy nhạc jazz Việt Nam, cần có những nghệ sĩ quốc tế đến đây. Thế nhưng, thị trường âm nhạc của ta quá bé nhỏ, khán giả lại chưa đủ am hiểu để thưởng thức, mời họ sang biểu diễn không phải chuyện dễ dàng.

Jazz - 'tu huyet' cua nhac dai chung Viet?
Cha con nghệ sỹ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc

“Khó, nhưng vẫn phải làm, phải có những dự án để nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, chia sẻ được tài sản của họ với chúng ta, mới khuyến khích được người trẻ hiểu hơn về jazz” - Thanh Bùi nói. Sau David Binney, Jazz Through Time sẽ tiếp tục với Cường Vũ - nghệ sĩ trumpet gốc Việt từng đoạt 2 giải Grammy - trong thời gian tới.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết, hiện cũng có những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc jazz, nhưng hoạt động của họ chưa thành hình rõ nét để nhận diện. Đây là thời có thể học hỏi được rất nhiều thứ từ truyền thông, internet, nhưng ngược lại, vì xuất hiện sau, các nghệ sĩ trẻ cũng đứng trước nhiều thử thách nếu muốn chinh phục thể loại âm nhạc này.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng, jazz không phải là thể loại mà khán giả có thể nhảy vào là nghe được liền. Nhạc cổ điển đã kén tai, nhạc jazz còn kén hơn. Thang âm của nhạc pop rất thuận tai, nhưng jazz toàn sử dụng quãng nghịch. Càng nghịch càng “đặc”, càng ra chất. Muốn khán giả Việt Nam tiếp cận được, phải pha loãng đi.

Trả lời cho câu hỏi vì sao nhạc jazz lại là một “khe hẹp” ở Việt Nam, cả Trần Mạnh Tuấn, Thanh Bùi, Võ Thiện Thanh đều cho rằng, người Việt Nam chưa có một nền tảng để nghe nhạc jazz. Ở Mỹ hay châu Âu, ngay từ nhỏ, người ta đã được sống với loại nhạc đó. Chuyện họ tiếp cận, đọc vị, nghe ra nhạc jazz là điều hết sức hiển nhiên. Người Việt Nam không được giáo dục âm nhạc bài bản, không có văn hóa nghe nhạc jazz, nên ta cũng không có quyền trách khán giả.

Jazz - 'tu huyet' cua nhac dai chung Viet?

Nhạc jazz Việt Nam cần nhiều cái tên hơn nữa thay vì chỉ loanh quanh Trần Mạnh Tuấn, Quyền Văn Minh…

Có lẽ đó cũng là lý do mà dù có một ông bố “lớn” trong nhà, Trần Mạnh Tuấn vẫn phải để con gái An Trần sang Mỹ học nhạc. Anh nói: “Trần Mạnh Tuấn hoàn toàn có thể dạy con gái kỹ năng, nhưng không dạy ra được một nghệ sĩ. Để thành một nghệ sĩ đúng nghĩa, cần thời gian thấu hiểu, học hỏi, đặc biệt là trải nghiệm các thể loại nhạc, tiếp xúc với bạn bè thế giới”. Trần Mạnh Tuấn đánh giá, người trẻ hiện nay chưa được phát triển tư duy một cách đồng bộ, mới chỉ dừng lại là những người chơi nhạc cụ.

Nói nhạc jazz là “tử lộ” của âm nhạc đại chúng Việt Nam, có vẻ hơi nặng lời. Trần Mạnh Tuấn bảo đó chỉ là một con đường hẹp, với những khán giả chọn lọc. Song, nếu kiên trì, có tài năng, nghệ sĩ vẫn hoàn toàn sống khỏe bằng nghề. Có điều, một Quyền Văn Minh, một Trần Mạnh Tuấn thôi chưa đủ để nhận diện jazz Việt Nam. Vẫn cần nhiều người “nói ít làm nhiều” hơn nữa, khi đó, chúng ta mới bàn tới câu chuyện lớn hơn. 

 Đậu Dung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI