Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ: Đã đến lúc cho một cuộc gặp được mong đợi?

29/06/2018 - 09:00

PNO - Một tháng sau cuộc gặp thành công với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử khác với người đồng cấp Nga, Tổng thống Putin.

Cụ thể, Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladmir Putin sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 16/7 tại Helsinki, Phần Lan.

Nhà Trắng cho biết, hai vị lãnh đạo sẽ thảo luận về quan hệ giữa hai nước, và "một loạt vấn đề an ninh quốc gia", xung đột tại Syria, Ukraina và "rất nhiều chủ đề khác". 

Nước Mỹ là trên hết

Hoi nghi thuong dinh Nga - My: Da den luc cho mot cuoc gap duoc mong doi?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị APEC tổ chức ở Việt Nam năm 2017.

Ngay sau khi ông Trump nhận chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2017, cả thế giới dõi theo và đặt câu hỏi: khi nào Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ mới ngồi lại cho một cuộc gặp chính thức.

Tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ cho thấy, cuộc gặp ấy sẽ không xa. Ông Trump đã cử Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tới Nga bàn bạc kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh, dự kiến sẽ diễn ra tại một quốc gia châu Âu trong tháng Bảy tới.

Khi nhậm chức, ông Trump ngay lập tức khẳng định sẽ cải thiện mối quan hệ với Nga. Điều này khiến bản thân ông chịu áp lực rất lớn từ Quốc hội và nhiều người dân. Càng áp lực hơn khi những cuộc điều tra về việc có hay không sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ 2016 đến nay vẫn đang tiếp diễn.

Dù điều này chẳng phải là điều châu Âu, nhất là NATO, mong đợi nhưng ông Trump không quan tâm.

Đây là bước đi giữ đúng lời hứa “nước Mỹ là trên hết”. Ông Trump từ lúc tranh cử đã cho rằng NATO là tổ chức lỗi thời và không đồng ý với những đóng góp quá đìu hiu cho quốc phòng từ các quốc gia thành viên.

Bản thân Mỹ và các quốc gia châu Âu hiện đang có những mâu thuẫn chưa giải quyết được liên quan đến thuế quan, an ninh và nhập cư. Vì thế, bước đi lần này của ông Trump cũng nhằm gửi đi thông điệp đến châu Âu rằng Mỹ có quyền làm những gì cần thiết để đạt mục tiêu “nước Mỹ là trên hết”.

Hoi nghi thuong dinh Nga - My: Da den luc cho mot cuoc gap duoc mong doi?
Tấm ảnh chụp khoảnh khắc căng thẳng trong phiên thảo luận giữa các nhà lãnh đạo G7 với Tổng thống Mỹ Trump. Tấm ảnh do ông Steffen Seibert - người phát ngôn của Thủ tướng Đức Merkel đăng lên Twitter.

Sòng phẳng và thực tế

Hai vị tổng thống từng có những cuộc gặp chóng vánh và từng ngầm đưa những thông điệp ủng hộ, cho thấy thái độ xích lại gần nhau. Chỉ mới tháng trước, khi tới dự thượng đỉnh khối G7 tại Canada, Tổng thống Trump bất ngờ đề nghị mở cửa cho Nga trở lại với G7. Đề nghị này ngay lập tức bị các quốc gia thành viên bác bỏ. Ông Trump còn bị chỉ trích khi ủng hộ ông Putin tái đắc cử vài tháng trước.

Bản thân ông Putin không ít lần chia sẻ quan điểm rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây không hề có tác dụng với Nga. Theo ông Putin, nếu các quốc gia phương Tây chấp nhận thực tế này thì mối quan hệ giữa họ với Nga sẽ trở lại bình thường. Đây cũng là điều ông Putin mong muốn, củng cố vị thế nước Nga.

Tháng 7/2017, ông Putin và ông Trump có cuộc gặp đầu tiên bên lề hội nghị G20 ở Hamburg (Đức). Các chuyên gia quan sát nhận định ông Trump chủ động thái độ “nhường nhịn” bằng cách đưa ra phía trước để bắt tay ông Putin. 

Hoi nghi thuong dinh Nga - My: Da den luc cho mot cuoc gap duoc mong doi?
Ông Trump ngửa lòng bàn tay và đặt xuống thấp hơn. Trong vòng hai phút, ông có đến hai lần thể hiện cử chỉ này.

Tất cả thái độ của Tổng thống Trump đều có lý do.

Vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên khiến nhiều đời tổng thống Mỹ đau đầu nhưng chưa có giải pháp. Tháng Hai năm nay, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm thảo luận sơ bộ, không đi sâu nhưng “chốt hạ” cần thêm những bước quan trọng để loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngay sau đó, Mỹ hành động và chứng minh được với cả thế giới Washington biết cách làm hạ nhiệt tình hình ở bán đảo Triều Tiên, với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore thành công ngoài mong đợi.

Tổng thống Mỹ Trump cho rằng ông đã thiết lập mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cùng ông Kim ra tuyên bố chung, thể hiện thiện chí và quyết tâm bắt tay hợp tác. Điều này chưa từng có ở các đời tổng thống Mỹ trước đây.

Nga ở đâu trong cái bắt tay Mỹ-Triều? Gần thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Triều Tiên. Thực chất, Nga cũng đóng vai trò bảo lãnh cho các thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên vì ngoài Trung Quốc, Nga chính là đối tác quan trọng của Triều Tiên trong nhiều chương trình cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông.

Bên cạnh đó, Mỹ cần Nga để rút khỏi Trung Đông một cách êm thấm. Đến thời điểm này, rõ ràng Mỹ không thể tạo đột phá ở Trung Đông. Trong khi đó, Nga củng cố hiện diện quân sự tại Syria, lại có tiếng nói ở Trung Đông, có thể khiến phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) e ngại.

Bất chấp thực tế quan hệ Nga - Mỹ xấu đi nghiêm trọng những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crưm, dường như tổng thống hai nước đang tìm cách đưa quan hệ của hai cường quốc đi theo nguyên tắc sòng phẳng và thực dụng.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI