Đến giờ thi là bị… ma nhập

23/12/2017 - 08:59

PNO - Cứ đến lúc làm bài thi là cô bé có biểu hiện kỳ lạ như bị "ma nhập" khiến gia đình hoảng sợ, đưa đi khám tâm thần.

Tưởng con giả vờ

Mới đây, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, đã tư vấn và điều trị cho một nữ sinh mắc bệnh lạ. Theo lời kể của gia đình, cứ đến giờ thi là em P. T. D., 15 tuổi (ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM), duỗi người ra sau, mặt mũi đờ đẫn, ai gọi cũng không trả lời. Nhưng hết giờ thi thì D. dần dần trở lại bình thường.

Ban đầu gia đình trách mắng, cho rằng D. không thích đi học, sợ làm bài thi nên cố tình giả vờ. Tuy nhiên, hiện tượng này lây lan sang ba - bốn học sinh ngồi gần, gây ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp nên nhà trường yêu cầu phụ huynh đưa con đi khám để có hướng can thiệp. 

Sau khi khám cho D. và quan sát, bác sĩ Quang xác định bệnh nhân bị chứng rối loạn phân ly. Nguyên nhân khởi phát bệnh do môi trường sống trong gia đình. D. là con một, quen được chiều chuộng nên nhân cách dễ bùng nổ, khi gặp trở ngại thường nảy sinh phản ứng tiêu cực.

Để điều trị triệt để cho cô bé, bác sĩ Quang đã yêu cầu được gặp cả cha mẹ và bà nội. Ông phân tích để cả nhà thay đổi cách ứng xử, giải tỏa tâm lý cho các thành viên. Mỗi tháng, không chỉ D. mà bố mẹ em cũng đi tái khám. Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định, không lên cơn rối loạn phân ly tái phát. 

Den gio thi la bi… ma nhap
Để dập tắt hiện tượng rối loạn phân ly tập thể cần cách ly người đầu tiên khởi phát triệu chứng khỏi đám đông

Dễ bị xuyên tạc, mê tín dị đoan

Bác sĩ Quang đã gặp nhiều trường hợp tương tự như em D. đến điều trị. Ông cho biết, rối loạn phân ly không phải bệnh lạ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc chứng bệnh này từ 0,3%-0,5% dân số. Mới đây nhất, ngày 18/12 là vụ 9 học sinh ở Bắc Kạn bỗng dưng ngất rồi tỉnh, nhảy nhót, nói năng lảm nhảm, được xác định nguyên nhân do chứng rối loạn phân ly.

Trước đó, vào tháng 7, khoảng 10 bệnh nhân ở cùng một bản tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cũng bị tình trạng tương tự. Đây là lần thứ hai trong năm nay xảy ra hiện tượng rối loạn phân ly tập thể như vậy. Do điều kiện tiếp nhận thông tin về bệnh tật của người dân chưa đầy đủ, đặc biệt ở các vùng quê xa xôi, nên sự việc dễ bị xuyên tạc, thêu dệt thành các câu chuyện mang tính chất mê tín dị đoan khiến dư luận hoang mang.

Rối loạn phân ly hay còn gọi là Hysteria. Bệnh tập hợp các triệu chứng rối loạn thần kinh biểu hiện qua các cơn phức tạp. Người bệnh thường khởi phát cơn ở chỗ đông người, đột ngột và có tính chất lan truyền. Về mặt lâm sàng của bệnh khá đa dạng, có thể nhận biết bằng các cơn điển hình như: trạng thái co giật, rối loạn hành vi (nhảy nhót), tư duy (phát ngôn lảm nhảm), cảm xúc (la khóc, gào thét, cười nói).

Đặc điểm để phân biệt cơn do rối loạn phân ly và các bệnh lý khác là bệnh nhân chỉ mất một phần ý thức, vẫn nhận thức được xung quanh (mắt vẫn nhìn thấy và quan sát, theo dõi được mọi thứ diễn ra quanh mình). Các cơn rối loạn phân ly có thể kéo dài từ 3-5 phút hoặc lâu hơn. Bệnh nhân càng ở chỗ đông người, càng được vỗ về thì cơn càng lên. Đối tượng dễ bị chứng rối loạn phân ly là thanh thiếu niên, nữ bị nhiều hơn nam.

Den gio thi la bi… ma nhap
 

Đa số bệnh nhân sinh ra là con một trong gia đình khá giả, quen được cưng chiều. Ngược lại, một số khác có hoàn cảnh quá khó khăn, khắc nghiệt, chịu nhiều áp lực tâm lý không giải tỏa được. Các đối tượng này có nền nhân cách yếu, khi gặp phải trở ngại không vượt qua được và phản ứng tiêu cực.

Điều trị rối loạn phân ly cần phải tìm được “người đầu trò”, sau đó cách ly ngay người này ra khỏi đám đông thì sẽ dập tắt được sự lây lan sang người xung quanh. Bằng kỹ thuật trị liệu và thuốc an thần, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân cắt cơn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì việc điều trị chưa hiệu quả.

Nguồn cơn của bệnh xuất phát từ môi trường sống của bệnh nhân, phải tùy từng hoàn cảnh của cá thể, bác sĩ cần tìm hiểu từng thành viên trong gia đình bệnh nhân, giúp họ giải tỏa tâm lý mới là nút thắt của vấn đề. Nếu được điều trị giải ức chế cơn, chia sẻ và quan tâm, bệnh nhân rối loạn phân ly sẽ hồi phục nhanh, khả năng hòa nhập với cộng đồng rất tốt. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI