Hoài niệm những ngày chưa xa

10/12/2022 - 16:44

PNO - Những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc đã “phục dựng” một Sài Gòn trong không gian ký ức, liên kết với hôm nay. Những câu chuyện, những con người cách đây chưa đến trăm năm đã trở thành lịch sử.

Lý Nhân Phan Thứ Lang (nhà báo Phan Kim Thịnh) được giới báo chí và văn nghệ Sài Gòn xem như chứng nhân của thời cuộc, của lịch sử. Sinh năm 1936 tại Hà Nam, Phan Thứ Lang chính thức gia nhập làng báo Sài Gòn từ năm 1959. Ông từng giữ vai trò chủ nhiệm của nhiều báo, tạp chí trước đây như: Nhật báo mới, tạp chí Văn học, tạp chí Bưu Hoa, nguyệt san Nhân văn… 

Nhờ đặc thù công việc, ông không chỉ lưu giữ được nhiều tư liệu quý về giới văn nghệ, báo chí Sài Gòn trước 1975 mà còn từng gặp nhiều nhân vật lịch sử như Nam Phương hoàng hậu, Phạm Ngọc Thảo... Do đó, không ngạc nhiên khi ông viết nhiều đầu sách, khảo cứu về các nhân vật như: Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu… Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng, Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng là 2 đầu sách bán chạy nhất của Phan Thứ Lang tại thị trường nước ngoài.


Thật tiếc, khi cuốn Sài Gòn vang bóng tái bản, Phan Thứ Lang đã thành người thiên cổ (ông mất vào tháng 4/2022). Độc giả yêu mến ông đã không còn cơ hội được gặp ông, nghe ông kể chuyện về những địa danh xưa, con người xưa.
Sài Gòn vang bóng được chia làm 3 phần chính. Phần 1 đề cập đến những địa danh Sài Gòn, đi từ chợ Bến Thành, ngã ba chú Ía đến Xóm Gà - nơi ngụ cư của những văn nhân Bắc Hà vào Nam làm báo. Phần 2 nói đến văn hóa Sài Gòn xưa, từ thú chơi, thói quen xem hát, thú ăn đêm của người Sài Gòn cho đến việc hình thành tờ báo phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn. Phần 3 nhắc đến những nhân vật nổi danh của mảnh đất này.

Những câu chuyện về di tích lịch sử như chợ Bến Thành, Dinh Xã Tây (tòa nhà UBND TPHCM ngày nay), Phủ Đầu Rồng (Dinh Độc Lập), Nhà hát Thành phố… hay nhân vật nổi tiếng như Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng đốc Phương, Petrus Ký, danh họa Nguyễn Gia Trí… tưởng quen mà lạ với vô vàn thông tin mới mẻ nhờ góc nhìn độc đáo của tác giả - một người từng sống qua giai đoạn đó, kết hợp với sự tỉ mỉ, kiểm chứng và xử lý tư liệu thận trọng của một nhà báo nhạy bén và tư duy khoa học. Chẳng hạn, viết về Nguyễn Gia Trí, thay vì nói về tranh sơn mài, Phan Thứ Lang đề cập đến mảng tranh châm biếm ít người biết; viết về Lê Văn Duyệt, ông lại chọn những thú vui của Đức Tả Quân đã trở thành một nét văn hóa của Sài Gòn xưa.

Những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc ấy đã “phục dựng” một Sài Gòn trong không gian ký ức, liên kết với hôm nay. Những câu chuyện, những con người cách đây chưa đến trăm năm đã trở thành lịch sử. Hóa ra, lịch sử của 1 vùng đất mới hay 1 vùng đất ngàn năm đều là câu chuyện đang diễn ra từng ngày, câu chuyện của văn hóa, của lề thói sinh hoạt và cả những thú vui, những tâm tình riêng.

Vài nét phác họa, từ câu chuyện riêng khái quát thành câu chuyện chung rồi trở thành ký ức của nhiều thế hệ, lối viết này có lẽ còn lâu lắm mới tìm được một cây bút tương tự.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI