Bao lâu mới có đủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho thế giới?

18/09/2020 - 06:02

PNO - Sẽ phải mất ít nhất 4 năm nữa mới có đủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho tất cả dân số toàn cầu.

Ông chủ của doanh nghiệp sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới tại Ấn Độ cảnh báo rằng, sẽ phải mất ít nhất 4 năm nữa mới có đủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho tất cả dân số toàn cầu.

Cần nhiều năm để đáp ứng nhu cầu của thế giới 

Adar Poonawalla, giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), tiết lộ với Financial Times hôm 14/9 rằng, các công ty dược phẩm không thể tăng năng lực sản xuất đủ nhanh để tiêm chủng cho tất cả mọi người trước năm 2024. Ông Poonawalla nhận định: “Sẽ mất 4-5 năm cho đến khi tất cả mọi người đều được chủng ngừa trên hành tinh này. Thế giới sẽ cần 15 tỷ liều nếu vắc-xin COVID-19 yêu cầu hai mũi tiêm, giống như bệnh sởi”. 

Vắc-xin COVID-19 chỉ có thể tiếp cận mọi người dân trên thế giới vào năm 2024 do các trở ngại về sản xuất và phân phối
Vắc-xin COVID-19 chỉ có thể tiếp cận mọi người dân trên thế giới vào năm 2024 do các trở ngại về sản xuất và phân phối

Ông Poonawalla đang đàm phán với các nhà đầu tư về việc huy động 600 triệu USD để tăng năng lực sản xuất của công ty và đạt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vắc-xin. Khía cạnh này đòi hỏi doanh nghiệp phải huy động tài chính và pha loãng vốn chủ sở hữu để có đủ vốn quản lý nguyên vật liệu, thiết bị cần thiết trong một hoặc hai năm tới để hoạt động ở quy mô toàn cầu.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ đang làm việc với 5 công ty dược phẩm toàn cầu khác, bao gồm AstraZeneca và Novavax, để phát triển một loại vắc-xin COVID-19 và có thể hợp tác với Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga để sản xuất vắc-xin "Sputnik". Công ty SII sản xuất 1,5 tỷ liều vắc-xin mỗi năm cho hơn 170 quốc gia, hầu hết là các quốc gia đang phát triển, để bảo vệ người dân chống lại các bệnh truyền nhiễm như cúm và bại liệt.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh khoảng 200 công ty dược phẩm và viện nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua tìm kiếm một loại vắc-xin hiệu quả có thể chống lại COVID-19, vốn giết chết gần một triệu người trên toàn cầu. Hơn 30 loại vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, 9 trong số đó đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn III trước khi nộp đơn cấp phép sản xuất hàng loạt.

Tuần trước, AstraZeneca nói rằng vắc-xin của họ, một trong những ứng viên hàng đầu thế giới, có thể ra mắt thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Công ty hiện áp đặt mức giá trần 3 USD cho mỗi liều vắc-xin COVID-19. Thuốc chủng ngừa này sẽ được cung cấp cho 92 quốc gia. Quỹ Bill và Melinda Gates cũng sẽ góp 150 triệu USD để giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất loại vắc-xin đang phát triển bởi Đại học Oxford-AstraZeneca và Novavax.

Không phải ai cũng được tiêm chủng

Ngày 15/9, tiến sĩ Wu Guizhen - trưởng nhóm chuyên gia về an toàn sinh học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) - nói, Trung Quốc đang có những bước tiến quan trọng về nghiên cứu, phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 và người dân có thể tiêm vắc-xin sớm nhất vào cuối năm nay, vì các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III hiện đang diễn ra suôn sẻ. Ông Wu cho biết: "Tôi đã tiêm vắc-xin này vào tháng Tư với tư cách là một tình nguyện viên thử nghiệm. Hiện tại tôi cảm thấy rất ổn".

Tuy nhiên, Gao Fu - Giám đốc CDC Trung Quốc - cho biết hôm 13/9 rằng, Trung Quốc không cần một chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 trên diện rộng vì mầm bệnh đang được kiểm soát hiệu quả - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Ông Gao Fu nói thêm, sẽ rất lãng phí nếu tiêm chủng cho tất cả mọi người và đây là vấn đề cân bằng rủi ro - lợi nhuận. 

Người đứng đầu CDC Trung Quốc cũng cho biết, đợt vắc-xin đầu tiên chủ yếu dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu và đội ngũ phòng, chống dịch, sau đó là các nhân viên an ninh, vệ sinh công cộng và phục vụ ăn uống, công chức làm việc ở những nơi đông người. Tuần trước, Bắc Kinh thừa nhận việc tiêm chủng cho hàng trăm ngàn người theo "giấy phép sử dụng khẩn cấp" - cấp cho 3 ứng viên vắc-xin khi chỉ mới hoàn thành thử nghiệm giai đoạn I và II, đồng thời tiết lộ chưa có trường hợp tác dụng phụ nào xuất hiện cho đến nay. 

Linh La (theo Business Insider, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI