Học đại học “trả góp”, được không?

06/09/2023 - 06:03

PNO - Nhiều sinh viên mong muốn được “trả góp” học phí để theo đuổi được việc học suốt 4 năm dài.

Khi làm thủ tục nhập học đại học, tân sinh viên nhiều trường phải đóng học phí, các chi phí khác lên đến hàng chục triệu đồng. Đây là khó khăn lớn đối với không ít gia đình. Nhiều sinh viên mong muốn được “trả góp” học phí để theo đuổi được việc học suốt 4 năm dài.

Chi phí học tập đang ngày càng đắt đỏ

Tại Trường đại học (ĐH) Luật TPHCM, sinh viên chương trình chuẩn ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh phải đóng 15,5 triệu đồng; ngành quản trị luật phải đóng 18,5 triệu đồng tiền học phí học kỳ I. Có nghĩa là nếu tính cả năm học, sinh viên phải đóng từ 31-37 triệu đồng. Đối với chương trình chất lượng cao, sinh viên ngành luật, quản trị kinh doanh phải đóng hơn 62,5 triệu đồng/năm, ngành quản trị - luật đóng hơn 74 triệu đồng/năm, riêng ngành luật giảng dạy bằng tiếng Anh phải đóng đến 165 triệu đồng/năm.

Tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM làm thủ tục nhập học - ẢNH: TRƯƠNG MẪN
Tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM làm thủ tục nhập học - Ảnh: Trương Mẫn

Còn tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ngoài 14 triệu đồng học phí tạm thu, tân sinh viên được yêu cầu đóng gần 1 triệu đồng tiền lệ phí nhập học (chi phí làm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng, thẻ thư viện, giấy xác nhận sinh viên) và lệ phí thư viện cả khóa học. Ngoài ra, các em còn phải đóng 800.000 đồng tiền giáo trình, tài liệu số do nhà trường biên soạn; 850.000 đồng tiền bảo hiểm y tế (15 tháng); tiền gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, wifi là 500.000 đồng; lệ phí kiểm tra tin học đầu khóa là 445.000 đồng.

Tương tự, tân sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng học chương trình tiêu chuẩn các ngành thiết kế, kỹ thuật, máy tính… phải đóng gần 16 triệu đồng khi làm thủ tục nhập học, bao gồm học phí học kỳ I là 14,5 triệu đồng và các chi phí khác. Đối với những trường khối y dược, học phí lên đến hàng chục triệu đồng/năm. Đây thực sự là trở ngại cho những thí sinh có năng lực học tập, có đam mê nhưng gia đình lại không đủ khả năng kinh tế.  

Em T.C. - tân sinh viên một trường ĐH tại TPHCM - cho rằng, nếu nhà trường có hình thức “trả góp” học phí hằng tháng thì sinh viên có thể vừa học, vừa làm thêm để tự chi trả tiền học phí của mình, giảm đi áp lực tiền bạc cho ba mẹ  ở quê.  

Hình thức đáng mong đợi

Hiện hình thức trả góp học phí còn xa lạ với hầu hết các trường ĐH. Chỉ có hình thức sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay học phí từ ngân hàng.

Tại các nước tiên tiến như Mỹ, hình thức sinh viên trả góp học phí hằng tháng, thậm chí theo tuần cho nhà trường không hiếm. Việc chia nhỏ tiền học phí không chỉ giúp giảm nhẹ áp lực kinh tế cho các gia đình vào thời điểm đầu năm học, đầu học kỳ, mà còn tạo điều kiện để sinh viên có thể tự thanh toán chi phí học tập bằng tiền lương làm thêm.

Hoặc họ chia 1 năm học thành nhiều học kỳ để phù hợp với điều kiện kinh tế của người học. 1 năm không phải chỉ có 2 học kỳ, mà có thể có 4-6 học kỳ. Người học cũng không bắt buộc phải học đủ cả 4 hay 6 kỳ/năm mà có thể chỉ phải học 3-5 kỳ, 1-2 kỳ còn lại có thể đi làm. Cách phân chia như vậy để giảm bớt gánh nặng học phí/kỳ cho người học. Đồng thời giúp người học bố trí thời gian làm thêm, kiếm tiền để có thể trang trải được học phí.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết, hiện tại các trường ĐH ở nước ta đa phần đều hỗ trợ sinh viên khó khăn vay ngân hàng chính sách hoặc nguồn quỹ riêng do nhà trường thành lập với một lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ là sau khi sinh viên ra trường và có việc làm, chứ chưa có khái niệm trả góp học phí.

“Tuy nhiên, đây cũng là một cách làm hay, nếu không phải trả lãi suất thì hoàn toàn có thể phát triển để sinh viên có thêm nhiều sự lựa chọn trong suốt quá trình học tập của mình” - ông Nguyễn Trung Nhân kỳ vọng. 

Trả góp học phí là một giải pháp

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - nếu tiếp cận theo hướng giáo dục hiện đại - lấy người học làm trung tâm thì không thiếu phương án để giảm gánh nặng học phí cho người học. Ở nước ngoài, họ còn cho phép người học học theo hệ thống tín chỉ thực sự (chứ không phải tín chỉ theo hướng bắt buộc như ở nước ta). Người học được quyền đăng ký số lượng tín chỉ mỗi học kỳ. Người học có khó khăn về kinh tế thì có thể học 3 tín chỉ (3 môn học)/kỳ và nộp học phí theo tín chỉ. Thời gian còn lại có thể đi làm kiếm tiền. Người học có học lực hạn chế, cũng có thể đăng ký 3 môn học/kỳ. Họ cũng không bắt buộc sinh viên phải tốt nghiệp sau 4 năm, mà có thể là 6 năm, 8 năm. Thái Lan còn có trường ĐH cho phép đến 17 năm. 

Uông Ngọc

Sinh viên khó khăn được vay tiền đóng học phí

Năm học 2023-2024, sinh viên khó khăn có thể vay tối đa 40 triệu đồng/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hiệu lực từ ngày 19/5/2022, mỗi sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể vay tối đa 4 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào mức thu học phí của trường mà sinh viên theo học và sinh hoạt phí theo vùng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ quy định mức cho vay cụ thể.

Để thực hiện vay vốn, sinh viên cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện: đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định; tân sinh viên phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; sinh viên từ năm thứ hai phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và tuân thủ quy định pháp luật.

Sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên sau khi kết thúc khóa học được 12 tháng, hoặc trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI