“Nữ hoàng nhạc jazz” Tuyết Loan: “Nữ hoàng” cũng giống “thần dân”

18/03/2014 - 02:07

PNO - PN - Nhắc đến jazz Việt Nam là không thể không nhắc đến bà. Tên tuổi của bà còn vượt ra khỏi Việt Nam từ năm 1993, khi một nhóm các nhà sản xuất âm nhạc Singapore nghe bà hát, kinh ngạc về một giọng jazz đặc biệt từ Việt Nam, đã...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ đó, Tuyết Loan được người nghe jazz “tấn phong” là Nữ hoàng nhạc jazz Việt Nam. Thế nhưng, suốt 50 năm theo đuổi jazz bà chỉ có hai CD và một DVD ghi hình liveshow, tất cả đều là ca khúc jazz tiếng Anh. Đầu năm 2014, lần đầu tiên Tuyết Loan ra một album jazz tiếng Việt mang tên Thuở ấy có jazz gồm những ca khúc như Tôi đi giữa hoàng hôn, Ai về sông Tương, Cho em quên tuổi ngọc, Chuyện người con gái… 

* Hát jazz bằng tiếng Việt thì thật… lạ. Bà hát thế nào?

- Tôi hát tiếng Anh cả đời rồi, ra album cũng tiếng Anh. Tôi không biết mình sẽ còn hát được bao lâu nên muốn có một album nào đó để kỷ niệm. Tôi là người Việt mà không có album nào tiếng Việt thì buồn lắm. Nói là kỷ niệm nhưng không phải làm cho có. Các nhạc sĩ hòa âm cho album Vũ Trọng Hiếu, Phạm Kiên Hoài đều là những người có tên tuổi trong dòng nhạc jazz tại Việt Nam. Hát jazz bằng tiếng Việt rất khó, vì phát âm tiếng Việt không giống tiếng Anh, tiếng Việt lại có dấu nữa, luyến láy khó lắm. Một lý do nhỏ nữa để tôi làm album này là vì bố tôi. Ông không quen nghe nhạc nước ngoài, xưa giờ dù vẫn nghe tôi hát nhưng ông không “cảm” được mấy. Tôi muốn làm album này để ông nghe con gái ông hát rõ hơn, khi ông còn nghe được. Bố tôi đã gần 90 rồi.

* Lâu nay, nhiều ca sĩ trẻ cũng đưa âm hưởng jazz vào các ca khúc của mình, hoặc thử sức với vài bản jazz. Album của “Nữ hoàng nhạc jazz” liệu có khác biệt so với các album đó?

- Khác nhiều đấy, nên có thể nhiều người sẽ... sốc. Tôi sẽ hát jazz hoàn toàn, jazz thuần chứ không pha trộn như nhiều người khác. Với bài Tôi đi giữa hoàng hôn, nghe lần đầu có thể sẽ chẳng ai thích, vì nó không giống tí nào với mọi phiên bản trước. Cũng chính vì thế, tôi chọn cách sắp xếp album đi từ “nhẹ” đến “nặng”, nghĩa là ca khúc nào ít khác biệt nhất sẽ nằm trước, sau đó dần dần tăng “đô”, sau đó mới trở về với jazz nhẹ.

“Nu hoang nhac jazz”  Tuyet Loan: “Nu hoang” cung giong “than dan”

* Ở Việt Nam, jazz không có nhiều khán giả. Làm “nữ hoàng” nhưng không có mấy “thần dân”, bà có chạnh lòng?

- Tôi cám ơn vì người ta đã gọi tôi là “Nữ hoàng nhạc jazz”. Thật ra, tôi chưa bao giờ có cảm giác phấn khích hay hào hứng với danh xưng đó cả, càng không bị áp lực về nó. Tôi chỉ là một Tuyết Loan đam mê nhạc jazz mà thôi. Hiện hàng tuần tôi vẫn hát jazz đều đặn tại Câu lạc bộ jazz của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn. Không ồn ào, không đại chúng nhưng tôi vẫn được sống hết mình với jazz. Trước đây, khán giả ở câu lạc bộ này đa phần là người nước ngoài, nhưng vài năm gần đây khán giả Việt Nam đến cũng nhiều, đặc biệt là khán giả trẻ. Dù có nhiều hay ít khán giả tôi vẫn biết mình là ai, mình không phải là ca sĩ quá nổi tiếng. Biết người biết ta nên tôi thoải mái lắm. Kiếm được nhiều thì tôi ăn nhà hàng, ít thì tôi ra vỉa hè ăn cơm đĩa. Niềm vui trong cuộc sống của tôi chưa bao giờ phụ thuộc vào việc tôi là “nữ hoàng” hay “thần dân”, nhiều tiền hay ít tiền.

* Chưa hề qua trường lớp đào tạo nào nhưng bà lại trở thành một giọng ca jazz đỉnh cao, dù jazz là một thể loại khó. Điều gì đã giúp bà làm được như vậy?

- Tôi mê hát từ lúc còn nhỏ xíu, mê nhất là nhạc jazz. 14 tuổi tôi nghỉ học để đi hát. Ngày đó tôi hát nhiều thể loại nhưng mê nhất vẫn là jazz. Ngày tôi nghỉ học, ba tôi đánh cho một trận, mang quần áo của tôi ra đốt, nhưng tôi vẫn nhất quyết đi hát. Sau này, chính ông cũng thừa nhận nhờ đi hát mà tôi nuôi được cả gia đình sáu đứa em, kể từ lúc mẹ tôi mất năm tôi 20 tuổi.

Không có gì làm nên một Tuyết Loan jazz ngoài sự đam mê. Sau này, ông thầy dạy đàn piano cho tôi cũng là người mê jazz, ông ấy chỉ thêm cho tôi vài điều. Chỉ có thế mà thôi.

* Từ nhỏ đến lớn bà chưa bao giờ kiếm tiền bằng cách nào khác ngoài đi hát, vậy với việc nuôi sáu người em và từng có một thời gian không thể hát jazz, những ngày đó của bà như thế nào?

- Tôi không biết kinh doanh. Giờ thì có chồng tôi, ba đứa con của tôi kinh doanh, nên tôi có chỗ dựa về kinh tế ổn định. Jazz thì chỉ có thể hát ở phòng trà, câu lạc bộ, mà có một giai đoạn các phòng trà ở thành phố đóng cửa, tôi phải hát thể loại nhạc khác với các đoàn ca nhạc của thành phố. Dĩ nhiên là tiền kiếm được ít hơn, nhưng giai đoạn đó thì ai cũng thế thôi.

* Nhắc đến jazz, người ta hay nghĩ đến một cái gì đó sang trọng, kiểu cách - trái ngược với con người bà. Bà có thấy thế không?

- Tôi không biết mọi người quan niệm jazz như thế nào, nhưng tôi là một người “rặt” Nam bộ. Tôi sống chân thực với chính mình, bộc lộ cuộc sống đó cũng theo cách không hề giấu giếm. Tôi yêu và ghét rất bộc trực, không câu nệ hình thức. Tôi cũng không hay phiền muộn vì tính cách của tôi là thế, không bao giờ hoài tiếc hôm qua hay đặt mục tiêu to lớn cho ngày mai. Tôi thấy như vậy áp lực lắm. Tôi sống hết mình với những gì tôi đang có, ở ngay hôm nay.

 Võ Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI