Hơn 5 triệu ca mắc COVID-19 tại châu Âu, Canada quá tải hệ thống xét nghiệm

24/09/2020 - 07:21

PNO - Tại châu Âu, hơn 380.000 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong tuần qua. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Châu Âu vượt 5 triệu ca nhiễm

Châu Âu đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và 227.130 trường hợp tử vong, tính từ lúc những trường hợp đầu tiên được xác nhận tại đây. Trong số đó, hơn một nửa bệnh nhân dương tính virus đến từ Nga, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Hơn 380.000 ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trong tuần qua, đây là mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Sự gia tăng này hầu hết do các nước tăng cường xét nghiệm. Điển hình ở Pháp, hiện đang tiến hành hơn một triệu lượt xét nghiệm mỗi tuần. 

Ngoài ra, các nước cũng đang lo ngại khi nhiều trường hợp ít nghiêm trọng hoặc không có triệu chứng nhiễm virus không bị phát hiện và âm thầm lây lan ra cộng đồng.

Châu Âu ghi nhận thêm hàng trăm ngàn ca nhiễm mới mỗi tuần.
Châu Âu ghi nhận thêm hàng trăm ngàn ca nhiễm mới mỗi tuần.

Với tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt trong tháng qua, Pháp đã thắt chặt kiểm soát các cuộc tụ tập công cộng và riêng tư tại địa phương, với hy vọng có thể ngăn chặn dịch bệnh và tránh ban bố lệnh phong tỏa quốc gia lần hai. Trong ngày 23/9, chính phủ cũng vừa công bố bản đồ các "khu vực nguy hiểm” của dịch bệnh trên toàn quốc.

Cụ thể  là Marseille, thành phố lớn thứ hai và đảo Guadeloupe thuộc vùng Caribe của Pháp hiện là hai khu vực duy nhất được đặt ở mức cảnh báo "tối đa". Paris và các vùng ngoại ô lân cận cũng như thành phố phía bắc Lille, thị trấn phía tây nam Toulouse và sáu thành phố khác được tuyên bố là "vùng nguy hiểm tăng cường".

Canada quá tải hệ thống thử nghiệm COVID-19

Sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm mới virus gần đây ở Canada, đã tạo ra hàng dài người xếp hàng mỗi ngày tại các trung tâm xét nghiệm và cũng kéo dài thời gian trả kết quả. Điều đáng nói là trong khi các quốc gia khác đã thực hiện các phương pháp mới để kiểm tra COVID-19 như xét nghiệm nhanh tại điểm chăm sóc thì phần lớn Canada vẫn dựa vào các xét nghiệm truyền thống, chậm áp dụng các phương pháp mới.

Với việc xếp hàng dài và chờ đợi kết quả có thể làm tăng tốc độ lây lan của dịch bệnh và khiến cho việc truy tìm tiếp xúc (F1, F2) ở nước này khó khăn hơn.

Hàng dài người xếp hàng chờ đợi thử nghiệm COVID-19.
Hàng dài người xếp hàng chờ đợi xét nghiệm COVID-19.

Ở Canada, số bệnh nhân nhiễm mới virus tăng đột biến với hơn 1.000 ca mỗi ngày, sau khi giảm xuống dưới 300 ca vào cuối tháng 6. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm của Canada chỉ xét nghiệm được khoảng 47.000 ca hàng ngày vào tuần trước, con số còn khá thấp so với yêu cầu 200.000 ca của bộ y tế và chính phủ đề ra.

WHO kêu gọi các quốc gia chống lại thông tin sai lệch

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục kêu gọi các quốc gia thực hiện hành động thúc đẩy thông tin y tế dựa trên cơ sở khoa học và chống lại các thông tin sai lệch.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Hơn bao giờ hết, sự thật là vấn đề quan trọng trong lúc này là chúng tôi kêu gọi các phương tiện truyền thông, các công ty công nghệ, xã hội, các nhà nghiên cứu và mọi người chống lại thông tin lệch lạc”.

Ông vạch ra cách mà thông tin sai lệch dẫn đến nhiều hậu quả khó lường khi quá nhiều người tự làm hại bản thân với phương pháp điều trị bằng hóa chất độc hại hoặc các loại thuốc nguy hiểm, sự kỳ thị ngày càng tăng trong các tổ chức và hệ thống y tế…

Tedros cũng cảnh báo thêm ngay cả khi vắc-xin hiệu quả nhất cũng sẽ thất bại nếu công chúng không tin tưởng vào nó.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI