Hơn 100 triệu người trên toàn cầu đã tiêm vắc-xin COVID-19

03/02/2021 - 06:36

PNO - Theo thống kê của AFP, hơn 100 triệu người đã tiếp cận vắc-xin COVID-19 nhưng không có quốc gia nào trong số 29 nước nghèo nhất thế giới bắt đầu đợt tiêm chủng.

Thống kê cho thấy các quốc gia giàu có đã nhận hơn 2/3 số mũi tiêm vắc-xin COVID-19. Đứng đầu là Israel, với 37% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, trong đó hơn 1/5 số người đã nhận được liều thứ hai. Xếp sau Israel, lần lượt là các nước ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Vịnh Ba Tư.

Cụ thể, Anh đã chủng ngừa cho khoảng 13,7% dân số, trong khi Malta đạt 5,4%, Đan Mạch với 3,2% và Ba Lan là 3,1%.

Tuy nhiên, người dân ở các nước nghèo vẫn chưa được tiếp cận vắc-xin, phần nào thể hiện sự thiếu công bằng trong việc phân phối nguồn cung.

Hơn 100 triệu người trên toàn cầu đã tiêm vắc-xin COVID-19.
Hơn 100 triệu người trên toàn cầu đã tiêm vắc-xin COVID-19

Trước hiện trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo "các nước giàu đang tung ra vắc-xin với số lượng lớn, trong khi các nước kém phát triển nhất chỉ biết theo dõi và chờ đợi". Khoảng 101,3 triệu mũi tiêm đã được sử dụng ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ (chủ yếu là các nước giàu có), theo số liệu của AFP.

Trong tháng này, những đợt vắc-xin COVID-19 đầu tiên của chương trình COVAX của WHO, với mục đích phân phối vắc-xin công bằng, mới được triển khai, mở ra cơ hội tiêm chủng cho các quốc gia kém phát triển.

Toàn cầu hiện có 7 loại vắc-xin đang lưu hành, tất cả đều được thiết kế tiêm hai liều.

Trong ngày 2/2, các nhà khoa học cũng đã bật đèn xanh cho vắc-xin Sputnik V của Nga, cho rằng nó có hiệu quả gần 92% trong việc chống lại COVID-19, dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế The Lancet.

Các kết quả mới này được đối chiếu bởi Viện Gamaleya ở Moscow, nơi phát triển và thử nghiệm vắc-xin, phù hợp với đánh giá hiệu quả được báo cáo ở các giai đoạn trước đó, từ tháng 9/2020.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 19.866 tình nguyện viên, trong đó 1/4 người được dùng giả dược. Kể từ khi mọi người được tiêm vắc-xin thử nghiệm ở Moscow, chỉ có 16 trường hợp ghi nhận nhiễm COVID-19 và 62 trường hợp ở nhóm dùng giả dược, cho thấy hiệu quả  của Sputnik V lên đến 91,6%.

Sputnik V là vắc-xin thứ tư trên toàn thế giới có kết quả thử nghiệm giai đoạn III được công bố trên các tạp chí y tế hàng đầu, sau các sản phẩm của công ty Pfizer và BioNTech, Moderna và AstraZeneca phát triển. Vắc-xin của Pfizer có tỷ lệ hiệu quả cao nhất với 95%, theo sau là vắc-xin của Moderna và Sputnik V, trong khi vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả trung bình là 70%.

Chung Thu Hương (theo AFP và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI