'Hươu ơi, chạy đường này!'

24/12/2017 - 08:36

PNO - Khéo léo và tâm lý để định hướng và dẫn dắt con trẻ đam mê thần tượng đúng đắn và hài hòa với những đam mê khác trong cuộc sống là điều người lớn phải làm. Không nên ngăn cấm hoặc tuyên chiến với thần tượng của trẻ.

Phát cuồng vì thần tượng (idol) là hiện tượng đang rất phổ biến trong giới trẻ, khiến nhiều người lớn không khỏi bức xúc. Hiện tượng này có thật sự là đáng chê trách? Phụ huynh và các thầy cô giáo nên ứng xử với nó như thế nào để có thể giúp định hướng và dẫn dắt con em mình đam mê “ai đồ” một cách đúng đắn và cân bằng?

'Huou oi, chay duong nay!'
 

Phát cuồng vì thần tượng

Tôi từng tức điên khi thấy cô con gái 15 tuổi dán mắt vào điện thoại say sưa xem gì đấy lúc... 2g sáng. Hóa ra con gái đang mê đắm theo dõi một nam vận động viên trượt băng nghệ thuật người Nhật. Cậu này có diện mạo hệt như con gái tôi. Rõ ràng con gái tôi đang phát cuồng vì “ai đồ” (idol).

Tôi thật sự choáng váng với cái phát hiện cô con gái tưởng “già trước tuổi” của mình cũng không khác gì những cô cậu bé tuổi teen: mê idol! Tuy thần tượng là một nhân vật lành mạnh nhưng cuồng đến mức ngày nào cũng dõi theo đến quên ăn, quên ngủ thì thật là… thảm họa!

Thử nhìn thực trạng ngoài xã hội, suốt hai ngày 23 và 24/11, hàng trăm bạn trẻ đã tụ tập chật kín ga đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đón các... oppa (anh yêu) Hàn Quốc sang tham gia sự kiện âm nhạc MAMA. Các em không thể ngồi học cả ngày nhưng lại có thể bám trụ cả ngày chỉ để chứng kiến khoảnh khắc thần tượng xuất hiện.

Có em nhịn đói đến lả người, nhiều em đu đeo theo xe chở thần tượng đến té ngã. Gặp được oppa, các em gào thét, thậm chí khóc ngất… như lên đồng. Rồi thần tượng đi đâu, làm gì… đều được các paparazzi nhí đeo bám không rời bằng ống nhòm, máy ảnh. 

Theo dõi fanpage các nhóm nhạc, ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc ở lứa tuổi học trò, tôi phát hiện các em còn vất vả liên lạc tận các fandom (cộng đồng những người hâm mộ) quốc tế để nắm lịch trình đi lại của thần tượng, bàn kế hoạch góp tiền mua hoa, làm băng rôn, mua máy ảnh xịn… để chào đón thần tượng sao cho thật hoành tráng. 

Có nhóm còn phân công người bám thần tượng để có những thông tin và hình ảnh thật “nóng” cho cả nhóm. Nhiều em học trò của tôi khoe đã mất cả tuần lên kế hoạch tác chiến cho hai ngày thần tượng “vi hành” đến Việt Nam. Có em trốn tiết học để đi gặp thần tượng. 

'Huou oi, chay duong nay!'

Có vẻ như đa số học sinh - sinh viên đều mê idol là nghệ sĩ. Không mê sao được khi những nhân vật này luôn xuất hiện với vầng hào quang của thành công và danh vọng bao quanh. Hiện tượng này đâu chỉ tập trung ở các thành phố lớn, mà còn ở cả mọi địa phương.

Có khi các em nhịn ăn sáng cả tháng chỉ để mua một món đồ do thần tượng quảng cáo, ngắm thôi chứ không dám xài; hoặc góp tiền trồng rừng tận Hàn Quốc chỉ để đặt tên cặp đôi mà các em ghép cặp từ một bộ phim. Khủng khiếp hơn, có nữ sinh sẵn sàng trốn học đi chơi với người đàn ông lớn tuổi, để có tiền mua chiếc nón giống của idol đang xài…

Không có idol, con sẽ chết!

Con người luôn tôn thờ một điều gì hoặc một ai đó khiến tâm thức chúng ta thấy trân trọng và yêu quý mãnh liệt. Bởi thế, những “ai đồ” được các “fan cuồng” đặt ở một vị trí bất khả xâm phạm. Nếu ai đó muốn lật đổ hoặc tiêu diệt “ai đồ” lập tức sẽ vấp phải sự phản kháng.

Nhẹ thì “sứt mẻ” quan hệ với các fan cuồng. Nặng sẽ là cự cãi, thậm chí các fan dùng cả bạo lực để bảo vệ Idol. Từng có học sinh đòi “sống chết” chỉ vì bố mẹ lỡ xé hình thần tượng. Điều gì đã tạo nên thứ tình cảm điên cuồng đến mất cả lý trí đó?

Tâm lý con người, dù ở nền văn hóa nào, cũng có xu hướng hướng đến những điều tốt đẹp hoặc những điều chúng ta chưa được hoàn thiện. Một cô gái kém nhan sắc có thể suốt ngày ngắm ảnh một cô người mẫu xinh đẹp và mỗi khi như thế cô gái sẽ tưởng tượng mình cũng đẹp như cô người mẫu, não cô sẽ tiết ra chất dopamin khiến cô hạnh phúc.

'Huou oi, chay duong nay!'

Dần dà, não cô bị nghiện cảm giác hạnh phúc do dopamin mang lại. Để có thêm dopamin, lý trí sẽ thúc giục cô phải ngắm nhìn “ai đồ” để lại có được cảm giác hạnh phúc. Ngày qua ngày, việc nhìn ngắm thần tượng trở thành một nhu cầu cháy bỏng, khiến lý trí mê muội, chỉ còn biết làm thế nào để gần hơn với thần tượng. Từ đó hình thành những mong muốn cực đoan.

Nhẹ thì có nhu cầu mua những món đồ thần tượng đang xài, đi con đường thần tượng hay đi, ăn món ăn thần tượng hay “seo phi”, thậm chí hôn chiếc ghế thần tượng đã ngồi... Nặng thì đòi làm người yêu, muốn chiếm hữu thần tượng… Nếu không được thỏa mãn với thứ hạnh phúc ảo đó (khi idol bị phát hiện có người yêu, hoặc vướng scandal), fan cuồng sẽ sụp đổ, chỉ muốn từ bỏ cuộc sống.

Cấm được không?

Ngăn cấm một đứa trẻ thần tượng một nhân vật mà nó đang dành hết tâm trí để hướng đến chẳng khác nào lấy một tảng đá đặt trên đường ray để dừng một đoàn tàu đang lao đến. Ai cũng hiểu là không thể dừng được đoàn tàu. Và hậu quả cũng rất dễ dự báo. Nếu tảng đá to, đoàn tàu sẽ đổ. Cũng như thế, khi bị ngăn cản, đứa trẻ sẽ sụp đổ hoặc sẽ phát sinh phản ứng tiêu cực.

Hậu quả trước mắt là đứa trẻ sẽ dần xa lánh cha mẹ, tệ hơn là bỏ nhà đi. Vì thế, việc quan trọng nhất là phụ huynh và thầy cô phải giúp trẻ tạo ra được nội lực. Nội lực đó sẽ giúp trẻ biết tự nhận thức và lý giải hành vi của chính mình. 

Việc tốt nhất mà người lớn chúng ta có thể làm cho con trẻ là hãy yêu thích những gì con trẻ yêu thích. Tiếp theo là giúp trẻ biết tự phản biện, đánh giá những hành vi nên và không nên. Cụ thể, chúng ta có thể cùng đi với con xem một bộ phim có thần tượng của con tham gia; tặng quà sinh nhật cho con một chiếc đĩa CD của ca sĩ con yêu thích; lắng nghe con nói về những mong muốn, mơ ước liên quan đến thần tượng và sẵn sàng giúp con thực hiện nếu con đạt kết quả cao trong học tập…

'Huou oi, chay duong nay!'

Việc một đứa trẻ tôn thờ thần tượng là một hành vi xã hội hết sức tự nhiên không cần ngăn cấm. Phụ huynh và thầy cô chỉ nên can thiệp một cách khéo léo và có văn hóa. Tuyệt đối đừng bao giờ công kích trẻ mà nên hỏi trẻ những câu đại loại:

- Vì sao con yêu thích anh, chị này như vậy? (để tìm hiểu nhận thức của trẻ).

- Những nhân vật này có ưu điểm gì? (để hướng trẻ chú ý đến ưu điểm mà học hỏi 
tích cực).

- Con học được gì từ họ? (để định hướng hành vi).

- Làm thế nào để con có thể học tập từ họ? (cam kết hành vi).

- Nếu con phát hiện idol của con cũng có những góc khuất không như con nghĩ, con sẽ nghĩ gì, làm gì? (đánh giá hành vi, phản biện đa chiều).

- Nếu con không thể giống được họ, con mất thời gian nhiều như thế để làm gì? Có đáng không? Nếu có thì con hãy chứng minh cho ba mẹ xem; nếu không thì bây giờ con nên làm gì? (phản biện sự việc để tìm ra những hướng suy nghĩ tích cực khác).

Một đứa trẻ tìm kiếm một hình mẫu để học hỏi và hướng tới để trở thành hình mẫu đó là một biện pháp tự giáo dục dựa trên nền tảng của môn khoa học NLP (Neuro-Linguistic Programming, tức lập trình ngôn ngữ tư duy). Khoa học đã chứng minh, những hình mẫu tích cực có thể giúp con người vượt lên chính mình để thay đổi tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ thành công trong tương lai.

Tuy nhiên, không nên biến dạng hành vi thành sự cuồng tín, bởi bất kỳ sự cuồng tín nào cũng dẫn đến mất lý trí và phát sinh những hệ lụy nguy hiểm. Vấn đề là phụ huynh và thầy cô hãy giúp trẻ tìm kiếm một hình mẫu phù hợp và xây dựng một mục tiêu tốt nhất cho trẻ. 

Nếu trẻ muốn trở thành xinh đẹp, mạnh mẽ, hát hay, đóng phim giỏi, nổi tiếng hay giàu có thì điều đó không hề vi phạm phạm trù đạo đức nào; bởi không nhất thiết cứ phải là kỹ sư, bác sĩ mới là mơ ước chính đáng. Đừng bắt trẻ phải thích cái người lớn thích, xem cái người lớn xem, sống cuộc sống người lớn muốn và cuối cùng là phải làm những việc mà bản thân người lớn chưa bao giờ làm được.

Khéo léo và tâm lý để định hướng và dẫn dắt con trẻ đam mê thần tượng một cách đúng đắn và hài hòa với những đam mê khác trong cuộc sống là điều người lớn phải làm. Không nên ngăn cấm hoặc tuyên chiến với thần tượng của trẻ. Vấn đề ở đây cũng như việc chúng ta tạo ra những con đường để hươu được chạy tung tăng một cách an toàn. Người lớn chỉ đứng ngoài quan sát và thỉnh thoảng nhẹ nhàng nhắc nhở: “Hươu ơi, chạy đường này!”. 

Tô Thụy Diễm Quyên 
(chuyên gia giáo dục của Microsoft)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI