Hong Kong tịch thu 40kg sừng tê giác trên đường chuyển về Việt Nam

15/02/2019 - 11:14

PNO - Hải quan Hong Kong (Trung Quốc) vừa thu giữ 40kg sừng tê giác, trị giá khoảng 1 triệu USD trên đường vận chuyển từ Johannesburg, Nam Phi, đến Việt Nam.

Hong Kong tich thu 40kg sung te giac tren duong chuyen ve Viet Nam
Với 40kg sừng bị giữ, đây là số lượng sừng tê giác nhiều nhất từng bị cảnh sát thu được qua con đường hàng không.

Trong tuyên bố hôm 14/2, hải quan Hong Kong cho biết số sừng tê giác được tìm thấy trong hai hộp carton, gửi đến thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông liên quan tới vụ việc.

Nhóm bảo tồn WildAid nói: "Điều gây sốc cho chúng tôi là 40kg sừng tê giác ngày nay tương đương với khoảng 20% ​​tổng số sừng tê giác bị bắt ở Hong Kong, giai đoạn từ năm 2013 đến cuối tháng 10/2018".

Hong Kong là một trong những điểm trung chuyển các mặt hàng liên quan tới động vật hoang dã chính của thế giới, bao gồm vây cá mập, sừng tê giác từ khắp châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đại lục.

Phần lớn số hàng buôn lậu dùng cung cấp cho ngành y học cổ truyền. Chẳng hạn, sừng tê giác có giá trị cao, do nhiều người tin là loại sừng này có thể điều trị các bệnh từ ung thư cho đến loại bỏ độc tố.

Hong Kong là một điểm đen toàn cầu do nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức lợi dụng vị trí địa lý đặc biệt của khu vực hành chính, mạng lưới hậu cần và chính sách thực thi pháp luật tương đối lỏng lẻo. Vụ bắt giữ xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi hải quan Hong Kong ngăn chặn đợt buôn lậu lớn từ châu Phi, thu giữ lượng vảy tê tê kỷ lục, cùng với hơn 1.000 chiếc ngà voi.

Hong Kong tich thu 40kg sung te giac tren duong chuyen ve Viet Nam
Ước tính tổng số tê giác trên thế giới chỉ còn chưa đến 29.000 cá thể.

Tất cả các loài tê giác đều nằm trong Phụ lục 1 của Công ước CITES; vì vậy, việc buôn bán chúng trên phạm vi quốc tế là bất hợp pháp. Ước tính số tê giác còn sống trong tự nhiên và nuôi nhốt toàn cầu chưa đến 29.000 con.

Trung Quốc có nhiều bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ động vật hoang dã trong những năm gần đây, nhưng điều này cũng thúc đẩy lợi ích kinh doanh động vật hoang dã.

Sau áp lực từ một số nhà lai tạo, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết vào tháng 10/2018 rằng họ sẽ thay thế lệnh cấm buôn bán xương hổ và sừng tê giác năm 1993, nhằm mở ra các trường hợp ngoại lệ, bao gồm nghiên cứu y học. Nhưng một tháng sau đó, Bắc Kinh đã hoãn động thái này do sự phản đối rộng rãi từ các nhóm bảo tồn.

Năm 2018, chính quyền Hong Kong đã tăng hình phạt đối với việc buôn lậu các loài có nguy cơ tuyệt chủng lên mức tối đa 10 triệu đô la Hong Kong và 10 năm tù.

Tuy nhiên, các nhóm bảo tồn nói rằng tội phạm liên quan tới động vật hoang dã không bị xử nặng như các án hình sự khác, và các vụ truy tố vẫn còn mờ nhạt.

ADM Capital Foundation, tổ chức tập trung vào các thách thức môi trường trên khắp châu Á, viết trong một báo cáo vào tháng 1/2019 rằng buôn bán động vật hoang dã nên được xử theo Pháp lệnh Tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức của Hong Kong (OSCO).

Phương án này có thể tác động mạnh đối với loại hình tội phạm này, và quan trọng hơn là sẽ ngăn chặn tái đầu tư lợi nhuận vào các hoạt động tội phạm tiếp theo.

Tấn Vĩ (Theo Reuters, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI